Quốc hội bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 khắc phục tình trạng thiếu nguồn Thẩm phán

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ngày 10/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân và thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

420/445 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành

Các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Kết quả biểu quyết cho thấy có 420/445 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,78% tổng số đại biểu Quốc hội. Với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Nghị quyết quy định bổ sung Điều 1a vào sau Điều 1 của Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Trong đó, Điều 1a quy định việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: Cụ thể, kể từ ngày 10/6/2019 đến ngày 01/2/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 05 năm làm Thẩm phán cao cấp.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua, 10/6/2019.

Đại biểu Võ Như Hoa – Ảnh QUOC HOI.VN

Thu hút nhân tài

Cũng liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức như về đối tượng là công chức, chính sách đối với người có tài năng, hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, về hình thức kỷ luật giáng chức, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức; thực hiện chế độ hợp đồng đối với viên chức tuyển dụng mới, hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức…

Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk), bày tỏ băn khoăn về quy định tuyển dụng đối với người có tài năng và đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tiêu chí, khái niệm về người có tài năng trong dự thảo Luật để khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ được áp dụng thống nhất, tránh tình trạng luật quy định chung chung mỗi nơi hiểu một kiểu xét tuyển công chức một cách tùy tiện, không bảo đảm chọn đúng người có tài năng vào các cơ quan nhà nước. Đồng thời đề nghị bổ sung đối tượng được xét tuyển công chức là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn vào khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật. Bổ sung quy định này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay nhằm tăng số lượng cán bộ dân tộc thiểu số vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) lưu ý quan điểm xây dựng Luật là tiếp tục đổi mới phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền… Đây chính là những vướng mắc cơ bản của luật hiện hành đang làm cho bộ máy chính quyền địa phương hoạt động chưa hiệu quả, tuy nhiên qua nghiên cứu có thấy có đến 8 điều trên tổng số 17 điều giao Chính phủ quy định và không có điều khoản nào phân cấp cho chính quyền địa phương. Đại biểu đặt câu hỏi vậy việc đẩy mạnh phân cấp thể hiện ở đâu và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo xây dựng luật hay chưa.

Hơn nữa quy định về chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng phải là quy định mang tính chất quy phạm . Do đó, đại biểu cũng đề nghị luật cần có khái niệm thế nào là người có tài năng và Chính phủ quy định tiêu chí để thu hút người có tài năng và giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ đối với người có tài năng sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. Theo đại biểu, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để áp dụng thống nhất tại địa phương, đảm bảo thực hiện hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chỉ rõ, nhân tài là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong xã hội và có nhiều quan điểm khác nhau về nhân tài nhưng chưa có văn bản nào của Đảng, Nhà nước xác định rõ ràng thống nhất về khái niệm nhân tài.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân ( Cà Mau) nhấn mạnh, đã đến lúc phải trọng dụng nhân tài một cách thực sự bởi hiện nay nhân tài đang lãng phí rất nhiều và cần có luật riêng về vấn đề này mới bảo đảm khơi thông và phát huy nguồn lực này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, sâu sắc hơn các nghị quyết của Đảng, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại đang đặt ra hiện nay; cần có đánh giá tác động của những chính sách mới kỹ hơn, toàn hiện hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của đại biểu được ghi chép, ghi âm đầy đủ và sẽ được tổng hợp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

TRÂN KHÁNH LINH