Trau dồi phẩm chất, đạo đức Thẩm phán và liêm chính tư pháp

Bằng toàn bộ công việc và các hành vi ứng xử, ở bất cứ nơi nào và tại bất kỳ thời điểm nào, Thẩm phán đều phải soi vào các chuẩn mực của “Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán” để có được niềm tin của công chúng vào sự thanh liêm, tài năng và đức độ của mình.

1.Đặt vấn đề

Thẩm phán là một nghề  vinh quang nhưng phải chịu nhiều áp lực, khó khăn, vất vả. Với trọng trách của người bảo vệ và thực thi công lý, Thẩm phán luôn phải đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm, cám dỗ, vì mỗi phán quyết của họ tác động trực tiếp đến tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản và cả tính mạng con người. Chính vì vậy, hoạt động của Thẩm phán luôn được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của người dân và xã hội. Người dân đòi hỏi ở Thẩm phán những phẩm chất cao quý với những đánh giá khắt khe: bên cạnh trình độ chuyên môn giỏi; sự hiểu biết sâu rộng về xã hội, khoa học…, Thẩm phán phải là người có đạo đức, lòng dũng cảm, dám đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm và vi phạm pháp luật; có tinh thần thượng tôn pháp luật; luôn tuân theo lẽ công bằng; có trách nhiệm với xã hội và có tấm lòng nhân hậu. Kiến thức chuyên môn chỉ có thể được phát huy khi người Thẩm phán có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, sự vô tư, khách quan, đức thanh liêm và trung thực, tính cần mẫn và tận tụy trong công việc,… Đây là những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để mỗi Thẩm phán khẳng định chính mình và không bị sa ngã trước những cám dỗ, là một trong những điều kiện tiên quyết để bảo đảm cho người Thẩm phán hoàn thành một cách trung thực nhiệm vụ được giao, là yếu tố để duy trì niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội. Cho dù hoạt động xét xử được dựa trên một nền tảng pháp lý vững chắc, được thực hiện bởi những Thẩm phán có năng lực, trình độ, nhưng nếu kém về phẩm chất đạo đức thì chất lượng hoạt động xét xử không thể được bảo đảm.

2.Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng quy tắc đạo đức Thẩm phán

Nhằm thiết lập các giá trị chung về đạo đức Thẩm phán và kỷ luật tư pháp, năm 1998, Hội đồng châu Âu ban hành Hiến chương châu Âu về quy chế đối với Thẩm phán; năm 1999, Hiệp hội Thẩm phán quốc tế ban hành Hiến chương toàn cầu về Thẩm phán (còn gọi là Quy chế toàn cầu về Thẩm phán). Hiến chương toàn cầu về Thẩm phán được thông qua bởi Hội đồng Trung ương Hiệp hội Thẩm phán quốc tế tại Hội nghị ngày 17/11/1999 ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), gồm 15 điều quy định chung đối với nghề nghiệp Thẩm phán, như: tuyển chọn và bổ nhiệm; quyền và nghĩa vụ; các chuẩn mực đạo đức cơ bản; sự chuyên nghiệp; cơ chế bảo đảm nghề nghiệp và an ninh; trách nhiệm dân sự và hình sự; chế độ hưu trí… Có thể thấy, bản Hiến chương không chỉ đưa ra các quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán, mà còn khuyến nghị đầy đủ các cơ chế, biện pháp để bảo đảm cho đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán được thực thi.

Với mục đích xem xét các phương thức củng cố các cơ quan và thủ tục tư pháp, tăng cường liêm chính tư pháp, năm 2000, Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) phối hợp với Tổ chức Minh bạch quốc tế tổ chức hội nghị đầu tiên cho Chánh án và Thẩm phán cao cấp từ 08 nước châu Á và châu Phi. Hội nghị đã thông qua Nguyên tắc ứng xử tư pháp Bang-ga-lo. Nguyên tắc này được xây dựng trên cơ sở nhiều văn kiện quốc tế, như Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc về sự độc lập của cơ quan tư pháp, xoay quanh 06 giá trị cơ bản gồm: “độc lập”, “khách quan”, “liêm chính”, “đúng mực”, “bình đẳng”, “năng lực và sự cẩn trọng”. Sau khi Nguyên tắc ứng xử tư pháp Bang-ga-lo được thông qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng trực tiếp hoặc tham khảo để phát triển và ban hành Bộ quy tắc ứng xử, đạo đức tư pháp phù hợp với đặc thù riêng của quốc gia mình[1].

