Tham nhũng quyền lực hậu quả nặng hơn tham nhũng kinh tế, cần phải được xử lý bằng luật hình sự

Đó là đề xuất của ĐBQH Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài Chính ngân sách của Quốc hội, ĐBQH khóa XIV, với mong muốn nhằm chặn tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ đang gây bức xúc dư luận hiện nay.

Văn bản của Đảng trong công tác cán bộ: Cần cụ thể

Phóng viên: Đảng ta xác định, công tác cán bộ là trọng tâm, then chốt. Cũng bởi vậy nên Đảng đã ban hành một một hệ thống các văn bản chính sách quy định về vấn đề cán bộ. Ông đánh giá chung gì về hệ thống văn bản này?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Phải công nhận một thực tế rằng, gần đây, Đảng đã thấy được an nguy xã tắc trong công tác cán bộ. Vì cán bộ là lực lượng rường cột của hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, quốc gia, cán bộ ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của Đảng… Bởi vậy Đảng đã có những bước cố gắng, hoàn thiện nhiều quy định về công tác cán bộ. Gần đây nhất, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có thêm nhiều văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh, về bổ nhiệm, giới thiệu, đề bạt, luân chuyển, đào tạo cán bộ khá chi tiết và cụ thể.

Theo ông, hệ thống các văn bản hiện nay của Đảng về công tác cán bộ có bất cập gì hay không?

Theo tôi là có những bất cập. Chẳng hạn như quy định về đánh giá cán bộ còn hình thức. Hay chỉ chú trọng vào tiêu chuẩn mà chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể. Chỉ đưa ra yêu cầu nhưng lại chưa gắn với trách nhiệm pháp lý.

Cụ thể, về đánh giá cán bộ khi bổ nhiệm, giới thiệu thì còn hình thức mà chưa căn cứ vào thực chứng công việc. Theo tôi, để bổ nhiệm cán bộ thì phải căn cứ vào thành tích công việc, những sáng kiến, đề xuất khởi xướng chính sách trên thực tế đóng góp cho vị trí công việc, lĩnh vực đã phụ trách. Lâu nay, chúng ta chỉ đưa ra những tiêu chí có tính chất định tính (ví dụ như bằng cấp) trọng bằng cấp sẽ sinh ra việc mua bán bằng cấp. Hay giới hạn về tỉ lệ phiếu tín nhiệm, nó có thể sinh ra chạy phiếu, thỏa thuận ngầm, chi phối ngầm để đạt phiếu tín nhiệm. Nếu dựa trên những căn cứ trên, thì tiêu cực sẽ phát sinh, song hành cùng công tác cán bộ, trong khi mấu chốt của vấn đề là năng lực thực sự của cán bộ, uy tín, sự trong sạch cần thực chứng của cán bộ thì lại chưa có.

 ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu tại Quốc hội.
ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu tại Quốc hội.

Để công tác đánh giá cán bộ của Đảng thực chất hơn, theo tôi, các quy định của Đảng phải đưa ra được các giải pháp trong công tác cán bộ. Ví dụ như trong vấn đề lựa chọn cán bộ, phải ưu tiên thi tuyển cán bộ. Qua thi tuyển có thể kiểm tra trình độ, năng lực của cán bộ qua các bài kiểm tra. Thông qua tranh tuyển (nhiều người có thể tranh tuyển vào một chức vụ), người tranh tuyển phải thuyết phục được tập thể, căn cứ vào năng lực, khả năng thuyết phục tập thể sẽ được chọn.

Hay vấn đề Đảng quy định về nêu gương nhưng chưa gắn đến trách nhiệm. Gần đây, từ thực tế của nhiều đại án ta thấy lỗ hổng trách nhiệm người đứng đầu rất rõ. Trong vụ án Cố ý làm trái các nguyên tắc quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng ở PVN thì một quan chức nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ Trưởng, nguyên Bí thư Tỉnh Ủy cũng thú nhận là có những cái chưa rõ, chưa nắm vững đã quyết định. Như vậy rõ ràng là trình độ cán bộ chưa đủ để ở những vị trí đó. Tính gương mẫu, tính tiên phong của cán bộ phải gắn với trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý rõ ràng.

