Ngày 2/1/2021, Chánh án Tòa án cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/1/2021. TANDTC đã có Công văn số 188/TANDTC-PC hướng dẫn, đôn đốc TAND các cấp để triển khai thi hành đạo luật này một cách hiệu quả, kịp thời.

Ngày 16/11/2020, Chánh án TANDTC đã ký ban hành Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Chánh án TANDTC yêu cầu các Chánh án TAND cấp huyện và các TAND cấp tỉnh, các đơn vị liên quan của TANDTC thực hiện ngay một số công việc.

Về tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải đối thoại

 Căn cứ vào các bước đã triển khai tại Công văn số 687/TANDTC-TCCB ngày 4/11/2020 của TANDTC, sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị của người có nguyện vọng được bổ nhiệm làm Hòa giải viên; lập danh sách các trường hợp bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại và các trường hợp không bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại nhưng có nguyện vọng được tập huấn, bồi dưỡng gửi đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) trước ngày 10/12/2020.

 Vụ Tổ chức - Cán bộ tổng hợp danh sách do TAND cấp tỉnh gửi đến và làm văn bản chuyển Học viện Tòa án để tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hòa giải đối thoại trước ngày 15/12/2020.

 Học viện Tòa án tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ trước ngày 20/12/2020.

Về thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên

Sau khi các trường hợp được cử đi bồi dưỡng đã được cấp chứng chỉ, Tòa án nơi nhận hồ sơ lựa chọn người có đủ điều kiện và có văn bản đề nghị Chánh án TAND cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm (qua đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ TAND cấp tỉnh) trước ngày 24/12/2020.

Chánh án TAND cấp tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên trước ngày 27/12/2020. Hội đồng tư vấn tổ chức họp xem xét, thống nhất và ra nghị quyết lựa chọn người có đủ điều kiện làm Hòa giải viên trước ngày 30/12/2020.

Chánh án TAND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên sau ngày 1/1/2021 và trước ngày 3/1/2021.

 Về thông báo công khai danh sách Hòa giải viên

Việc thực hiện thông báo công khai danh sách Hòa giải viên được thực hiện theo khoản 5 Điều 6 Thông tư.

Về bổ sung số lượng Hòa giải viên theo định biên

Sau khi bổ nhiệm Hòa giải viên, căn cứ Điều 3 của Thông tư, căn cứ vào số lượng vụ, việc thụ lý trung bình 2 năm (năm 2019 và năm 2020); Chánh án TAND cấp huyện có văn bản đề nghị Chánh án TAND cấp tỉnh giao số lượng Hòa giải viên trước ngày 15/3/2021.

Chánh án TAND cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu, đề xuất số lượng Hòa giải viên của TAND cấp tỉnh và các TAND cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý về TANDTC (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) trước ngày 31/3/2021.

Sau khi TANDTC phê duyệt, Chánh án TAND cấp tỉnh ban hành quyết định giao số lượng Hòa giải viên đối với từng Tòa án thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp trước ngày 10/4/2021.

TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh thực hiện quy trình bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 6 của Thông tư ngay sau khi được giao số lượng Hòa giải viên.

Về chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện hòa giải, đối thoại

Các TAND cấp huyện và các TAND cấp tỉnh, chủ động sắp xếp bố trí cơ sở vật chất, thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đối với những Tòa án đã thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì sắp xếp, bố trí phòng hòa giải, đối thoại, phòng làm việc của Hòa giải viên và các điều kiện vật chất khác để có thể thực hiện ngay hoạt động hòa giải, đối thoại khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021).

 

Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP. Hà Nội hòa giải một vụ việc dân sự – Ảnh: Quang Huy

 

THÁI VŨ