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh các quy định về đạo đức của Thẩm phán  được ghi nhận trong các bộ luật, luật về tư pháp (hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án…), các quốc gia còn ban hành văn bản chuyên biệt (dưới dạng quy chế hoặc bộ quy tắc) để quy định cụ thể các chuẩn mực đạo đức đối với Thẩm phán. Quy tắc đạo đức Thẩm phán gồm những nguyên tắc, chuẩn mực được xây dựng trên nền tảng đạo đức xã hội, quy định về những phẩm chất mà Thẩm phán bắt buộc phải có trong thực thi công vụ và trong cuộc sống hằng ngày.

Về đối tượng áp dụng, đa số các quốc gia ban hành bộ quy tắc để áp dụng đối với các Thẩm phán đương chức, tuy nhiên, cũng có một số quốc gia áp dụng cả với các Thẩm phán đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ danh hiệu Thẩm phán (như Bộ luật Danh dự Thẩm phán của Cộng hòa Bê-la-rút; Quy tắc đạo đức đối với các thành viên và cựu thành viên của Tòa án công lý của Liên minh châu Âu…).

Về hiệu lực áp dụng, có bộ quy tắc mang tính chất bắt buộc áp dụng đối với Thẩm phán, nhưng cũng có bộ quy tắc mang tính chất quy ước, khuyến nghị, đưa ra các định hướng cơ bản cho việc tăng cường và bảo vệ danh dự của Thẩm phán (như Bản quy ước về ứng xử của Thẩm phán của bang Quyn-xlân, Ô-xtrây-li-a).

Về nội dung điều chỉnh, để vượt qua những thách thức mà môi trường công tác đặt ra, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, bộ quy tắc Thẩm phán của các quốc gia thường quy định những tiêu chí đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp cơ bản đối với Thẩm phán như: sự thanh liêm, chính trực; tính chuyên cần; khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật; bảo đảm tính độc lập, khách quan, vô tư, công bằng trong xét xử; không lợi dụng vị trí công tác của mình vào mục đích cá nhân cũng như không được bằng hành vi xử sự của mình cho phép người khác tạo ra cảm giác rằng họ có thể gây ảnh hưởng đến Thẩm phán… Bên cạnh đó, tùy thuộc vào thể chế chính trị, hình thức tổ chức nhà nước và các điều kiện cụ thể về kinh tế – xã hội, từng quốc gia còn đặt ra những yêu cầu khác đối với Thẩm phán khi tham gia các quan hệ xã hội như: trong hoạt động chính trị; giao dịch tài chính và quà tặng; thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại, đầu tư cổ phiếu… Một số quốc gia quy định ngay trong quy chế đạo đức Thẩm phán các biện pháp, cơ chế để bảo đảm cho Thẩm phán giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

3.Lịch sử phát triển các quy tắc đạo đức Thẩm phán ở Việt Nam

Ngay từ thời kỳ phong kiến, yêu cầu về đạo đức trong thực thi công vụ đối với quan lại nói chung, quan xử án nói riêng đã được quy định trong nhiều tài liệu, điển hình là Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức). Theo Luật này, tiêu chí đạo đức của quan xử án được thể hiện trong tiêu chuẩn đạo đức “trung quân, ái quốc” và “thanh liêm, chính trực”. Mặc dù không có điều luật nào quy định chung về đạo đức của quan xử án, nhưng có thể thấy yêu cầu về tiêu chuẩn và những phẩm chất cụ thể đối với quan xử án trong chế độ phong kiến thời Lê được quy định khá rõ thông qua các điều luật về chế tài đối với những hành vi vi phạm những phẩm chất, như sự siêng năng, chuyên cần, trung thực, liêm khiết, tuân thủ các quy định khi thực thi nhiệm vụ (như tôn trọng nghi thức, nghi lễ) … Quốc triều hình luật dành riêng một chương là “Chương đoán ngục” (Chương xử án) với 65 điều quy định về xử án và giam giữ can phạm. Trong đó, đưa ra nhiều quy định đối với quan xử án, như xét xử phải thận trọng, không được tùy tiện, độc đoán[2]; đưa ra các chế tài cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng: xét xử thiên vị, không khách quan, không công bằng[3]; nhũng nhiễu, nhận hối lộ[4]; vi phạm thời hạn xử án[5]

