TP.HCM: Hội nghị tập huấn về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

Ngày 28/10, tại TP HCM, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị tập huấn, kết hợp bồi dưỡng kiến thức về hoạt động hành nghề Quản lý, thanh lý Tài sản cho đội ngũ Luật sư, Quản tài viên và quy định pháp luật, thực tiễn.

Quang cảnh tại Hội nghị tập huấn

Tham dự gồm có: Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp; bà Phùng Thị Như Mai - Thẩm phán, Toà kinh tế TAND TP. HCM; ông Lê Hoàng Nhí – Luật sư, Quản Tài viên, Trọng tài viên, Giám đốc điều hành Hệ thống Lê Hoàng và gần 100 Luật sư, Quản tài viên các tỉnh thành.

Triển khai Kế hoạch công tác năm 2022 và Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp trong năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 123/QĐ-BTP ngày 17/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Từ pháp. Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề kết hợp bồi dưỡng kiến thức, pháp luật trong hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản cho đội ngủ Quản tài viên.

Theo bà Phùng Thị Như Mai - Thẩm phán, Toà kinh tế TAND TP. HCM cho biết: Theo Luật phá sản năm 1993, việc kiểm tra, giám sát, quản lý và thanh lý tài sản của Doanh nghiệp được giao cho hai tổ chuyên môn là: Tổ quản lý tài sản do Tòa án thành lập và Tổ thanh lý tài sản do Cơ quan Thi hành án thành lập. Với cơ cấu cồng kềnh, cơ chế ra quyết định phức tạp, thiếu tính đồng bộ, hai Tổ này hoạt động không hiệu quả. Cụ thể, tỉnh đến năm 2003, sau gần 10 năm thi hành Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993, toàn ngành Tòa án chi thụ lý có 151 Đơn yêu cầu tuyên bố phá sản Doanh nghiệp trong đó chỉ có 46 Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

Trước những bất cập của Luật Phá sản năm 1993, ngày 15/6/2004, Quốc hội đã thông qua Luật phá sản năm 2004 thay thế Luật Phá sản Doanh nghiệp năm 1993, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2004 với nhiều quy định tiến bộ và tiệm cận với thực tiễn lớn. Luật Phá sản năm 2004 đã gộp hai tổ Quản lý và Thanh lý tài sản làm một, gọi chung là Tổ Quản lý và Thanh lý tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2004 cho thấy hoạt động của Tổ Quản lý và Thanh lý tài sản vẫn không hiệu quả do quy trình phức tạp.

Cụ thể: Theo trang thông tin hỗ trợ đăng ký Doanh nghiệp thì năm 2012 đăng ký 69.874 DN, trong đó dừng hoạt động và giải thể là 54.261 (có 44.906 DN dừng và 9.355 giải thể). Trong khi đó 9 năm thi hành Luật Phá sản năm 2004, Toà án thụ lý tổng số 336 Đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp (trong đó Toà án quyết định tuyên bố phá sản 85 trường hợp, còn 153 vụ việc chưa ra Quyết định tuyên bố phá sản). Như vậy có thể thấy số lượng đơn yêu cầu Toà án tuyên bố phá sản so với số lượng Doanh nghiệp ngừng hoạt động là rất thấp.

Thẩm phán Phùng Thị Như Mai cho biết thêm: “Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết phá sản Doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiếp thu tiến bộ của pháp luật phá sản hiện đại trên thế giới, trong Luật Phá sản năm 2014 một thiết chế mới đã được ra đời, đó là thiết chế Quản tài viên. Năm 2014, Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ cho 96 Quản tài viên đầu tiên của Việt Nam. Tính đến tháng 4/2020, gần 6 năm sau, cả nước có 270 Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân, hơn 40 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đang hoạt động.

Luật Phá sản năm 2014 trao cho Quản tài viên nhiều quyền trong quá trình phá sản của doanh nghiệp nhưng vẫn còn thiếu các cơ chế cụ thể, rõ ràng để Quản tài viên thực thi các quyền và nghĩa vụ của mình, thiếu văn bản hướng dẫn như thủ tục kiểm kê lại tài sản; chưa có hướng dẫn về thành phần tham gia, thời hạn thực hiện, cách xác định giá trị tài sản và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm kê. Thời gian trung bình giải quyết vụ việc phá sản là 05 năm.

Cụ thể tính đến thời điểm hiện tại có các văn bản quy phạm pháp luật quy định đối với Quản tài viên như sau Luật Phá sản năm 2014, Nghị định 22/2015/NĐ-CP, Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP ngày 26/8/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC, Nghị quyết số 03/2018 NQ-HĐTP…”.

Ông Lê Hoàng Nhí - Luật sư, Quản tài viên, Trọng tài viên chia sẻ tại Hội nghị

Theo Luật sư, Quản tài viên, Trọng tài viên Lê Hoàng Nhí – Giám đốc điều hành Hệ thống Lê Hoàng chia sẻ: Luật Phá sản năm 2014 có thể nói là một cảnh cửa mới cho hoạt động tư pháp về các vấn đề phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.... khi ghi nhận một chủ thể mới tham gia vào trình tự thủ tục phá sản là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản - Quản tài viên. So với sự có mặt từ rất lâu trong pháp luật về phá sản ở một số quốc gia phát triển khác, việc lần đầu tiên ghi nhận chế định Quản tài viên có thể xem là bước đi bứt phá vượt bậc, nhưng vẫn còn những khó khăn trong cả nội dung và trình tự thủ tục thực hiện.

Tuy nhiên, dù bắt đầu khó khăn nhưng sự ghi nhận này có thể được đánh giá là bước đi phù hợp với xu thể tư pháp quốc tế hiện nay. Cùng với đó qua thời gian áp dụng để giải quyết các vụ việc phá sản, Luật Phá sản năm 2014 nói chung và vai trò Quản tài viên đang dần chứng tỏ vị thế của mình - “lối thoát" cho những vụ việc phá sản tồn đọng hàng chục năm nay bởi các vướng mắc Luật Phá sản năm 2004.

Đồng thời, cần tư duy lại vị trí và vai trò Quản tài viên tiếp tục nâng tầm, mở rộng hoạt động khi phạm vi rộng và đối tượng liên quan hoạt động phá sản đa dạng hơn. Đặc biệt, các xu thế trong hoạt động này tại một số quốc gia phát triển và đang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản.... cần rà soát, tiếp thu phù hợp thực tế tại Việt Nam và trong bối cảnh Luật Phá sản năm 2014 cần được đánh giá để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Bên cạnh đó, quá trình hội nghị cũng nhận được các chia sẻ, đặt vấn đề của các Quản tài viên trong thực tiễn hoạt động hành nghề. Đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) cũng có những chia sẻ, tiếp tục có những hội thảo, toạ đàm với chủ đề chuyên biệt để phân tích, đưa ra giải pháp sâu hơn và hoàn thiện pháp luật. 

Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ tư pháp) trao giấy chứng nhận sau buổi tập huấn

TRẦN TÚ