MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ ĐIỀU 329 VÀ ĐIỀU 347 CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2015

Toà án nhân dân thành phố Nha Trang

         1. Về việc bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án sơ thẩm theo quy định tại Điều 329 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Điều 329 BLTTHS 2015 quy định về bắt bị cáo tạm giam sau khi tuyên án giữ về nội dung được giữ nguyên như quy định tại Điều 228 của BLTTHS 2003, chỉ có thay đổi một số cụm từ cho phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật. Qua nghiên cứu tác giả nhận thấy quy định tại về thời hạn tạm giam đối với bị cáo đang bị giam hoặc bị cáo bị Hội đồng xét xử bắt để tạm giam là 45 ngày, kể từ ngày tuyên án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này, là chưa bao quát được trường hợp bị cáo bị xử phạt tù nhưng thời hạn còn lại của hình phạt tù là dưới 45 ngày.
Ví dụ: Bị cáo Nguyễn Văn A bị tạm giam từ ngày 01/12/2016 ngày 01/8/2017 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện B xử phạt 9 tháng tù. Như vậy, thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo A chỉ còn 01 tháng tù. Do bị cáo đang bị tạm giam và cần thiết phải tạm giam bị cáo để bảo đảm việc chấp hành hình phạt, thì Hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ ra quyết định tạm giam bị cáo trong thời hạn 30 ngày (01 tháng) mà không thể ra Quyết tạm giam bị cáo A 45 ngày được. Tác giả kiến nghị sửa lại khoản 3 Điều 329 BLTTHS 2015 như sau:
“..3. Thời hạn tạm giam bị cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là 45 ngày kể từ ngày tuyên án, trừ trường hợp thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo ít hơn 45 ngày thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bằng với thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
        2. Về áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm theo quy định tại Điều 347 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà có kháng cáo, sau khi thụ lý vụ án phúc thẩm, nếu cần tiếp tục tạm giam bị cáo thì Toà án cấp phúc thẩm ra lệnh tạm giam bị cáo. Thời hạn tạm giam đối với bị cáo không quá 60 ngày đối với đối với Toà án cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu và không quá 90 ngày đối với Toà án nhân dân cấp cao, Toà án quân sự trung ương.
           Một số điểm mới về áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:
       BLTTHS 2015 đã pháp điển hóa Nghị quyết số 04/2004/NQHĐTP – TANDTC và Nghị quyết 05/2005/HĐTP TANDTC. Theo đó, khắc phục được những khiếm khuyết của BLTTHS 2003 khi không quy định rõ ràng về sự kế tiếp nhau của những lệnh hay quyết định tạm giam giữa tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm. Trong thực tiễn có Tòa án cấp phúc thẩm khi thụ lý hồ sơ vụ án là cứ ra quyết định tạm giam 60 ngày kể từ ngày thụ lý. Trong khi đó quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm vẫn còn. Do đó, đã phát sinh trường hợp lệnh chồng lệnh. Theo đó, khoản 2 Điều 347 BLTTHS 2015 đã quy định cụ thể thời hạn tạm giam như đối với bị cáo đang bị tạm giam như sau “Trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm sử dụng thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án ra quyết định tạm giam mới.
         Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Hướng dẫn này được hiểu là Tòa án cấp phúc thẩm đã ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử và khi đã thành lập Hội đồng xét xử thì thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam được giao cho Hội đồng xét xử mà không phải là Chánh án hoặc Phó Chánh án như quy định tại BLTTHS 2003. Quy định này là phù hợp với thực tiễn giải quyết vụ án hình sự.
        Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 347 BLTTHS 2015 quy định “Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này”. Thời hạn tạm giam là 45 ngày kể từ ngày tuyên án. Nghiên cứu quy định này, tác giả nhận thấy còn một số vướng mắc mà BLTTHS 2015 chưa quy định:
       Thứ nhất, nếu bị cáo đang bị tạm giam và thời hạn tạm giam vẫn còn và Hội đồng xét xử phúc thẩm xử phạt tù bị cáo thì Hội đồng xét xử có ra quyết định tạm giam không? Với quy định nói trên, chúng ta nhận thấy Hội đồng xét xử không phải ra quyết định tạm giam vì luật quy định “…mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết”. Tuy nhiên, vướng mắc sẽ xảy ra khi thời hạn tạm giam chỉ còn lại từ 1 đến 5 hoặc 7 ngày .v.v.. Bởi vì thời hạn tạm giam còn lại một số ngày thì sẽ gây khó khăn trong việc cấp phúc thẩm gửi bản án cho Tòa án cấp sơ để ra quyết định thi hành án.
