Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội nâng cao chất lượng xét xử phúc thẩm và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm góp phần xây dựng chiến lược cải cách tư pháp tại TAND

TANDCC tại Hà Nội kế thừa và phát huy truyền thống của Tòa phúc thẩm TANDTC đồng thời tiếp nhận nguồn nhân lực có kỹ năng nghiên cứu giám đốc thẩm từ các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao. Từ tháng 5/2015 đến nay, TANDCC tại Hà Nội đã giải quyết phúc thẩm 10.762 vụ án; tiếp nhận 48.682 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đã giải quyết được 10.953 vụ, việc khiếu nại; thụ lý xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 1.733 vụ án có kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng, đã xét xử được 1.694 vụ án…

Lịch sử hình thành, sự kế thừa và phát triển

Ngày 28/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 thành lập 3 TANDCC, trong đó TANDCC tại Hà Nội, với thẩm quyền xét xử phúc thẩm  đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực và xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án quyết định đã có hiệu lực theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc.

Những ngày đầu thành lập, TANDCC tại Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận số lượng các loại án của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và lượng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa chuyên trách của TANDTC chưa giải quyết, bàn giao lại là rất lớn. Bên cạnh đó biên chế công chức, người lao động được giao không đủ và cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn thiếu thốn.

Mặc dù mới thành lập nhưng TANDCC tại Hà Nội đã kế thừa, phát huy truyền thống của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và tiếp nhận nguồn nhân lực có chất lượng cao là các công chức từ các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao được phân bổ về TAND cấp cao tại Hà Nội. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, các công chức, người lao động luôn đoàn kết phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, luôn bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của TANDTC để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

 

Trụ sở TANDCC tại Hà Nội - Ảnh: Trần Quỳnh

 Những kết quả đạt được

Là một cấp trong hệ thống Tòa án, TANDCC tại Hà Nội luôn nỗ lực và cố gắng thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thiêng liêng của Tòa án là quyền tư pháp nhân danh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam được ghi nhận tại Điều 102 Hiến Pháp 2013. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”, “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời, phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế XHCN, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm”.

Từ khi thành lập cho đến tháng 7/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã: thụ lý vụ, việc phúc thẩm: 12.174 vụ (trong đó, Hình sự: 7.372 vụ; dân sự: 2.055 vụ; hành chính: 2.747 vụ). Tổng số giải quyết: 10.762 vụ (trong đó Hình sự: 6.796 vụ; dân sự: 1.627 vụ; hành chính: 2.339 vụ). Trong đó có nhiều vụ án trọng điểm mà việc xét xử thu hút sự quan tâm cũng như sự đồng tình của dư luận như vụ Trịnh Xuân Thanh bị truy tố, xét xử về tội Tham ô tài sản; vụ Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm bị truy tố, xét xử về tội Tham ô tài sản; Vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm bị truy tố, xét xử về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội tham ô tài sản; Vụ Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vụ Phan Sào Nam và đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...; các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ...

 

TANDCC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) - Ảnh: Thanh Tùng

Đối với công tác giám đốc thẩm, tái thẩm: TANDCC tại Hà Nội đã tiếp nhận 48.682 đơn khiếu nại và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Qua phân loại xác định có 36.951 đơn trùng lặp, đơn không thuộc thẩm quyền hoặc chưa đủ điều kiện; đã thụ lý 11.691 vụ, việc để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Kết quả đã giải quyết được 10.953 vụ, việc, trong đó: trả lời không có căn cứ kháng nghị 8.693 vụ, việc; kháng nghị 1.082 vụ, việc, giải quyết khiếu nại hoặc xử lý khác đối với 1.178 vụ, việc. TANDCC tại Hà Nội đã thụ lý xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 1.733 vụ án có kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; đã xét xử được 1.694 vụ án…..

Từ năm 2018-2020, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm TANDCC tại Hà Nội đạt đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (trung bình giải quyết đạt tỷ lệ hơn 70%  vươt chỉ tiêu Quốc hội giao cho là 60%). Việc trả lời đơn, cũng như kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thực hiện một cách thận trọng, đúng quy định của pháp luật...

Chính vì vậy, TANDCC tại Hà Nội đã 2 lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”, 2 lần được tặng thưởng “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”, 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 41 lượt đơn vị được tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và nhiều cá nhân được tặng thưởng hiểu danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý khác... có cá nhân nhận danh hiệu điển hình tiên tiến.

