Quốc hội đã thảo luận về sửa đổi Luật Đất đai

Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 được Quốc hội thông qua vào chiều 27/7. Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022

Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (sau đây gọi là Chương trình) năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021. Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết; đồng thời có thêm nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Về tình hình thực hiện Chương trình thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất với những đánh giá trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích, làm rõ thêm những hạn chế, bất cập kéo dài nhiều năm, cần được quan tâm xử lý, khắc phục triệt để trong thời gian tới như: việc tổ chức thực hiện Chương trình chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; tình trạng xin lùi thời gian trình, rút dự án khỏi Chương trình, bổ sung dự án gần sát kỳ họp còn nhiều; đồng thời, cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sát sao hơn trong chỉ đạo triển khai, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình được Quốc hội thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan có liên quan phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết quyết nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp). Điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Về dự kiến Chương trình năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 như dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có ý kiến đề nghị cần trình dự án Luật này sớm hơn hoặc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại hai kỳ họp; có ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để xử lý ngay một số nội dung cấp bách liên quan đến đất đai trong khi chưa kịp sửa đổi Luật Đất đai.

Đây là dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động sâu rộng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, cần có thời gian để chuẩn bị, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không ban hành ngay Nghị quyết về đất đai và cho giữ dự án Luật này trong Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 để thông qua trong năm 2023. Trên cơ sở hồ sơ dự án do Chính phủ trình, thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, nếu dự án Luật bảo đảm chất lượng tốt, đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo để Quốc hội thông qua dự án Luật này sớm hơn tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Có ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành một văn bản về nội dung phòng, chống đại dịch Covid-19 để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho Chính phủ trong việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động đề xuất, rất tích cực, khẩn trương và phối hợp với Chính phủ chuẩn bị, báo cáo Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình kỳ họp việc thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất, trong đó có nội dung về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là sáng kiến lập pháp rất quan trọng, có ý nghĩa, kịp thời, thể hiện Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, cả hệ thống chính trị và Nhân dân quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình việc sửa đổi, ban hành một số luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế; một số luật về lĩnh vực y tế để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 .

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các đề xuất này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình, nhất là đối với các dự án luật để thể chế hóa Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các dự án luật cần sớm sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu kép và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nghị quyết yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; không đề nghị bổ sung dự án ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án không có trong Chương trình, dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm về hồ sơ theo quy định.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo; thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động ngay từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị.

Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có biện pháp chỉ đạo các Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo bảo đảm chất lượng, tiến độ và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đề cao trách nhiệm và tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả phối hợp trong xây dựng pháp luật; chủ động cùng các cơ quan của Chính phủ rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc phạm vi phụ trách có nội dung bất cập hoặc có mâu thuẫn, chồng chéo để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; nâng cao chất lượng, tính phản biện trong các báo cáo thẩm tra; tăng cường giám sát thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.

 

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Minh Hùng

MINH KHÔI