Người có công được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuế và được vay vốn ưu đãi

Ngày 31/12/2020, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng vừa được UBTVQH thông qua ngày 9/12/2020.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải và Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Lê Văn Thanh, đại diện cơ quan soạn thảo, chủ trì cuộc họp báo.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 và thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2005 và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi 2012.

Nhiều điểm mới

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2020 gồm 7 chương và 58 Điều, có nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ cho người có công và thân nhân.

Pháp lệnh này quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Pháp lệnh mở rộng chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

So với Pháp lệnh hiện hành, Pháp lệnh có 36 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn về đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện, điều kiện, tiêu chuẩn ưu đãi người có công với cách mạng người có công, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, về quản lý nhà nước, về tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, xử lý vi phạm.

Nhiều nội dung đã được pháp lệnh hóa như khái niệm tỷ lệ tổn thương cơ thể quy định tại khoản 4 Điều 4; khái niệm hành động dũng cảm; công việc cấp bách, nguy hiểm tại khoản 5, khoản 6 Điều 4; vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác tại khoản 10 Điều 16; chế độ người có công giúp đỡ cách mạng tại khoản 5 Điều 39; các điều về điều kiện, tiêu chuẩn người có công giúp đỡ cách mạng (Điều 8, 11, 14, 23, 29); về công trình ghi công liệt sĩ tại Chương III; về ngân sách nhà nước về bảo đảm nhiệm vụ chi; một số nội dung về quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng.



Toàn cảnh phiên họp báo - Ảnh: Thái Vũ

Pháp lệnh quy định rõ đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể, người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12 /1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng. Thứ hai, thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

Chế độ cụ thể

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2020 quy định:

Người hy sinh, người bị thương, người bị bệnh trước ngày 1/7/2021 nếu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2020 thì được áp dụng điều kiện, tiêu chuẩn theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2005, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi 2012.

Người có công với cách mạng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết trước ngày 01/7/2021 thì vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên tại thời điểm người có công với cách mạng chết được hưởng trợ cấp tuất;

Trường hợp vợ chưa đủ 55 tuổi hoặc chồng chưa đủ 60 tuổi tại thời điểm người có công với cách mạng chết thì trợ cấp tuất được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Pháp lệnh bổ sung chế độ được cấp giấy chứng nhận Người có công tại khoản 1 Điều 9 và điểm a khoản 1 Điều 12.

Bổ sung các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng tại các điểm g, h, i và k khoản 2 Điều 5 về: Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với đất ở; chế độ ưu tiên giao hoặc thuê đất, ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng; chế độ vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Quy định chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng phải theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng tại khoản 5 Điều 9, điểm d khoản 1 Điều 12, khoản 8 Điều 16, khoản 4 Điều 21, khoản 5 Điều 24, khoản 4 Điều 27, khoản 6 Điều 30, khoản 5 Điều 31, khoản 5 Điều 33, khoản 1 Điều 39.

Bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân người hoạt động cách mạng tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 13 (trước đây chỉ được hưởng khi người hoạt động cách mạng chết).

Quy định cụ thể chế độ trợ cấp một lần với mức bằng 03 tháng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối với thân nhân khi người hoạt động động cách mạng đang hưởng chế độ mà chết tại điểm b khoản 3 điều 10, điểm b khoản 3 Điều 13.

Pháp lệnh cũng bỏ chế độ trợ cấp tuất hằng tháng và bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cha đẻ, mẹ đẻ người hoạt động cách mạng tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 10 và khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 13.

Về chế độ ưu đãi đối với liệt sĩ, thân nhân liệt sỹ: Pháp lệnh bổ sung chế độ tại khoản 1, 2, 4 của Điều 15, quy định rõ người được hưởng chế độ thờ cúng đối với liệt sĩ không có thân nhân là người được giao, ủy quyền thờ cúng liệt sỹ tại khoản 3 Điều 15. Bổ sung chế độ hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ hoặc di chuyển hài cốt liệt sĩ tại khoản 9 Điều 16. Quy định chế độ đối với vợ/chồng liệt sĩ lấy chồng/ vợ khác tại khoản 10 Điều 16.

Đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng: quy định chế độ trợ cấp tuất hằng tháng bằng 03 lần mức chuẩn đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại khoản 2 Điều 18; chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình tại khoản 1 Điều 18.

Đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Quy định chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chế mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi hoặc đang hưởng chế độ ưu đãi mà chết tại khoản 1 Điều 19.

Đối với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ kháng chiến: chế độ ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng, chế độ miễn hoặc giảm thuế tại khoản, chế độ trợ cấp một lần tại khoản 4 Điều 21.

Chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Bổ sung chế độ ưu tiên giao hoặc thuê đất; ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng tại khoản 6 Điều 30.

Chế độ đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: bổ sung chế độ trợ cấp một lần cho thân nhân khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết hoặc cho thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khi con đẻ của người hoạt động kháng chiến chết tại khoản 2 Điều 31.

Cụ thể hóa thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tại khoản 3 Điều 31.

Bổ sung trường hợp thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết tại điểm b khoản 3 Điều 31.

Bổ sung chế độ BHYT đối với con đẻ tại điểm b khoản 4 Điều 31; chế độ  cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho con đẻ tại khoản 5 Điều 31.

Chế độ đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày: Bổ sung chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở tại khoản 5 Điều 33.

Chế độ đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế: Bổ sung chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở tại khoản 3 Điều 36.

Chế độ đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế: Chế độ trợ cấp 1 lần quy định tại khoản 1 Điều 37 khi người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi.

Chế độ đối với người có công giúp đỡ cách mạng: Bổ sung chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở, chế độ điều dưỡng phục hồi sức tại khoản 5 Điều 39.

Chế độ đối với thân nhân của người có công giúp đỡ cách mạng: Bổ sung chế độ trợ cấp 1 lần khi người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng chế hoặc chết mà chưa hưởng chế độ ưu đãi tại khoản 1 Điều 40, chế độ mai táng phí khoản 2, Điều 40. Bổ sung chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng tại khoản 2 Điều 39 cho thân nhân sống cô đơn.

Những vấn đề đặt ra

Phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân có hai câu hỏi với cơ quan soạn thảo. Câu hỏi thứ nhất, lâu nay vấn đề thực hiện chính sách người có công có hai hiện tượng cần quan tâm. Một là gian dối hồ sơ, trục lợi từ chính sách người có công và hai là nhiều người có công thật sự nhưng hồ sơ thất lạc, không đầy đủ khiến hành trình yêu cầu giải quyết quyền lợi chính đáng rất khó khăn, Pháp lệnh có quy định như thế nào để khắc phục hai thái cực này? Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021, như vậy chỉ còn 6 tháng nhưng có ba Nghị định và ba Thông tư cần ban hành để thực hiện Pháp lệnh, xin cho biết công tác chuẩn bị các văn bản dưới luật này như thế nào?

Đại diện Cục người có công Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã cho biết: Những năm qua, các cơ quan chức năng đã thanh tra, điều tra, khởi tố nhiều vụ làm giả hồ sơ, giấy tờ, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi. Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tích cực thanh tra, kiểm tra, phối hợp với có bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để vấn đề này nên đến nay đã khắc phục tương đối tốt. Trong Pháp lệnh mới có quy định cụ thể, minh bạch về tiêu chuẩn, điều kiện để được hưởng ưu đãi và quy định về các hành vi bị nghiêm cấm… nên tình trạng này sẽ được khắc phục.

Về hồ sơ tồn đọng do nhiều nguyên nhân, đến nay Cục đã giải quyết được hơn 6000 trường hợp. Trong Pháp lệnh này, có quy định cụ thể từng thời kỳ, từng đối tượng nên việc giải quyết các trường hợp có vướng mắc về hồ sơ thuận lợi hơn trước đây. Những trường hợp không còn hồ sơ gốc thì thực hiện theo những quy định tương ứng với từng thời kỳ lịch sử để giải quyết.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, dù chỉ còn 6 tháng nhưng Bộ đã tích cực chuẩn bị để Chính phủ ban hành kịp tiến độ ba Nghị định về hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh; Mức phụ cấp, trợ cấp; Các chế độ ưu đãi khác cũng như ba Thông tư để Pháp lệnh thực hiện được dễ dàng.

 

Thứ trưởng Lê Văn Thanh giới thiệu về Pháp lệnh - Ảnh: Thái Vũ

 

THÁI VŨ