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong những ngày đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân, vấn đề đạo đức Thẩm phán đã được chính quyền cách mạng quan tâm, đề cập rất sớm trong các văn bản pháp luật. Cùng với việc ban hành Sắc lệnh xóa bỏ chế độ quan chức tư pháp của thời thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó quy định rõ: “Thanh liêm là một đức tính thiêng liêng của các Thẩm phán Việt Nam ngày nay” (Điều thứ 83); “Trong đời tư cũng như đời công, các Thẩm phán phải cư xử đúng mực và biết tự trọng để giữ thanh danh và phẩm cách một vị quan tòa” (Điều thứ 84); và khi nhậm chức, Thẩm phán phải tuyên thệ “Mang hết sức và công tâm ra phụng sự… luôn luôn cư xử cho xứng đáng là một vị Thẩm phán cương trực và đủ tư cách” (Điều thứ 94).

Cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống Tòa án, quy định về Thẩm phán và các tiêu chuẩn của người được bổ nhiệm Thẩm phán ngày càng được chuẩn hóa và quy định cụ thể tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (các năm 1960, 1981, 1992, 2002 và 2014), cũng như Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (các năm 1993 và 2002). Theo đó, yêu cầu đối với Thẩm phán là phải có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết, trung thực.

Căn cứ các quy định của pháp luật, ngày 18/9/2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 1253/2008/QĐ-TANDTC về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân. Quy tắc này được áp dụng chung cho tất cả các chức danh làm việc trong hệ thống Tòa án, bao gồm cả những người làm công tác hành chính và các chức danh tư pháp; được quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc trong toàn thể cán bộ, công chức các cấp Tòa án. Trước những yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với trọng trách của người được nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp, ra phán quyết đối với các vụ việc, ngoài những yêu cầu chung về phẩm chất như đối với cán bộ, công chức, đòi hỏi Thẩm phán phải có những phẩm chất đặc thù, để mỗi Thẩm phán không những là một công chức tốt, là người bảo vệ và thực thi công lý, mà còn là một công dân gương mẫu, luôn ứng xử theo lẽ công bằng trong đời sống hằng ngày. Do đó, việc ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán là rất cần thiết. Ngày 04/7/2018, thay mặt Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”. Bộ Quy tắc được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm, thông lệ quốc tế và phù hợp với tình hình cụ thể của Việt Nam.

4.Các chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán Việt Nam

4.1. Tính độc lập

“Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” vừa là yêu cầu, vừa là nguyên tắc không thể thiếu của hoạt động xét xử, là chuẩn mực mà mỗi Thẩm phán phải tuyệt đối tuân thủ khi thực thi nhiệm vụ. Nguyên tắc này được ghi nhận ở các văn kiện, các cam kết quốc tế và ở tầm Hiến pháp của mỗi quốc gia.

Nguyên tắc ứng xử tư pháp Bang-ga-lo năm 2002 đề ra 06 chuẩn mực đạo đức đối với Thẩm phán, trong đó yêu cầu về độc lập xét xử được xác định là chuẩn mực đầu tiên: “Độc lập tư pháp là điều kiện tiên quyết của nguyên tắc pháp quyền và là sự bảo đảm cơ bản của nguyên tắc xét xử công bằng. Mỗi Thẩm phán do vậy sẽ phải đề cao và nêu tấm gương về độc lập tư pháp trên cả hai phương diện cá nhân và tổ chức”. Ở nước ta, nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp sau này.

