Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng

Thời gian qua, báo chí đã tích cực, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn được phát hiện, đưa ra trước ánh sáng công luận và bị xử lý nghiêm đều có công của báo chí. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, các cơ quan báo chí, nhà báo cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để tác nghiệp, phản ánh những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Điều 75 Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội ban hành năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng. Cụ thể:

1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.

2. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.

 

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội ban hành đã quy định rõ về cơ quan báo chí, nhà báo tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, Điều 13 Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; khoản 1 Điều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí...

Để triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định rõ hơn về việc trao đổi thông tin giữa Thanh tra Chính phủ với các tổ chức khác về công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó nêu rõ: Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động của các tổ chức đó.

Như vậy, các quy định của pháp luật về báo chí trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, nhưng đa phần các quy định mới chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc. Vì vậy theo một số đại biểu Quốc hội cần tạo điều kiện tốt hơn cho báo chí cùng với cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Tôi thấy rằng, thời gian qua báo chí rất quan tâm tới những vấn đề nóng mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Nhiều vấn đề đã được các báo chí, truyền hình đăng tải, phát song với những thông tin chính xác và có chất lượng. Đại biểu Quốc hội rất quan tâm tới những thông tin về các hoạt động của Quốc hội, các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.

Đặc biệt, tôi cho rằng đối với công tác phòng, chống tham, không chỉ hiện nay mà thời gian qua, lực lượng báo chí đã tham gia tích cực và hiệu quả, phát hiện và phản ánh kịp thời những vụ việc, tập thể, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể và Nhân dân cũng rất quan tâm tới thông tin báo chí đã nêu về những vụ việc tiêu cực trong đời sống xã hội. Từ thông tin của báo chí, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và làm rõ nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Thời gian qua, báo chí có vai trò rất lớn trong việc phát hiện các vụ án tham nhũng, đặc biệt là vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Cá nhân tôi đánh giá cơ quan báo chí tham gia rất tích cực và đấu tranh quyết liệt với tham nhũng. Tại Điều 75 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rất rõ về trách nhiệm của các cơ quan báo chí cũng như nhà báo trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua theo dõi, tôi thấy rằng, các nhà báo và cơ quan báo chí đã thể hiện tốt trách nhiệm của mình, không chỉ tuyên truyền, vận động phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, mà cơ quan báo chí còn tạo diễn đàn để người dân, cử tri tham gia đề xuất ý kiến phản ánh về tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đặc biệt, cơ quan báo chí cũng đã phát hiện nhiều vấn đề, qua đó phản ánh, cung cấp thêm thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh và xử lý đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan báo chí cũng thông tin, cung cấp cái nhìn đa chiều để các cơ quan chức năng có thêm nhiều thông tin hơn nữa trong việc xem xét, đánh giá, xử lý các vụ án tham nhũng và tiêu cực.

Tôi cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan báo chí, thời gian qua cử tri, Nhân dân đánh giá rất tốt vai trò cơ quan báo chí trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Tôi đánh giá cao vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng và trong công tác hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội nói chung, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước. Báo chí chính là sức mạnh mềm, lan tỏa đến công chúng, giúp người dân càng ngày càng tiếp cận nhanh và kịp thời với tiến độ phát triển của đất nước thông qua công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, quản lý của Nhà nước trên cơ sở là chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật.

Tôi kỳ vọng báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần báo chí cách mạng trong thời đại mới. Báo chí tiếp tục dùng ngòi bút của mình với tâm, trí, lực, tài và tầm để truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; truyền tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân đến Đảng, Nhà nước để có sự kết hợp hài hòa giữa ý Đảng, lòng dân. Tôi cũng kỳ vọng đội ngũ nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí sẽ là kênh thông tin hữu hiệu giúp Đảng, Nhà nước tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối tới Nhân dân và là nơi phản ánh đời sống thực tiễn, những tồn tại, hạn chế và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân tới Đảng, Nhà nước.

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí, truyền thông tham gia vào công tác phòng, chống tiêu cực trong thời gian qua. Khách quan mà nói trong công tác phòng, chống tham nhũng cả hệ thống chính trị vào cuộc rất quyết liệt. Thời gian qua nhiều cơ quan, nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, kiểm tra được tiến hành tuy nhiên có nhiều vụ việc không phát hiện hoặc nếu có phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu lại có sự nể nang, cả nể, do vậy trong kết luận thanh tra rất nhẹ nhàng theo kiểu giơ cao, đánh khẽ. Nhưng qua phản ánh của báo chí (70% vụ việc tham nhũng, tiêu cực do báo chí phát hiện) cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan truyền thông, đặc biệt là phóng viên báo chí đã vào cuộc rất quyết liệt. Khi phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, báo chí vào cuộc, tìm hiểu và phản ánh các vụ việc để cơ quan có trách nhiệm, cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, truy tận gốc rễ những đối tượng, tổ chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tôi cho rằng, vai trò của cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải có sự trân trọng, phát huy hơn nữa. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan truyền thông, cho báo chí tác nghiệp, phản ánh những hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu để cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm, đóng góp vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và xây dựng đội ngũ cán bộ cho trong sạch, vững mạnh./.

 

LAN HƯƠNG