         Thứ hai: Khi người kháng cáo (bị cáo, người bị hại kháng cáo tăng hoặc giảm hình phạt), Viện kiểm sát kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, vấn đề vướng mắc là nếu lúc này lệnh tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử có ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án không? Nghiên cứu về đình chỉ vụ án quy định tại Điều 348 của BLTTHS 2015 không quy định về tạm giam trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án. Tương tự khi tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án và lúc này thời hạn tạm giam còn lại từ 1 đến 5 hoặc 7 ngày thì giải quyết vấn đề này như thế nào?. Thực tiễn áp dụng BLTTHS 2003 thì cách xử lý giữa các Hội đồng xét xử không giống nhau, có Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo 45 ngày, có Hội đồng xét xử không ra quyết định tạm giam mà chuyển ngay Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm và đề nghị Toà án cấp sơ thẩm ra ngay Quyết định thi hành án phạt tù đối với bị cáo để không bị khoảng trống về lệnh tạm giam.
Nếu Hội đồng xét xử phúc thẩm không ra quyết định tạm giam bị cáo trong trường hợp này, thì có thể xảy gây ra một số khó khăn sau: Khi kết thời hạn tạm giam phúc thẩm, cơ quan đang quản lý người bị kết án phải thả họ ra, dù thời hạn chấp hành hình phạt tù của họ vẫn còn. Lúc này, khi Tòa án cấp phúc thẩm chuyển bản án phúc thẩm về cho Tòa án cấp sơ thẩm để Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định thi hành án và Tòa án cấp sơ thẩm phải triệu tập bị án lên nhận quyết định thi hành án, vấn đề sẽ trở nên rắc rối nếu bị cáo không lên nhận quyết định, hoặc bị cáo bỏ trốn..v.v. Sự việc có thể trở nên nghiêm trọng nếu bị cáo khi được trả tự do (do không có lệnh) sẽ tiếp tục phạm tội. Lúc này, cơ quan tiến hành tố tụng mà đặc biệt là cơ quan điều tra phải truy nã, điều tra, truy bắt người bị kết án bỏ trốn dẫn đến tốn kém sức lực, kinh phí cho nhà nước không đáng có. Vậy câu hỏi tại sao chúng ta không giao cho Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng quyết định tạm giam bị cáo 45 ngày để khỏi phải xảy ra những trường hợp đáng tiếc nói trên. Theo tác giả, trong các trường hợp bất cập nói trên, việc bổ sung quyết định tạm giam cho Hội đồng xét xử là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn giải quyết vụ án, vừa đảm bảo việc bị cáo bị tạm giam có căn cứ, đồng thời đảm bảo thời hạn để Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản án cho Tòa án cấp sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm ban hành quyết định chấp hành hình phạt tù và tạo thuận lợi cho cho cơ quan thi hành án phạt tù trong thi hành hình phạt tù .
         thứ ba, đoạn cuối của khoản 3 Điều 347 BLTTHS 2015 quy định “Thời hạn tạm giam là 45 mươi lăm ngày, kể từ ngày tuyên án”. Quy định này có một số bất cập đó là:
         Không phải mọi trường hợp thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo (sau khi xét xử phúc thẩm)đều có thời hạn từ bốn mươi lăm ngày trở lên, mà có những trường hợp thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo dưới 45 ngày (xem ví dụ tác giả đề cập ở mục 3).
        Không phải vụ án hình sự phúc thẩm nào Hội đồng xét xử cũng tuyên án, bởi vì có những vụ án tại phiên toà bị cáo rút kháng cáo thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án mà không tuyên án. Do đó, quy định thời hạn tạm giam bốn mươi lăm ngày kể từ ngày tuyên án là chưa bao quát được các trường hợp khác.
Do vậy, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 347 BLTTHS 2015 như sau:
“Điều 347. Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
…….
3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam đã hết hoặc còn lại dưới 45 ngày, hoặc tại phiên toà phúc thẩm bị cáo rút kháng cáo mà thời hạn tạm giam đã hết hoặc còn lại dưới 45 ngày thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo 45 ngày để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này.
Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm tuyên án hoặc đình chỉ xét xử đối với bị cáo mà thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo còn lại dưới 45 ngày, thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo bằng với thời hạn còn lại của hình phạt tù.
Đối với bị cáo không bị tạm giam, nhưng bị xử phạt tù thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án”.
          Trên đây là một số ý kiến cá nhân của tác giả. Mặc dù dự liệu những bất cập và có ý kiến đề xuất. Tuy nhiên, do BLHS mới ban hành nên việc sửa đổi, bổ sung thời điểm này là chưa phù hợp. Do đó, chúng tôi đề xuất có hướng dẫn kịp thời để áp dụng thống nhất trên thực tiễn.

Phan Thanh Tùng