Ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, tiếp tục được Quốc hội bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng 26/7, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đọc tờ trình đề cử nhân sự để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Chủ tịch nước giới thiệu ông Phạm Minh Chính - người được bầu giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 từ tháng 4/2021 - để Quốc hội bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026. 

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 479/479 đại biểu Quốc hội (chiếm 95,99% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành. Với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ hiệm kỳ 2016-2021, Đại biểu Quốc hội khóa XV, chính thức được bầu làm Thủ tướng Chính phủ  nhiệm kỳ 2021-2026.

 

Ông Phạm Minh Chính lần thứ 2 nhậm chức Thủ tướng Chính phủ - 2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Thủ tướng Chính phủ

 

Tóm tắt tiểu sử ông Phạm Minh Chính

Họ và tên: Phạm Minh Chính

Ngày sinh: 10/12/1958

Quê quán: xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Trình độ chuyên môn:

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, Kỹ sư Xây dựng

Từ 9/1977 - 9/1984: Học Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; Đại học Xây dựng Bucarest - Rumani.

Từ 8/1982 - 9/1984: Được bầu làm Bí thư BCH Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh toàn Rumani và Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại nước cộng hòa Rumani.

Từ 9/1984 - 01/1985: Tốt nghiệp Đại học, chờ tiếp nhận công tác.

Từ 01/1985 - 08/1987: Cán bộ tình báo Phòng 6, Cục Tình báo thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an.

Từ 7/1985 – 9/1985: Đào tạo nghiệp vụ ngoại giao tại Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao) – Bộ Ngoại giao.

Từ 9/1986 – 7/1987: Đào tạo nghiệp vụ tại Trường Tình báo (nay là Học viện Quốc tế) – Bộ Công an.

Từ 8/1987 – 01/1989: Cán bộ tình báo Cụm Tình báo phía Nam, Cục Tình báo thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an.

Từ 01/1989 – 01/1990: Cán bộ tình báo Cục Tình báo phía Nam thuộc Tổng cục Tình báo, Bộ Công an.

Từ 01/1990 – 3/1991: Cán bộ tình báo, Cục Âu Mỹ thuộc Tổng cục Tình báo, Bộ Công an.

Từ 3/1991 - 11/1994: Cán bộ Bộ Ngoại giao, Bí thư thứ 3, rồi Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani.

Từ 11/1994 - 5/1999: Cán bộ tình báo; Phó Trưởng phòng Cục Tình báo Châu Âu thuộc Tổng cục Tình báo - Bộ Công an; Cán bộ Tổ thư ký lãnh đạo Bộ Công an, thuộc Văn phòng Bộ Công an.

Từ 8/1996 – 01/1997: Đào tạo nghiệp vụ tại Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh) – Bộ Công an.

Từ 9/1999 – 9/2001: Đào tạo lý luận chính trị cao cấp tại trường Đảng cao cấp (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Từ 5/1999 - 5/2006: Phó Cục trưởng; Quyền Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Tình báo kinh tế - khoa học công nghệ và môi trường, Tổng cục Tình báo, Bộ Công an.

Từ 5/2006 - 12/2009: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo phụ trách tình báo kinh tế-khoa học, công nghệ và môi trường, thuộc Bộ Công an.

Từ 12/2009 - 8/2010: Phó Tổng cục trưởng phụ trách rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an.

Từ 8/2010 - 8/2011: Uỷ viên Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách lĩnh vực hậu cần - kỹ thuật, tài chính, khoa học, công nghệ, môi trường của Bộ Công an. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào BCHTW Đảng.

Từ 8/2011 - 02/2015: Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy Quân sự Tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Đảng ủy Quân khu 3 - Bộ Quốc phòng.

Từ 2/2015 - 01/2016: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu vào BCH Trung ương Đảng và được BCH Trung ương Đảng khóa XII bầu là Ủy viên Bộ Chính trị.

Từ 02/2016 - 4/2021: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khóa XII, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương khóa XII; phụ trách Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản của Quốc hội khóa XIV. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, được bầu tái cử BCH Trung ương Đảng và được BCH Trung ương Đảng bầu tái cử Bộ Chính trị khóa XIII.

5/4/2021: Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ 26/7/2021: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Nghi thức lễ tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ  được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi - Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Phát biểu sau lễ tuyên thệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Thủ tướng khẳng định đây là vinh dự lớn lao đối với cá nhân ông, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đồng bào nhân dân cả nước.

Thủ tướng bày tỏ sự tri ân, biết ơn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc lão thành cách mạng, các anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công, đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước cũng cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã làm nên nhiều kỳ tích trong quá khứ để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như hiện nay.

Thủ tướng  cũng gửi lời cảm ơn các vị lãnh đạo tiền nhiệm, sự chia sẻ của đồng bào cả nước, của bạn bè quốc tế về sự đồng hành với Chính phủ thời gian qua. Ông khẳng định Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ kế thừa thành tựu của Chính phủ các nhiệm kỳ trước, đổi mới sáng tạo, đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết.

Thủ tướng cũng chia sẻ: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với Nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly. Với tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân; nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vaccine; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của Nhân dân để chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những ”rào cản”, “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trong mọi điều kiện trên cơ sở phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, nội lực là cơ bản, quyết định, tranh thủ ngoại lực là quan trọng, cần thiết; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế, an ninh tài chính tiền tệ. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh hợp tác công - tư, sử dụng nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài Nhà nước, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp. Tích cực hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, chủ thể sản xuất kinh doanh và người dân. Tập trung rà soát và đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả những tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình thua lỗ kéo dài; tích cực khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công.

BẢO THƯ