Thực thi Luật Đấu giá tài sản và những vấn đề phát sinh từ cuộc sống

Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thực thi từ 1/7/2017 được đánh giá đã khắc phục những tồn tại, nhược điểm của Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, để Luật sớm đi vào cuộc sống, chặn được tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng các cơ quan chức năng cần lưu ý một số vấn đề phát sinh từ cuộc sống mà luật chưa dự liệu hết.
 Thạc sỹ Phan Đăng Hải – Giảng viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng trao đổi với PV Pháp lý
Thạc sỹ Phan Đăng Hải – Giảng viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng 

Thời điểm tháng 5/2017, dư luận cả nước xôn xao về thông tin 6 căn biệt thự trúng đấu giá năm 2014, tại khu đất vàng của một số cán bộ tỉnh Lào Cai. Điểm thu hút truyền thông và dư luận trong vụ việc này là giá đất khởi điểm so với giá trúng chỉ chênh nhau từ 19.000 đồng – 100.000 đồng/1 mét vuông và toàn quan chức của tỉnh trúng đấu giá. Do đó, nhiều người cho rằng có sự mập mờ trong quá trình thẩm định giá đất; thông đồng, móc ngoặc giữa tổ chức bán đấu giá và người tham gia đấu giá. Nhưng khi thông tin về sự việc, nhà chức trách của tỉnh này khẳng định, về trình tự thủ tục xác định giá đất được thực hiện theo đúng thủ tục quy định và được Hội đồng xác định giá đất tỉnh thẩm định, phù hợp với giá đất thực tế được trao đổi trên thị trường tại thời điểm đấu giá; giá đất khởi điểm đưa ra đấu giá được xây dựng trên cơ sở giá đất quy định tại Bảng giá đất hàng năm của tỉnh được phê duyệt. Trước đó, năm 2015 dư luận cũng ồn ào về việc đấu giá tài sản nhà đất tại số 210 phố Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội do Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) Bộ NN & PTNT quản lý, sử dụng được giao cho Công ty CP đấu giá Thành An (Công ty Thành An) bán đấu giá với giá khởi điểm 49 tỷ 885 triệu. Ngay sau đó, đơn vị trúng đấu giá đã rao bán khu đất trên với giá 110 tỷ đồng.

Như vậy, thời điểm tổ chức đấu giá hai vụ việc nói trên đều diễn ra trước khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, nên các cơ quan, tổ chức đấu giá tài sản khi tổ chức đấu giá tài sản vẫn áp dụng theo những quy định của Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Vì thế, khi đánh giá về những vụ việc trên, Thạc sỹ Phan Đăng Hải, Giảng viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho rằng: dấu hiệu sai phạm chủ yếu tập trung vào vấn đề “giá trị của tài sản đấu giá được bán thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế”. Dù rất khó để kết luận có sai phạm hay không, nhưng thực tế cho thấy pháp luật về đấu giá tài sản thời điểm trước khi có Luật Đấu giá tài sản còn tồn tại rất nhiều kẽ hở, bỏ lọt lưới nhiều vụ tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước.

Sau một thời gian soạn thảo lấy ý kiến đóng góp, Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội chính thức thông qua cuối năm 2016. Luật quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản…Mục đích xây dựng luật là để khắc phục những nhược điểm quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, để Luật sớm đi vào cuộc sống, đạt được mục đích chặn được tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm bít được những kẽ hở và lưu ý một số vấn đề phát sinh từ cuộc sống mà luật chưa dự liệu hết.

4 vấn đề Luật chưa dự liệu hết

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Thạc sỹ Phan Đăng Hải đã chỉ ra bốn điểm trong Luật Đấu giá tài sản quy định chưa được chặt chẽ, chưa dự liệu hết thực tế.

Thứ nhất, Điều 6 của luật nêu ra 4 nguyên tắc đấu giá tài sản. Nếu so với Điều 3, Nghị định 17/2010/NĐ-CP, luật quy định đầy đủ hơn, nhưng cần bổ sung một nguyên tắc “giảm tới mức thấp nhất tổn thất về tài sản Nhà nước”. Thạc sỹ Hải lý giải, nước Nga những năm 1990 của thế kỷ trước là một minh chứng rõ ràng về việc thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình tư nhân hóa.