“Nhốt quyền lực” trong “lồng quy chế pháp luật”

Gần đây trong nhiều hội nghị Trung ương Đảng, Tổng Bí thư hay nhắc đến vấn đề “nhốt quyền lực trong lồng quy chế lập pháp”. Theo ông, chỉ đạo này tới đây cần được các cơ quan chức năng cụ thể hóa thế nào?

Câu nói của Tổng Bí thư là một chỉ đạo, một tư tưởng cần phải chế định kiểm soát quyền lực bằng pháp luật. Quyền lực bao gồm quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và phải chế định bằng pháp luật. Trong công tác cán bộ thì lồng quy chế lập pháp ở đây là các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền nhân dân; Luật Phòng, chống tham nhũng. Và dưới Luật là các Nghị định quy định nhiệm vụ của Bộ, Ngành, các cơ quan của Chính phủ; các văn bản quy định chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Quốc hội và các tổ chức nhà nước khác. Các văn bản về cán bộ là Luật Công chức; Luật Viên chức…

Tư tưởng của Tổng Bí thư được hiểu là quyền lực cần được khống chế để ngăn chặn tình trạng lộng hành, lạm quyền. Bởi trong thực tế thời gian qua tình trạng lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ, tiến cử, bầu cử, giới thiệu nhân sự quá phổ biến. Người ta lạm dụng quyền lực để đưa con em, cháu chắt, họ hàng và đưa người thân vào những vị trí trong bộ máy, mua bán quyền lực bằng tiền khiến xã hội bức xúc. Trước thực trạng đáng cảnh báo thì Tổng Bí thư mới yêu cầu “nhốt quyền lực trong lồng quy chế pháp luật” như tôi vừa nêu.

Theo ông, “lồng” quy chế pháp luật của ta hiện nay đã đầy đủ hay chưa? Nếu chưa đầy đủ thì theo ông, làm thế nào để khắc phục được những hạn chế trên?

Theo tôi chưa đầy đủ. Đối với văn bản liên quan đến việc tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước để có thể hạn chế lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ thì cần phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ của cơ quan nhà nước với công tác nhân sự. Hiện nay, ở nhóm văn bản này, chỉ quy định mang tính quy trình. Theo tôi, cần quy định rõ thủ tục trong việc xem xét nhân sự. Nhất là với tập thể, khi xem xét nhân sự cần qua các thủ tục nào?

Đặc biệt là trong các quy trình, thủ tục này cũng cần liên tục phải xem xét, cập nhật những thay đổi của thực tiễn và sửa đổi. Ví dụ: Ở Quốc hội mới chỉ quy định về xem xét bầu và phê chuẩn các chức danh. Tuy nhiên lại thiếu bước tạo ra cơ chế tranh cử. Mặc dù trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân đều có quy định việc giới thiệu nhân sự nhưng việc tạo điều kiện giới thiệu lại chưa có hướng dẫn cụ thể. Tôi nghĩ, đã đến lúc phải coi việc giới thiệu nhân sự Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND như một sáng kiến nhân sự. Sáng kiến đó phải được trình lên Quốc hội, HĐND để xem xét công khai. Phải công khai, dân chủ, minh bạch, thực chất thì sẽ chọn được nhân sự tốt.

“Phải có luật hình sự để trừng trị tham nhũng quyền lực”

Gần đây, tình trạng bổ nhiệm người nhà ở ngành, bộ, tỉnh, cơ quan địa phương rất đáng báo động, theo ông cần có giải pháp pháp luật gì để ngăn ngừa hiện tượng trên?

Tình trạng bổ nhiệm người nhà xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua diễn ra rất nhiều khiến dư luận phẫn nộ…

Để chống tình trạng bổ nhiệm người nhà, trước hết cần xây dựng một bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh để làm sao cho những ai tài hèn đức mọn thấy bộ tiêu chí ấy thì không muốn, không dám và không thể tiếp cận được, dùng tiền cũng không mua được. Thứ hai, cơ chế tiến cử, đề cử phải gắn với trách nhiệm. Phải trừng trị những người nào đề cử, tiến cử, bổ nhiệm nhầm người, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là những khung hình phạt răn đe để người ta thấy được quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân trao cho họ. Quyền lực ấy không thể lạm dụng được, không thể biến của công thành của tư được.

