Quốc hội sẽ thảo luận về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục

Ngày 21/5, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến lần thứ hai về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và sau đó lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan liên quan.

Những vấn đề chính trong dự thảo

Những vấn đề nổi bật trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) bao gồm: Triết lý giáo dục; hướng nghiệp, phân luồng; chính sách cử tuyển; đầu tư giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; học phí; xã hội hóa; trình độ giáo viên; học bổng; phân công công tác…

Về quy định triết lý giáo dục, Luật Giáo dục hiện hành không có điều luật nào có tên là “triết lý giáo dục”, việc này có thể dẫn đến cách hiểu nhầm rằng Việt Nam chưa có triết lý giáo dục. Hiện nay, quy định về triết lý giáo dục được thể hiện chủ yếu tại Điều 2: Mục tiêu của giáo dục và Điều 3: Tính chất, nguyên lý giáo dục.

Triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo ở nước ta. Nhưng, cũng như các nước khác trên thế giới, ở Việt Nam cũng có nhiều quan điểm khác nhau về triết lý giáo dục, cho nên dễ dẫn đến những tranh luận về triết lý giáo dục. Hai điều luật trên đây cũng chưa thể hiện đầy đủ quan điểm, đường lối về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ở Việt Nam và tinh thần của Điều 61 của Hiến pháp 2013 về GD-ĐT “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Do đó, dự thảo cân nhắc giữa việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 và Điều 3 nhưng vẫn giữ tên gọi như hiện nay hoặc hợp nhất Điều 2 và Điều 3 thành 1 điều luật có tên là “Triết lý giáo dục”.

Quy định về hướng nghiệp, phân luồng, dự thảo bổ sung các định nghĩa về “hướng nghiệp” và “phân luồng” trong điều khoản định nghĩa để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong việc thực thi Luật. Bổ sung 1 điều quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.

Về cử tuyển, dự thảo quy định cụ thể đối tượng cử tuyển sẽ bao gồm 2 nhóm: học sinh dân tộc rất ít người được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp và học sinh dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt được cử tuyển vào học các trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học. Sửa đổi, bổ sung Điều 84 Dự thảo giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương có trách nhiệm đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề phù hợp trên cơ sở quy hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của địa phương… để đảm bảo hiệu quả trong chính sách cử tuyển.

Về đầu tư giáo dục, trách nhiệm của nhà nước, bổ sung vào khoản 1 Điều 94 Dự thảo quy định NSNN chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi NSNN hàng năm ; bổ sung vào Điều 94 Dự thảo các định hướng ưu tiên trong việc phân bổ nguồn ngân sách cho giáo dục là để thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn tránh trường hợp cào bằng trong phân bổ kinh phí ngân sách cho giáo dục như trước đây.

Về học phí, bổ sung vào Dự thảo quy định: Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định. Nhằm xác định nội hàm các khoản thu cấu thành nên học phí, loại bỏ hiện tượng lạm thu, các khoản thu biến tướng hiện nay. Bổ sung quy định rõ trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Bổ sung quy định trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (bao gồm cả trường có vốn đầu tư nước ngoài). Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Về xã hội hóa, cần sửa đổi quy định liên quan trong Luật Đất đai, các Luật về thuế, tín dụng… theo hướng quy định cụ thể và tăng mức ưu đãi đối với xã hội hóa giáo dục. Sửa đổi bổ sung Điều 62 Dự thảo về các ưu đãi thu hút đầu tư đối với trường dân lập, trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài; Khoản 5 Điều 96 Dự thảo quy định: “Không được lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật” để tránh hiện tượng lạm thu nhân danh “xã hội hóa giáo dục”.

Bổ sung Điều 101 quy định: “Trường dân lập, tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao theo đơn đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 83 của Luật này.

Ký túc xá Học viện Báo chí – Tuyên truyền – Ảnh TÙNG CHI

Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, sửa đổi Luật Giáo dục (Điều 72) để nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm. Nhưng trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Chính sách học bổng, sửa quy định về chế độ tín dụng sư phạm như sau: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Bổ sung quy định về việc chi trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục vào khoản 3 Điều 83 Dự thảo Luật.

Phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, bổ sung quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải sửa Luật Viên chức.

Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, luật hóa đường lối, chủ trương của Nghị quyết 29-NQ/TW về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Pháp điển hóa, kế thừa những nội dung phù hợp của Nghị quyết số 88 và các văn bản hướng dẫn dưới luật thành quy định của Luật GD (sửa đổi) về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Về liên thông, hướng chỉnh sửa bổ sungmột điều luật quy định riêng về liên thông vào Luật Giáo dục sửa đổi (Điều 8) để làm rõ hình thức, cách thức liên thông giữa các trình độ đào tạo, ngành học, hình thức học tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người.

Thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, có hai phương án. Phương án 1: Bổ sung quy định tại Điều 32 Dự thảo: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông mà không dự thi tốt nghiệp THPT hoặc không đỗ tốt nghiệp THPT thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh; đồng thời sửa đổi, bổ sung sung khoản 3, khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp. Phương án 2: Giữ nguyên như Luật Giáo dục hiện hành.

Vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục, hướng chỉnh sửa bổ sung: Đối với quyền tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học: đã có các quy định cụ thể trong Luật Giáo dục đại học. Đối với cơ sở GD mầm non và GD phổ thông: cần sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức, quản lý nhà trường theo hướng nhằm tăng quyền chủ động của nhà trường thông qua các quy định về hội đồng trường tại Điều 53 và sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ quyền hạn của nhà trường tại Điều 58 của Dự thảo.

Kiểm định chất lượng giáo dục, bổ sung khoản 1 Điều 108 để làm rõ về mục đích, vai trò của kiểm định chất lượng giáo dục; bổ sung thêm nguyên tắc kiểm định bình đẳng, bắt buộc và định kỳ vào Điều 109. Bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 110 về việc giao Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, việc cho phép hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học; điều kiện và thủ tục để tổ chức kiểm định nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam (theo hướng tạo điều kiện và khuyến khích tổ chức kiểm định độc lập nước ngoài hoặc phi nhà nước ở Việt Nam).

Chỉnh lý của UBTVQH

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đã Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo báo cáo, về triết lý giáo dục, UBTVQH cho rằng, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. Trên thực tế, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Tham khảo Luật Giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy hầu hết không quy định riêng về triết lý giáo dục mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như dự thảo Luật, theo đó triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục (các điều 2,3,4); đồng thời tinh thần triết lý giáo dục cũng xuyên suốt trong các quy định của Luật này.

Để làm rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng (Điều 9) và liên thông (Điều 10), làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam để tạo điều kiện cho quá trình liên thông giữa các cấp đào tạo và các hệ thống đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người. Bên cạnh đó, để làm rõ hơn về cơ chế liên thông, tạo thuận lợi cho người học được học liên thông và giải quyết vấn đề phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, dự thảo Luật quy định người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Điều 10).

Về các loại cơ sở giáo dục, dự thảo Luật chỉnh lý quy định cụ thể nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình trường công lập, trường dân lập và trường tư thục. Trường tư thục được phân loại theo nguồn gốc chủ sở hữu vốn, gồm trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư; theo tính chất hoạt động, gồm trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường tư thục theo hướng chỉ chuyển đổi từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 47).

Liên quan đến chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) và thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa GDPT trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình GDPT thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ Giáp dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) ban hành; sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình GDPT.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, hiện nay Bộ GDĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Vì vậy, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo Luật.

Đối với các quy định liên quan đến nhà giáo, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc, vấn đề quy hoạch trường sư phạm, xây dựng chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ được quy định trong văn bản dưới luật.
Về chính sách vay tín dụng sư phạm, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng chuyển chính sách tín dụng sư phạm sang hình thức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Trong trường hợp, học sinh, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả toàn bộ kính phí hỗ trợ cho nhà nước (Điều 83). Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhà giáo về phẩm chất, tư tưởng, đạo đức; trình độ chuẩn; kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp (Điều 67).

Về quản trị của cơ sở giáo dục, dự thảo Luật thống nhất tên gọi chung là Hội đồng trường và quy định Hội đồng trường là bắt buộc ở tất cả các loại hình trường nhằm bảo đảm thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tổ chức, quản lý nhà trường theo hướng tăng quyền chủ động của nhà trường thông qua các quy định về Hội đồng trường; điều chỉnh, bổ sung, làm rõ cơ cấu, tổ chức quản trị của các loại hình nhà trường; quy định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng trường theo từng cấp học, trình độ đào tạo và từng loại hình trường (Điều 55). Đối với Hội đồng trường của trường tư thục, dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng quy định các thành viên trong Hội đồng trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; nhà đầu tư có quyền bầu hoặc cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên Hội đồng trường và có quyền thông qua các nội dung liên quan đến tài chính, tài sản trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường (Điều 54, 55). Dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nhà trường; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường tương ứng với các loại hình (Điều 60).

Dự thảo Luật cũng quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về GDĐT; quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ GDĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước đối với GDĐT. Để tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền rõ ràng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân công của Chính phủ; Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phân cấp của Chính phủ (Điều 102).

Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, UBTVQH trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục (các điều 9, 10); nhà đầu tư (Điều 54) và Hội đồng trường (Điều 55); chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt (Điều 83); chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (chương IV); về chính sách không thu học phí đối với giáo dục bắt buộc và miễn học phí đối với giáo dục phổ cập (Điều 96)./.

TRẦN KHÁNH LINH