 “Đất vàng” của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trên đường Tràng Thi, sau khi di dời khỏi nội đô, sẽ được bán đấu giá công khai
“Đất vàng” của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội trên đường Tràng Thi, sau khi di dời khỏi nội đô, sẽ được bán đấu giá công khai

Và hiện Việt Nam đang trong giai đoạn tư nhân hóa tài sản Nhà nước, nếu không đặt nguyên tắc “giảm tới mức thấp nhất tổn thất về tài sản Nhà nước”, tài sản Nhà nước sẽ bị thất thoát rất lớn.

Thứ hai, về giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá. Luật quy định “một số loại tài sản đấu giá thì giá khởi điểm do tổ chức, cá nhân tự xác định hoặc ủy quyền cho tổ chức đấu giá tài sản hoặc tổ chức, cá nhân khác xác định”. Quy định này là không phù hợp với thực tế hiện nay, vì quy định “ủy quyền cho tổ chức đấu giá tài sản” không đảm bảo nguyên tắc khách quan, minh bạch. Thạc sỹ Hải lý giải, tổ chức đấu giá không thể thực hiện chức năng vừa định giá tài sản, lại vừa thực hiện chức năng đấu giá tài sản được. Điều này rất dễ xảy ra tình trạng tùy tiện trong khâu định giá tài sản và khâu bán đấu giá tài sản để trục lợi kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho người có tài sản ủy quyền bán đấu giá.

Thứ ba, với những đối tượng “có chức vụ, quyền hạn” tham gia đấu giá, cũng cần có những yêu cầu nhất định với bản thân họ và với phiên đấu giá đó. Điều 38 và các quy định khác của Luật Đấu giá tài sản chưa dự liệu điều chỉnh kín kẽ vấn đề này. Thiết nghĩ, phải có cơ chế điều chỉnh đặc biệt với những đối tượng “có chức vụ, quyền hạn” khi họ tham gia đấu giá. Ví dụ như: yêu cầu xác minh nguồn gốc tài sản của người tham gia đấu giá, kiểm soát những người tham gia đấu giá cùng, kiểm soát về trình tự, thủ tục tiến hành đấu giá…

Thứ tư, Điều 35 và 57 Luật Đấu giá tài sản đã có những quy định cụ thể việc niêm yết, thông báo công khai thông tin đấu giá. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập. Vì luật cũng như Nghị định 62/2017/NĐ-CP, ngày 16 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản chưa quy định cụ thể phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương gồm có cấp nào (cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã) nên các tổ chức hành nghề bán đấu giá tài sản sẽ lợi dụng, không thông báo rộng rãi nhằm mục đích khép kín thông tin, Thạc sỹ Hải chỉ rõ kẽ hở của Luật.

Một số bất cập sau một thời gian ngắn triển khai Luật

So với Điều 29, Nghị định 17/2010/NĐ-CP, Điều 38 khoản 2 Luật Đấu giá tài sản, quy định về đăng ký tham gia đấu giá tài sản có quy định mới là “tổ chức đấu giá tài sản tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày”. Tuy nhiên, Luật sư Vũ Văn Thiệu, Hãng luật INCIP cho rằng, quy định này gây khó khăn cho việc bán đấu giá tài sản. Ví dụ, ngày 20 bán đấu giá. Theo quy định, tổ chức bán đấu giá phải tiếp nhận hồ sơ hết ngày 17. Nhưng đến cuối giờ ngày 17 mới có người đến đăng ký tham gia đấu giá thì ngày 18 tổ chức đấu giá mới đi niêm yết hồ sơ được. Như vậy, cho đến ngày tổ chức đấu giá, việc niêm yết mới thực hiện được 02 ngày là chưa đảm bảo.

 Hội nghị triển khai Luật Đấu giá tài sản do Sở Tư pháp Ninh Thuận tổ chức
Hội nghị triển khai Luật Đấu giá tài sản do Sở Tư pháp Ninh Thuận tổ chức

Khoản 3 Điều 39 quy định “tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá”, theo Luật sư Thiệu, quy định này cũng có những khó khăn, bất cập. Giả sử nhận tiền ngày 15, 16, 17; ngày 18 bán đấu giá. Cuối giờ chiều ngày 17 mới có người đến đặt tiền. Như vậy, việc gửi giấy mời cho người có tài sản, người có quyền bán tài sản, các khách mời khác theo quy định cũng không đủ thời gian.

