Tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ

Ngày 9/4, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và đoàn công tác đã có buổi làm việc với TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh.

Cần chủ động tháo gỡ các khó khăn

Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ghi nhận những ý kiến, kiến nghị đóng góp của TAND hai cấp Hà Tĩnh, đồng thời Chánh án cũng khái quát các định hướng lãnh đạo công tác Tòa án năm 2022 và các yêu cầu, nhiệm vụ mà TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thừa ủy quyền của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đã phát biểu chỉ đạo khái quát những nhiệm vụ, chủ trương lớn sắp tới mà ngành Tòa án nói chung cũng như TAND hai cấp Hà Tĩnh nói riêng phải tiếp tục đẩy mạnh để đạt được kết quả tốt.

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo

Phó Chánh án Nguyễn Văn Du ghi nhận những kết quả mà TAND hai cấp tỉnh đã đạt được, đặc biệt là kết quả xét xử trực tuyến thời gian qua của Tòa án hai cấp Hà Tĩnh, đề nghị có những khen thưởng và đề xuất danh sách những đơn vị đạt kết quả cao để TANDTC kịp thời khen thưởng. Ngoài ra, TAND hai cấp Hà Tĩnh cần chủ động tháo gỡ các khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc trong khâu xét xử trực tuyến bằng cách chủ động đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ nhằm tổ chức kịp thời, hiệu quả các phiên tòa trực tuyến.

“Có thể khẳng định tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; Phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội”, Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại buổi làm việc

Về những nhiệm vụ, chủ trương lớn sắp tới như: Đề án Cải cách tư pháp tại TAND; về việc triển khai Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến tại TAND; Về việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án… Phó Chánh án yêu cầu Tòa án hai cấp Hà Tĩnh cần chú trọng, lên kế hoạch cụ thể để thực hiện, đồng thời có báo cáo thường xuyên để có phương hướng giải quyết kịp thời những khó khăn, tồn tại.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác xét xử nhiệm vụ đạt đúng như kế hoạch, Phó Chánh án đề nghị cán bộ TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chấp hành tốt nội quy, quy chế cơ quan, kỷ cương, kỷ luật công vụ, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, không có Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên nào vi phạm quy định. Các Thẩm phán thực hiện tốt Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

“Trong những tháng tiếp theo, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của TAND, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ban cán sự đảng TAND tối cao, TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh cần xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác, tập trung triển khai, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và địa phương”, Phó Chánh án TANDTC lưu ý.

6 tháng xét xử phiên tòa trực tuyến 19 vụ

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác trong bối cảnh cả nước tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tình hình tội phạm tuy được kìm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án tiếp tục có xu hướng gia tăng, các khiếu kiện hành chính liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về đất đai có nhiều khó khăn, phức tạp.

Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 08/4/2022, Tòa án hai cấp Hà Tĩnh đã thụ lý 1.574 vụ việc, giải quyết 1.090 vụ, việc, đạt tỷ lệ 69,3%, giảm 06 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ các vụ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chiếm 0,09% (Tòa án tỉnh hủy 01 quyết định đình chỉ vụ án dân sự của Tòa án cấp huyện). Về án hình sự: Thụ lý 510 vụ; giải quyết 375 vụ, đạt tỷ lệ 73,5%. Trong đó: Sơ thẩm: Thụ lý 404 vụ; giải quyết 294 vụ, đạt tỷ lệ 72,8%. Phúc thẩm: Thụ lý 106 vụ; giải quyết 81 vụ, đạt tỷ lệ 76,4%; Về các vụ việc Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động: Thụ lý, giải quyết 686 / 1.016 vụ việc, đạt tỷ lệ 67,5%; tăng 16 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2021; Còn về án hành chính: Thụ lý, giải quyết 08 / 27 vụ (sơ thẩm), đạt tỷ lệ 30%, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, Tòa án tỉnh và 10 Tòa án cấp huyện xét xử phiên tòa trực tuyến 19 vụ (dự kiến lên lịch xét xử thêm 10 vụ từ nay đến hết tháng 4), phiên tòa rút kinh nghiệm 39 vụ. Trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung 01 vụ/01 bị cáo. Nghiêm túc thực hiện việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực trên Cổng thông tin điện tử TAND tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án. Tòa án hai cấp đã công bố 632 bản án, quyết định/ 743 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc trường hợp phải công bố, đạt tỷ lệ 85,1%.

Về công tác thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án: TAND hai cấp Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu cấp ủy bổ sung nội dung tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào Chương trình công tác trọng tâm về cải cách tư pháp giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh và Chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của tỉnh, của huyện.

Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 08/4/2022, số đơn khởi kiện đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại 343 đơn. Kết quả, hòa giải, đối thoại thành 247 vụ việc (đạt 72%); chuyển thụ lý theo thủ tục tố tụng 56 vụ việc, còn 40 vụ việc đang hòa giải, đối thoại…

 

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TAND hai cấp Hà Tĩnh cùng đang còn gặp phải một số khó khăn như do tình hình dịch bệnh Covid – 19 phức tạp, kéo dài, số lượng ca nhiễm bệnh gia tăng (nhiều cán bộ, công chức Tòa án hai cấp bị nhiễm), một số vụ án phải hoãn phiên tòa hoặc kéo dài thời gian giải quyết do đương sự, bị cáo nhiễm bệnh hoặc nguy cơ cao, xin hoãn phiên tòa nên tỷ lệ giải quyết chưa đạt. Một số vụ án phải kéo dài thời hạn giải quyết.

Trong công tác thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án: một số đương sự khi đến Tòa án từ chối hoà giải, đối thoại do Luật sư hướng dẫn… Công tác tuyển chọn Hòa giải viên còn gặp khó khăn trong lựa chọn người trẻ tuổi có năng lực; đối với người lớn tuổi có kinh nghiệm, có chuyên môn thì có hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin, sử dụng máy tính…

Trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thì cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện xét xử trực tuyến tại Tòa án và các điểm cầu thành phần chưa đáp ứng yêu cầu. Tại các điểm cầu thành phần, phải cử thêm Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án trong khi cán bộ ít; cán bộ kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu nên quá trình vận hành, kết nối các thiết bị điện tử để tổ chức phiên tòa trực tuyến rất khó khăn. Ngoài ra cơ sở vật chất một số Tòa án cấp huyện xuống cấp nghiêm trọng, phần lớn xây dựng từ năm 1991 – 1993 đến nay hư hỏng, xuống cấp; phòng xét xử chật hẹp, diện tích khuôn viên nhỏ; thiết bị chưa được trang bị đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu công tác.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu thay mặt các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh cho biết sẽ sớm khắc phục những khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với kết quả cao nhất.

PVA