Hoạt động tố tụng là quá trình phát hiện, xác minh, điều tra, tái hiện lại các tình tiết, sự thật khách quan đã xảy ra trong quá khứ. Quá trình đó phải trải qua nhiều giai đoạn với sự tham gia của nhiều chủ thể, như: các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người bào chữa, người giám định, công chứng viên… Từ vị trí tố tụng của mình, mỗi chủ thể có những điều kiện khác nhau trong việc tiếp cận chứng cứ và từ đó có thể có quan điểm khác nhau về những vấn đề cụ thể trong vụ án. Do đó, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật phải trở thành yêu cầu bắt buộc và mang tính nguyên tắc đối với hoạt động xét xử. Trong toàn bộ tiến trình tố tụng, xét xử là giai đoạn trung tâm, trọng tâm, là nơi mà mọi kết quả của hoạt động điều tra, truy tố, bào chữa, giám định được xem xét công khai, có sự tham gia của tất cả các bên theo một thủ tục tố tụng chặt chẽ. Tại phiên tòa, chỉ duy nhất Thẩm phán và các thành viên Hội đồng xét xử được luật giao thẩm quyền điều hành việc kiểm tra, xác minh, đối chứng, tranh tụng, được triệu tập tất cả những người có liên quan, gồm cả Điều tra viên, Kiểm sát viên đến để làm rõ về vụ án; do đó, có điều kiện đầy đủ nhất để đánh giá toàn diện vụ án, từ đó ra phán quyết mang tính quyền lực nhà nước. Phán quyết của Tòa án liên quan trực tiếp đến những quyền thiêng liêng, cơ bản nhất, đến danh dự, nhân phẩm, lương tâm, sinh mệnh chính trị, tài sản thậm chí là cả tính mạng của con người. Vì vậy, không ai được phép áp đặt hay can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán. Thẩm phán có quyền và có nghĩa vụ xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình.

Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cho Thẩm phán một môi trường không có bất cứ sự can thiệp nào; sự chỉ đạo duy nhất đối với Thẩm phán chỉ là tuân theo pháp luật. Đúng như Mác nói: “Đối với Thẩm phán thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp. Thẩm phán có trách nhiệm giải thích luật pháp trong việc vận dụng vào từng trường hợp cá biệt đúng như ông ta hiểu luật pháp khi xem xét nó một cách có lương tri…”[6].

Mỗi Thẩm phán phải không ngừng trau dồi cho mình kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp để hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao. “Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” phải trở thành đạo đức, tác phong, yêu cầu tối thượng đối với mỗi Thẩm phán. Thẩm phán phải luôn giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không thể bị tác động bởi bất cứ sự can thiệp nào; phải độc lập với các yếu tố tác động từ bên trong nội bộ Tòa án cũng như từ bên ngoài Tòa án, với các thành viên Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng khác. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán phải tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về toàn bộ quá trình kiểm tra chứng cứ, tranh tụng công khai tại phiên tòa và chỉ tuân theo pháp luật. Thực tiễn vừa qua cũng như tới đây, trong nhiều vụ án, Thẩm phán phải đưa ra quyết định trong những điều kiện, tình huống hết sức khó khăn. Đó chính là môi trường thử thách đối với bản lĩnh chính trị, năng lực, nhân cách và đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán để ra những bản án mà xã hội và người dân mong chờ.

4.2. Sự liêm chính

Trong bài viết “Cần, kiệm, liêm, chính” vào tháng 6 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rất súc tích và dễ hiểu về “liêm chính” rằng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, “Chính có nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn tức là tà”[7].

Xét xử là công việc rất khó khăn, vất vả bởi đó là quá trình đi tìm sự thật đã được che giấu một cách tinh vi và chuyên nghiệp, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều loại tội phạm phi truyền thống với những thủ đoạn mới mẻ  chưa từng có. Trên con đường đó, người Thẩm phán gặp không ít rủi ro, nguy hiểm, cám dỗ. Nếu không rèn cho mình bản lĩnh vững vàng, sự liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực, Thẩm phán sẽ không hoàn thành được trọng trách của mình.

Sự nghiệp bảo vệ lẽ phải đòi hỏi Thẩm phán phải có cái tâm trong sáng, có lòng tự trọng nghề nghiệp sâu sắc, có tình yêu và đức hy sinh cho nghề nghiệp . Đặc thù của công việc xét xử đòi hỏi Thẩm phán phải luôn nghiêm khắc với chính mình, thậm chí nhiều trường hợp còn phải vượt lên chính bản thân mình. Không cho phép bản thân và các thành viên trong gia đình mình tham lam, vụ lợi, đồng thời cũng không bàng quan, vô cảm trước các tiêu cực, nhũng nhiễu xảy ra ở môi trường công tác của mình. Thấy sai phải triệt để đấu tranh, thấy đúng phải bảo vệ đến cùng.