Tại Điểm b, khoản 1, điều 4, Thông tư 48/2017/TT-BTC quy định “tiền bán hồ sơ sẽ được trừ vào số tiền thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, phần còn lại (nếu còn) được xử lý theo quy định rất rõ ràng” và khoản 1, 2 Điều 3 Thông tư 45/2017/TT-BTC quy định “về mức thù lao dịch vụ đấu giá tài sản”. Về điểm này, Luật sư Thiệu cho biết, quy định như vậy là không hợp lý, không thể áp dụng trong mọi trường hợp. Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất công, khoảng cách địa lý gần, thuận tiện đi lại, có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia, giá trị tài sản bán được cũng rất lớn, có thể áp dụng quy định này được. Nhưng nếu với tài sản có giá khởi điểm thấp (ví dụ chỉ đến 1 tỷ đồng), việc đi lại xa xôi, gặp nhiều khó khăn, nếu tài sản bán thành, tổ chức đấu giá tài sản thu hơn 14 triệu. Nhưng nếu bán không thành, cũng không được thu vượt quá mức này. Như vậy, nếu tổ chức đấu giá tài sản không được thu tiền bán hồ sơ và/hoặc không được thỏa thuận thêm chi phí hợp lý khác, khoản thù lao thu được không đủ để trả chi phí đi lại. Do tổ chức đấu giá cũng là đơn vị kinh doanh, hạch toán độc lập, khách hàng tìm đến với mình, không thể từ chối thực hiện dịch vụ được. Nhưng, nếu thực hiện dịch vụ mà thu không đủ chi, liệu khả năng tồn tại có còn hay không.

Mức xử phạt quá nhẹ đối với tổ chức bán đấu giá, đấu giá viên vi phạm

Theo Thạc sỹ Phan Đăng Hải, tại Mục 5 Chương II Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, các hình thức xử phạt chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá có thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng hoặc thời hạn 12 tháng. Trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Cùng với đó, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm: hủy bỏ giấy tờ giả; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; hủy bỏ kết quả bán đấu giá tài sản. Có thể thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với đấu giá viên và tổ chức bán đấu giá tài sản được quy định trong Nghị định số 110/2013/NĐ-CP là tương đối thấp. Mức xử phạt này được xây dựng dựa trên mặt bằng chung về điều kiện kinh tế, mức xử phạt vi phạm hành chính khác, chứ không tính toán theo địa bàn tỉnh, thành phố và giá trị của tài sản được đưa ra đấu giá.

Gỗ lậu tịch thu chờ đến ngày mở bán đấu giá (trong ảnh: Gỗ trái phép tịch thu đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm Phước Sơn, Quảng Nam).
Gỗ lậu tịch thu chờ đến ngày mở bán đấu giá (trong ảnh: Gỗ trái phép tịch thu đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm Phước Sơn, Quảng Nam).

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 218, thì đối tượng nào thực hiện một trong các hành vi thu lợi bất chính từ hoạt động đấu giá tài sản có thể phải chịu mức phạt tù tối đa là 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với những trường hợp vi phạm khá khó khăn, xuất phát từ thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng trở nên tinh vi. Ngoài ra, mức xử phạt này “không bõ bèn gì” so với nguồn lợi thu được trong những cuộc bán đấu giá tài sản có giá trị lớn. Điều này dẫn đến câu chuyện đấu giá viên, các tổ chức bán đấu giá tài sản sẵn sàng vi phạm để đạt được lợi ích khác.

Về những quy định với đấu giá viên và các tổ chức đấu giá tài sản trong Luật Đấu giá tài sản, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều cho biết: Chương II, từ Điều 10 đến hết Điều 32 của Luật đấu giá tài sản 2016 quy định về “Đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản”, chưa quy định nghiêm minh đối với việc thu hồi Thẻ đấu giá viên khi vi phạm; điều hành cuộc đấu giá nhưng không có Thẻ đấu giá viên hoặc sử dụng Thẻ đấu giá viên giả để điều hành phiên đấu giá; hành vi cản trở, chống lại hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền. Vì thế, việc xử lý doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thực hiện việc đăng ký hoạt động tại một cơ quan và chịu sự quản lý nghiệp vụ tại một cơ quan khác khi có hành vi vi phạm hoặc cản trở, chống lại hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan hoặc người có thẩm quyền còn nhiều bất cập do không có thẩm quyền. Hoặc khi các cơ quan Nhà nước phối hợp để phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, đã không còn tính kịp thời theo nguyên tắc xử lý vi phạm.

Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định rất rõ “các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu giá”. Song trong thực tế, không chỉ có đấu giá viên, doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào các hoạt động “quân xanh, quân đỏ” hoặc người tham gia đấu giá và những người thực hiện quản lý cũng có thể có vi phạm liên quan. Vì thế, ngoài xử lý hành chính, chúng ta cần đưa ra các chế tài Luật Hình sự vào để xử lý các sai phạm của những đối tượng này, Luật sư Kiều kiến nghị.

Đấu giá trực tuyến: Tốt và hiện đại, nhưng vẫn có thể xảy ra tiêu cực

So với Nghị định 17/2010/NĐ-CP, điểm mới trong “hình thức bán đấu giá” của Luật Đấu giá tài sản 2016, được quy định tại Điều 40 về “hình thức đấu giá, phương thức đấu giá” là quy định về “đấu giá trực tuyến”. Về vấn đề này, Thạc sỹ Phan Đăng Hải đánh giá: đấu giá trực tuyến là hình thức đã được triển khai phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, hình thức này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động đấu giá tài sản minh bạch, cạnh tranh hơn, hạn chế nhiều bất cập của phương thức đấu giá truyền thống. Với đấu giá trực tuyến, tất cả các cơ quan, tổ chức đều có thể đăng ký đấu giá tài sản qua mạng. Khi đã đưa lên, bất kỳ người dân nào cũng có thể tìm hiểu thông tin và đăng ký tham gia đấu giá. Lợi ích của vận hành hệ thống là đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh hiện tượng cấu kết, móc ngoặc trong đấu giá. Hình thức này thu hút đông đảo người quan tâm mua đấu giá hơn. Bởi họ có thể tham gia bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Tính bảo mật, an toàn thông tin luôn được đảm bảo, khả năng bị các nhóm lợi ích chi phối là khó xảy ra. Ngoài ra, khi triển khai hệ thống đấu giá trực tuyến, hệ thống kế toán của các đơn vị tham gia đấu giá sẽ được kết nối với hệ thống ngân sách số của Chính phủ. Điều này đảm bảo các giao dịch được xử lý nhanh nhất, tiết kiệm được chi phí hơn so với hình thức đấu giá truyền thống trước đây, đồng thời đem lại giá trị cao nhất cho các tài sản công khi đấu giá.

Đồng tình với quan điểm của Thạc sỹ Hải, Luật sư Vũ Văn Thiệu cho biết thêm: việc đấu giá trực tuyến không những vẫn đảm bảo được trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, mà còn không xảy ra trường hợp “vỡ trận” trong trường hợp có hàng trăm người tham dự phiên đấu giá và có người cố tình muốn gây rối để phá hỏng phiên đấu giá. Tuy nhiên, theo Luật sư Thiệu, việc đấu giá trực tuyến có thể sẽ hạn chế đối với những người không am hiểu về phương thức, cách thức tham gia cũng như thiếu am hiểu về máy tính, internet. Việc trả giá trực tuyến, đôi khi chỉ gõ nhầm một con số có thể dẫn đến kết quả không mong muốn, dẫn đến mất tiền đặt trước vì trả giá thấp hơn giá khởi điểm, trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên. Bên cạnh đó, cũng có thể có sự không minh bạch trong kết quả đấu giá, nếu tổ chức đấu giá thông đồng, móc nối để làm sai lệch kết quả đấu giá, mà những người tham gia trả giá không phát hiện ra được.

Chưa thông qua Đề án đấu giá biển số xe đẹp

Trả lời câu hỏi của Phóng viên liên quan đến Đề án đấu giá biển số xe ô tô, tại buổi họp báo do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 19/10, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp cho biết: theo kết quả khảo sát của Bộ Công an về việc đấu giá ở một số tỉnh thành như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Đà Nẵng cho thấy, khái niệm biển đẹp hay không là do nhu cầu của người dân xác định. Còn thực tiễn trong kho biển số không có khái niệm biển số xe đẹp. Bà Mai khẳng định, khi Đề án đấu giá biển số xe ô tô chưa được Chính phủ thông qua, tất cả biển số xe vẫn thực hiện đăng ký theo quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ và các thông tư liên quan. Chỉ đến khi nào Đề án này được thông qua mới phải sửa đổi các quy định hiện hành về quy chế đăng ký biển số xe đẹp.

Theo Phaply.vn

HÒA ĐÌNH