Thanh tra chính là phòng ngừa, không để tích tụ sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn

Chiều 26/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất.

Bảo đảm hài hòa lợi ích

Sau khi nghe lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) báo cáo và các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, TTCP đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần kết luận nhiều vụ việc lớn, có tính chất đột phá, kéo dài nhiều năm, thu hồi nhiều tài sản, cụ thể như vụ AVG. Kết quả này đóng góp chung vào thành tích chung của cả nước, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Về mặt hạn chế, Thủ tướng chỉ rõ, thể chế liên quan đến ngành thanh tra còn bất cập, chồng chéo, có chỗ còn chưa hợp lý. Tổ chức còn manh mún, chia cắt, phân tán. Có nơi cán bộ vừa thừa, vừa thiếu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chưa hoàn chỉnh.

Về những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn vừa qua, Thủ tướng tán thành ý kiến cho rằng, “làm thanh tra mà không trong sạch, không công minh, thì không làm được”. Do đó, cán bộ thanh tra phải trong sáng, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết, phải vô tư, khách quan, quang minh chính đại. Bài học thứ 2 là có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Trong lãnh đạo, các đồng chí phải đoàn kết, thống nhất. Công tác cán bộ phải dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan”.

Trong công tác thanh tra, làm việc nào phải dứt việc đó. Đối với các vụ việc, phải kết luận được và tổ chức thực hiện sau khi có kết luận thanh tra thì mới có hiệu quả. Công tác tiếp công dân phải kiên trì, bản lĩnh, khách quan, đối thoại ngay từ cơ sở, công khai, minh bạch, giải quyết có tình, có lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Phải tôn trọng người dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, phải chân tình, có lý có tình. Phải coi trọng công tác thanh tra nội bộ, “thanh tra của thanh tra”, nếu không dễ xảy ra “dĩ hòa vi quý”.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta thanh tra để phục vụ cho sự phát triển, “chúng ta thanh tra để phòng ngừa, để răn đe, để uốn nắn, để xử lý công bằng trước pháp luật”.

Định hướng tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu, ngành thanh tra phải phát huy thành tích đã đạt được trong những năm vừa qua “để trong thời gian tới đây chúng ta làm tốt hơn”. Phải tìm ra và chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, những việc tồn đọng để tiếp tục khắc phục, giải quyết; phải bản lĩnh, phải cương quyết, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm phải có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào phải dứt việc đó; phải kiên trì, cầu thị, lắng nghe và phải nắm chắc, bám sát vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Phân cấp, phân quyền, “các vụ việc, anh nào làm tốt nhất, anh nào có thể giải quyết được ở cấp nào, ở đơn vị, cơ quan nào thì mình giao cho”; Công tác phòng vẫn là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, quyết định.

Định hướng một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng gợi mở, trước hết là hoàn thiện thể chế, “phải rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách còn thiếu gì, cái gì chưa phù hợp thực tiễn”. Tinh thần là cái gì đã chín, đã rõ mà thực hiện có hiệu quả, được thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình thì chúng ta tiếp tục kế thừa, phát huy, phát triển; những gì chưa có quy định hoặc vượt quá quy định thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thanh tra chính là phòng ngừa, không để tích tụ sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn. Cần tăng cường công tác quản lý thanh tra, xử lý sau thanh tra, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định. Tập trung thanh tra diện rộng nhưng cũng phải có trọng tâm trọng điểm. Rà soát, chắt lọc các vụ việc cụ thể để giải quyết cho dứt điểm.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật, không để kéo dài. Coi trọng và làm tốt công tác hòa giải, làm cho họ thông về tư tưởng. Người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền phải đối thoại thường xuyên với người dân.

5 tháng đầu năm, phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 96.000 tỷ đồng

Tại cuộc họp, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong cho biết, thông qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Một mặt đã phát hiện, kiến nghị hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, là cơ hội phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mặt khác, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2021 đã tiến hành 1.646 cuộc thanh hành chính và 35.614 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 96.061 tỷ đồng và 1.589 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 269 tập thể, chuyển cơ quan điều tra xử lý 10 vụ việc với 5 đối tượng.

Tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm dần (số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 40% so với cùng kỳ 5 năm trước); tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (85%).

Công tác tự phát hiện tham nhũng được chú trọng, nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 353 vụ, 520 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham những. Đặc biệt là 9 cuộc thanh tra do TTCP tiến hành, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc và Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo.

Tuy nhiên, Tổng TTCP nhìn nhận, việc triển khai kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chậm; còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; ban hành kết luận còn chậm; việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Thời gian tới, TTCP sẽ tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lựa chọn một số nội dung, lĩnh vực để tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; thực hiện tốt việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Vấn đề đặt ra hiện nay là xây dựng thể chế, thể chế về đôn đốc xử lý sau thanh tra có điểm đã lạc hậu, thiếu chế tài mạnh xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra.

Hơn nữa, lực lượng thanh tra còn tổ chức phân tán, manh mún. 1.705 cơ quan thanh tra cấp huyện có 35.000 biên chế, 1.200 cơ quan thanh tra Sở thì có khoảng 2 biên chế mỗi cơ quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

 

 

 

THÁI VŨ