Trước mỗi vụ án, nhất là với những vụ án khó, phức tạp, phải giữ vững bản lĩnh và phẩm chất của người cầm cân nảy mực. Ngay thẳng, cương trực, dũng khí bảo vệ chân lý trên cơ sở xem xét thận trọng toàn bộ vụ án và lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên. Đi đến tận cùng sự thật, tìm ra vi phạm, tội phạm, tuyên bản án với người có lỗi; nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những sai phạm của các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và kiên quyết không chấp nhận các sai sót này. Chỉ có như vậy, công lý mới được thực thi, mới khuất phục được tội phạm, thuyết phục được xã hội và khiến cho nhân dân khâm phục.

Sự nghiệp đi tìm lẽ phải, sự công bằng không có chỗ đứng cho những con người thiếu sự liêm chính, trung thực, thẳng thắn. Mỗi Thẩm phán phải là tấm gương về sự lao động hết mình, thanh liêm, chính trực; từ đó mới góp phần xây dựng được niềm tin, sự kính trọng của người dân và xã hội đối với Tòa án và Thẩm phán.

4.3. Sự công bằng, bình đẳng

Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước các Tòa án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng, công khai…” (Điều 14). Ở nước ta, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (khoản 1 Điều 16), “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai (khoản 2 Điều 31).

Có thể thấy, tiến trình phát triển của tư pháp tiến bộ trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã tiếp cận “công bằng, bình đẳng trong xét xử” là quyền cơ bản của con người; vi phạm nguyên tắc này là vi phạm quyền con người đã được Công ước và Hiến pháp quy định. Trong quá trình tố tụng, cả người buộc tội, người bị buộc tội, người khởi kiện, người bị kiện và những người tham gia tố tụng khác đều có nhu cầu cung cấp chứng cứ, nêu quan điểm, đề xuất ý kiến, tranh luận, phản biện lý lẽ của phía bên kia. Đây là nhu cầu khách quan, chính đáng của họ, đòi hỏi phải được ghi nhận trong pháp luật và bảo đảm trên thực tế. Bảo đảm công bằng, bình đẳng trong xét xử có mối quan hệ chặt với nhiều nguyên tắc quan trọng khác của tố tụng đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các luật tố tụng như: “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo bảm”, “nguyên tắc suy đoán vô tội”, “nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa”… Không thể nói đến bảo đảm tranh tụng, bảo đảm quyền bào chữa nếu quá trình xét xử không tôn trọng quyền được xét xử công bằng, bình đẳng.

Công bằng, bình đẳng trong quá trình xét xử là nguyên tắc Hiến định, phải được tuân thủ triệt để. Mỗi Thẩm phán khi thực thi nhiệm vụ phải quán triệt và thực hiện đầy đủ yêu cầu này, phải bảo đảm công bằng trong từng thủ tục tố tụng và công bằng trong phán quyết vụ việc. Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định; tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để các bên cung cấp chứng cứ, tranh luận, trình bày ý kiến trước Tòa án. Thẩm phán phải tôn trọng và lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên, không được thiên lệch về bên nào. Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm cho mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án; không đượckhông cho phép bất cứ hành vi bất bình đẳng, phân biệt đối xử. Chỉ có như vậy, phán quyết của Tòa án mới thực sự đạt được sự tâm phục, khẩu phục, củng cố niềm tin của nhân dân vào công lý và sự công minh của pháp luật.

4.4. Sự vô tư, khách quan

Trong toàn bộ tiến trình tố tụng, Hiến pháp và luật trao duy nhất cho Tòa án quyền được nhân danh Nhà nước ra phán quyết đối với vụ việc. Phán quyết của Tòa án liên quan đến những giá trị xã hội cơ bản nhất, đến công lý, sự công bằng, lẽ phải. Trọng trách này đặt ra yêu cầu với mỗi Thẩm phán khi được phân công nhiệm vụ, tuyệt đối không được có nhu cầu nào khác ngoài nhu cầu làm sáng tỏ sự thật vụ án. Phải hết sức, hết lòng để tìm đến sự thật một cách chính xác nhất, khẩn trương nhất. Công tâm, vô tư, khách quan phải trở thành những phẩm chất không thể thiếu của người Thẩm phán. Bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến tính công tâm, vô tư, khách quan đều không thể chấp nhận và phải bị loại bỏ.