Cùng với việc tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, công chức, người lao động TANDCC tại Hà Nội còn tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tham gia phong trào “ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt”...đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Chương trình “Xuân sẻ chia yêu thương”, nhiều lần tổ chức hiến máu nhân đạo với chủ đề “Giọt hồng trao yêu thương” với tinh thần tương thân, tương ái “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

 Các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn

Thực hiện, mục tiêu cải cách tư pháp được xác định cụ thể, rõ ràng trong tổng thể của giải pháp tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; TANDCC tại Hà Nội lĩnh hội và tiếp thu nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót của hệ thống Tòa án nói chung cũng như công tác xét xử của TANDCC tại Hà Nội theo lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của các Tòa án năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020 ngày 24/01/2019 do TANDTC tổ chức và thực hiện áp dụng 14 giải pháp trọng tâm mà Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã chỉ ra, nâng cao chất lượng xét xử, nâng cao hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, phát huy sức mạnh tập thể, đảm bảo thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng TAND cấp cao tại Hà Nội ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.  Đảng ủy và Lãnh đạo TANDCC tại Hà Nội có chỉ đạo quyết liệt, tập trung thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân, thấy rõ hơn trách nhiệm của lãnh đạo của Thẩm phán và các chức danh tư pháp công tác tại Tòa đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác

Bên cạnh việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ Thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Toà án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao năng lực trong các hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp theo yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ủy và Lãnh đạo TANDCC nhận thức rằng để thực hiện tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp thì vấn đề có ý nghĩa quyết định là đội ngũ Thẩm phán phải nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật. Chính vì lẽ đó, Lãnh đạo TANDCC tại Hà Nội luôn quán triệt đến mỗi Thẩm phán đề cao kỷ cương, kỷ luật, trình độ...để tự hình thành trong mỗi Thẩm phán nguyên tắc độc lập trong xét xử, chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, các phán quyết của Toà án phải dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, chú trọng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, không hạn chế thời gian tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Lãnh đạo TANDCC tại Hà Nội cũng đã tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trong kế hoạch lên lịch xét xử các vụ án và quán triệt đến mỗi Thẩm phán phải tổ chức được ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm trong năm công tác. Các phiên tòa rút kinh nghiệm góp phần tạo điều kiện cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký viên nâng cao trách nhiệm, kỹ năng xét xử, rút kinh nghiệm áp dụng pháp luật, điều hành tranh tụng tại phiên tòa.

TANDCC tại Hà Nội cũng thực hiện công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân để người dân có thể tiếp cận các bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh nhất, từ đó có thể phản hồi các quyết định của Tòa án, tạo tiền đề để các Thẩm phán tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc ban hành bản án, quyết định phải rõ ràng, đúng với diễn biến quá trình tranh tụng theo đúng tinh thần cải cách tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh lượng vụ việc thụ lý rất lớn và gia tăng theo từng năm nên yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý ngày càng cao, giải pháp này là tối ưu trong công tác quản lý, theo dõi quá trình giải quyết các loại vụ việc....đặt nền móng cho việc xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai.

Tại TANDCC tại Hà Nội quy trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn khiếu nại tố cáo được áp dụng bằng hệ thống tin học hóa thông qua quy trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn, công văn kiến nghị được phân cấp: Phòng hành chính tư pháp thuộc Văn phòng chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đơn, cấp số và phát hành kết quả giải quyết đơn. Các bộ phận thực hiện trong phòng hành chính tư pháp bao gồm: bộ phận văn thư; bộ phận tiếp nhận, xử lý đơn; bộ phận thống kê tổng hợp. Sau khi kết thúc việc trình tham mưu trình lãnh đạo ký các văn bản xử lý đơn, bộ phận xử lý đơn phát hành văn bản đồng thời chuyển các tiểu hồ sơ đối với vụ việc đã đủ điều kiện thụ lý và các đơn trùng đối với các vụ việc đang được nghiên cứu, giải quyết đến các phòng giám đốc kiểm tra theo các loại vụ án thuộc thẩm quyền của các phòng đã được phân công. Việc giao nhận giữa phòng hành chính tư pháp và các phòng giám đốc kiểm tra đều được thực hiện trên hệ thống phần mềm và ký nhận trên danh sách được in ra từ hệ thống phần mềm.