Gần đây, Đảng đặt ra yêu cầu thực hiện nhất quán chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Có ý kiến cho rằng, chủ trương này sẽ hạn chế được tình trạng bổ nhiệm người nhà tại các địa phương. Tuy nhiên theo tôi đây không phải là quy định mới vì trước đây đã có quy định này nhưng thực hiện chưa triệt để. Để chủ trương này đi vào thực tế và phát huy hiệu quả là ngăn ngừa và hạn chế việc bổ nhiệm cán bộ là người thân thì đối với các chức danh trong Đảng và chức danh mà Đảng chỉ đạo thuộc về nhà nước như Chủ tịch UBND Tỉnh, Giám đốc công an, Chánh Thanh Tra, Cục trưởng Cục Thuế… không nên là người địa phương và phải thực hiện triệt để.

Ông đã từng cho rằng phải có Luật Hình để xử lý tham nhũng, lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ?

Đúng vậy! Hiện nay khi bổ nhiệm nhầm người, lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ mới chỉ trừng trị bằng kỉ luật đảng và biện pháp hành chính. Vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ tới đây phải bị trừng trị nghiêm khắc hơn. Tôi đã nhiều lần đề nghị, coi hành vi lạm dụng quyền lực là tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực hậu quả nặng hơn tham nhũng kinh tế và phải bổ sung tội “Lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ” vào Bộ luật Hình sự. Nhưng rất tiếc đề nghị của tôi chưa được lắng nghe.

Cơ chế đặc biệt cho Ủy ban Kiểm tra TW?

Gần đây, vụ việc liên quan đến bà Phan Thị Mỹ Thanh đã được Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm từ lâu nhưng việc xử lý chậm dẫn đến việc bà này vẫn đi tiếp xúc cử tri, vẫn tại vị gây bức xúc dư luận xã hội. Theo ông cần có quy định nào với vấn đề từ chức hay tạm ngưng tất cả chức vụ với quan chức vi phạm để hạn chế tình trạng “tham quyền cố vị”?

Từ chức là hành vi tự thân của cá nhân, một người có tự trọng, liêm sỉ sẽ từ chức. Trong vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh, kết luận vi phạm nhiều mà không từ chức, theo tôi, là do bà Thanh không có lòng tự trọng. Pháp luật không thể buộc từ chức khi chưa có đầy đủ trình tự thủ tục xử lý kỉ luật. Người dân thì mong mỏi quy trình xử lý cán bộ nhanh gọn hơn là chính đáng nhưng thận trọng trong xử lý kỉ luật cán bộ cũng là cần thiết.

Để triệt để, kịp thời và hiệu quả hơn trong việc xử lý cán bộ vi phạm, theo ông có nên quy định tăng thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra Trung ương?

Hiện nay theo các quy định của Đảng thì Ủy ban kiểm tra Trung ương có thẩm quyền khá rõ. Ủy ban có kiểm tra có quyền kiểm tra tất cả đối tượng khi có vi phạm. Nhưng về nguyên tắc phân cấp, Ủy ban chủ yếu kiểm tra đối tượng phân cấp kiểm tra trung ương. Năm 2018, Ủy ban kiểm tra Trung ương có những đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động, Ủy ban có thể kiểm tra vi phạm ở mọi cấp… Đây là quy định linh hoạt về thẩm quyền của Ủy ban.

Hiện nay đang có tranh luận, Ủy ban kiểm tra có nên có thêm thẩm quyền kỉ luật về mặt nhà nước hay không? Theo tôi đó là vấn đề cần xem xét kĩ lưỡng để phù hợp với mô hình và điều kiện Việt Nam. Trước đây có ý kiến cho rằng nên có cơ quan mang tính kỉ luật nhà nước, kiểm tra kỉ luật ở Quốc hội… Trong thực tế hiện nay, tình trạng lạm dụng quyền lực đến mức báo động nên yêu cầu chấn chỉnh bộ máy kỉ cương, kỉ luật, nâng cao uy tín sức mạnh của Đảng là cấp thiết. Theo tôi, cần cơ chế đặc biệt cho Ủy ban Kiểm tra TW để xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm, để lấy lại uy tín của Đảng trước nhân dân.

Cảm ơn ông đã chia sẻ sâu sắc!

Theo Phaply.vn

PHAN TĨNH