Để giữ cho mình được công tâm, vô tư, khách quan thì ngay từ giai đoạn đầu được phân công thụ lý vụ việc, Thẩm phán phải thận trọng rà soát, đối chiếu và chủ động đề nghị với Chánh án nếu thấy mình thuộc trường hợp luật định không được phép tham gia xét xử hoặc có căn cứ khác có thể ảnh hưởng đến sự vô tư, khách quan của Thẩm phán. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, không được phép có bất cứ lợi ích cá nhân nào trong vụ án, phải tuyệt đối tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải. Thẩm phán phải thật sự công tâm và trách nhiệm, phải gạt bỏ mọi ấn tượng, định kiến cũng như cảm tình để giải quyết vụ việc một cách đúng pháp luật. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là yêu cầu người Thẩm phán phải lãnh đạm trong thực thi nhiệm vụ, như Lênin đã nói: “Không có xúc cảm của con người thì không khi nào và không bao giờ có thể tìm ra sự thật chân lý của con người”. Tuy nhiên, xúc cảm ở đây là để thôi thúc người Thẩm phán vận dụng tối đa mọi biện pháp luật định để tìm đến sự thật vụ án một cách chính xác nhất, đầy đủ độ tin cậy nhất, trả lại sự công bằng cho những con người liên quan trong vụ án. Thẩm phán phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc của pháp luật, của án lệ, lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc. Đồng thời, xuất phát từ tính chất rất nhạy cảm của hoạt động xét xử, đặt ra yêu cầu đối với Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.

4.5. Sự đúng mực

Hoạt động xét xử là hoạt động “với con người” và “vì con người” do đó đòi hỏi Thẩm phán phải hành xử một cách đúng mực, đúng pháp luật, nhân ái, tôn trọng con người. Phán quyết của Tòa án nhân danh quyền lực nhà nước, vừa tạo ra chuẩn mực pháp lý, vừa tạo ra chuẩn mực đạo đức cho xã hội. Vì vậy, Thẩm phán phải xem xét, đánh giá sự việc một cách cẩn trọng, đặt trong từng hoàn cảnh cụ thể trên nền tảng đạo đức xã hội để ra bản án thấu tình, đạt lý, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.

Trong quá trình xét xử, Thẩm phán phải có thái độ, tác phong đúng mực, lịch thiệp, thận trọng, tạo cho bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng sự cảm nhận về một phiên tòa nghiêm minh, công bằng, có văn hóa ứng xử cao và mọi người đều được Hội đồng xét xử tôn trọng. Việc xét hỏi phải khách quan, toàn diện. Ngôn ngữ sử dụng phải trong sáng, dễ hiểu. Việc đặt các câu hỏi phải có tính gợi mở, không rơi vào định kiến buộc tội hay gỡ tội. Thẩm phán phải luôn thể hiện thái độ chú ý lắng nghe để từ đó khuyến khích những người tham gia tố tụng yên tâm, tin tưởng, trình bày cặn kẽ sự việc. Không được phép quy chụp, dồn ép, gây áp lực lên bị cáo và những người tham gia tố tụng, Thẩm phán phải kiên nhẫn đi tìm sự thật. Khi tranh luận, cần tạo bầu không khí dân chủ, thuận lợi để các bên trình bày hết ý kiến của mình. Trong các vụ án dân sự, hành chính, khi tiến hành hòa giải, đối thoại, ngôn ngữ, thái độ, tác phong, sự kiên nhẫn của Thẩm phán càng cần được chú trọng hơn để giúp các bên đương sự xích lại gần nhau, hóa giải mâu thuẫn, hàn gắn rạn nứt, tăng cường mối đoàn kết trong nhân dân. Tại phiên tòa, phiên họp hoặc trong các văn bản tố tụng, Thẩm phán tuyệt đối không được đưa ra bất cứ nhận định nào gây xúc phạm người khác.