 

TANDCC Hà Nội dự Hội nghị tập huấn trực tuyến- Ảnh: Trần Quỳnh

Việc sử dụng công nghệ thông tin đã giúp TANDCC tại Hà Nội xử lý hiệu quả đơn trùng lặp, đây là công việc rất khó khăn trong việc xử lý đơn đề nghị, kiến nghị giám đốc thẩm; Theo dõi được tiến độ giải quyết đơn, tiến độ thụ lý, giải quyết các loại vụ án một cách chi tiết theo thời gian, theo loại vụ án, theo địa bàn, theo cá nhân được giao xử lý; phân loại kết quả giải quyết theo các tiêu chí, chỉ tiêu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời theo dõi được số lượng công việc còn tồn đọng theo Thẩm tra viên, theo loại vụ án và theo địa bàn…; Thiết lập chế độ cảnh cáo các trường hợp quá thời hiệu, như: quá thời hạn xác nhận đã nhận đơn; quá thời hiệu giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm; Thay thế được hệ thống sổ sách ghi chép thủ công, thông tin trên phần mềm được quản lý một cách khoa học, có tính kế thừa,việc tìm kiếm thông tin được nhanh chóng, chính xác; Hỗ trợ việc tự động tạo ra các văn bản tố tụng theo các biểu mẫu, sổ sách nghiệp vụ, các báo cáo thống kê phục vụ cho công tác chuyên môn và phục vụ các tiêu chí báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao.

Lãnh đạo Văn phòng và công chức làm công tác hành chính tư pháp thường xuyên cập nhập nâng cao kiến thức chuyên môn về pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin phần mềm quản lý và quản trị mạng, tham dự tiếp thu đầy đủ các khóa đào tạo của Dự án tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại tòa án Việt Nam do TAND tối cao và Cơ quan hợp tác quốc tế (KOICA) tổ chức.

Công tác hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin luôn được lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội  đặc biệt quan tâm và đã triển khai nhiều giải pháp mang lại kết quả tích cực. Các ứng dụng mang tính thực tiễn cao, tạo hiệu ứng tích cực từ công chức Thẩm phán, Thư kí, Thẩm tra viên và từ phía người dân, góp phần nâng cao hiệu quả  công tác chỉ đạo điều hành, hỗ trợ công tác xét xử, tạo môi trường hiện đại minh bạch, khoa học và là nền tảng định hướng cho việc xây dựng Tòa án điện tử

TANDCC tại Hà Nội đã đổi mới các thủ tục hành chính trong hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi để cho người dân khi có công việc liên quan đến Tòa án, tạo tiền đề cho các hoạt động nghiệp vụ của Tòa án, tạo điều kiện để Chánh án quản lý mọi mặt hoạt động nghiệp vụ của Tòa án. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thụ lý, giải quyết các vụ, việc theo thủ tục phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mang lại hiệu quả cao. Các quy trình thụ lý, phân công hồ sơ, lên lịch xứt xử phúc thẩm, giám đốc thẩm thực sự hiệu quả.

Trước tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, TANDCC tại Hà Nội quán triệt công chức người lao động thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid, các chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhưng vẫn đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu công tác của Tòa án thông qua việc phân công Lãnh đạo và công chức trực phòng chống dịch Covid có các giải pháp dự phòng dự báo tình huống xấu có thể xảy ra và điều hành giải quyết những việc gấp có tính cấp bách, xử lý tài liệu mật của cơ quan, yêu cầu công chức áp dụng công nghệ thông tin, làm việc tại nhà có hiệu quả…nên vẫn đảm bảo thời hạn tố tụng theo quy định của pháp luật đối với các vụ án đã và đang thụ lý giải quyết. Lãnh đạo TANDCC tại Hà Nội phân công các thành viên Ủy ban Thẩm phán và các Thẩm tra viên Phòng giám đốc, kiểm tra tập trung nghiên cứu giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hợp lý nên tính đến đầu tháng 9 tỷ lệ giải quyết đơn đạt chỉ tiêu công tác của Quốc hội giao. Ngoài ra, Lãnh đạo TANDCC tại Hà Nội chỉ đạo giao Văn phòng TANDCC tại Hà Nội phối hợp với cơ quan y tế có thẩm quyền tổ chức tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm cho công chức, người lao động đảm bảo an toàn trong phòng dịch và phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, các Tòa án đia phương tập trung xét xử những vụ án có tính chất phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, hoặc sắp hết thời hạn tạm giam đối với bị cáo và thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định của pháp luật; các Thẩm phán nghiêm túc tập trung nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra các tài liệu chứng cứ đầy đủ kĩ càng khi hết giãn cách xã hội sẽ xét xử phúc thẩm hạn chế tình trạng hoãn phiên tòa để thúc đẩy tỷ lệ xét xử phúc thẩm đảm bảo quyền của người dân và hoàn thành nhiệm vụ của năm công tác.

Với những nỗ lực của mình, TANDCC tại Hà Nội đã từng bước nâng cao chất lượng xét xử phúc thẩm và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp trong TAND.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TS. ĐẶNG THỊ THƠM (Phó Chánh Văn phòng TAND cấp cao tại Hà Nội)