Thẩm phán có trách nhiệm duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong suốt quá trình tố tụng. Bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai trong xét xử nhưng kiên quyết xử lý nghiêm khắc bất cứ trường hợp nào không tôn trọng pháp luật, không tôn trọng Hội đồng xét xử, làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm và công việc xét xử của Tòa án.

4.6. Sự tận tụy và không chậm trễ

Chọn làm nghề Thẩm phán là đã chọn cho mình nghề nghiệp vinh quang nhưng đầy áp lực, vất vả. Vinh quang của người bảo vệ công lý, lẽ phải đó là lập lại sự công bằng trong xã hội, áp lực, vất vả bởi quá trình đi tìm sự thật không hề dễ dàng. Đặc thù của hoạt động xét xử đòi hỏi người Thẩm phán phải hết lòng vì nhiệm vụ, tận tụy với công việc, cống hiến hết mình cho công việc. Có tận tụy với công việc, Thẩm phán mới tích lũy và xây dựng được cho mình kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm giải quyết công việc một cách chính xác; mới đề xuất được các sáng kiến hữu ích; mới có thể nắm bắt được đầy đủ vụ án, phát hiện được những mâu thuẫn, chỉ ra được những vấn đề mấu chốt còn đang tiềm ẩn, dự kiến được những diễn biến có thể xảy ra tại phiên tòa để từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa và thẩm vấn phù hợp. Nhìn lại chặng đường 73 năm xây dựng và trưởng thành, những thành tựu to lớn của hệ thống Tòa án nhân dân ngày hôm nay là sự đóng góp đáng trân trọng của rất nhiều thế hệ Thẩm phán, cán bộ Tòa án từ trung ương đến cơ sở, luôn tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó với nghề, sẵn sàng dấn thân cho sự nghiệp bảo vệ lẽ phải. Nhiệm vụ của Tòa án trong giai đoạn tới là rất nặng nề, áp lực (lượng án mỗi năm tăng từ 10% đến 15% với tính chất ngày càng phức tạp) trong khi phải thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung. Nhiệm vụ mới, tình hình mới đặt ra cho đội ngũ những người làm công tác xét xử phải quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống tốt đẹp đã được hun đúc qua các thời kỳ, luôn phấn đấu vươn lên, tận tụy với công việc một cách vô điều kiện, nỗ lực hết mình với tinh thần “làm hết việc, không làm hết giờ”. Chỉ có như vậy mới có thể vượt qua được những khó khăn, thách thức, mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuyệt đối tuân thủ thời hạn tố tụng là nguyên tắc tư pháp tiến bộ đã được quy định trong Công ước quốc tế và Hiến pháp nước ta. Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 khẳng định: “Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền … được hưởng xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý” (Điều 14). Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định(khoản 2 Điều 31). Đây là nguyên tắc rất quan trọng của tư pháp, nhất là đối với lĩnh vực tư pháp hình sự, bởi lẽ quá trình áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến những quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người. Bảo vệ những giá trị quan trọng này đòi hỏi trên cả phương diện pháp luật và thực thi pháp luật phải rất chặt chẽ, mọi hoạt động tố tụng đều phải bị ràng buộc bởi quy định về thời hạn và không cho phép có bất kỳ sự vi phạm hoặc lạm dụng nào trong quá trình giải quyết. Kéo dài tình trạng pháp lý căng thẳng của con người không phải là biểu hiện của nền tư pháp văn minh. Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không được để quá thời hạn luật định vì những nguyên nhân chủ quan, mà cần phải nỗ lực để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất. Có như vậy, phán quyết được ban hành mới có tác dụng giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm kịp thời.

4.7. Năng lực và sự chuyên cần

Công tác xét xử thời gian qua ghi nhận những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình vi phạm, tội phạm. Số lượng các vụ án hình sự tăng qua các năm với quy mô, tính chất, thủ đoạn ngày càng nguy hiểm. Xuất hiện nhiều vụ việc lợi dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ để phạm tội dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Những lĩnh vực vốn được quản lý chặt chẽ (như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm…) nhưng cũng đã để xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền thiệt hại lớn, nhiều người tham gia, thậm chí có những vụ án Tòa án đã phải triệu tập gần 700 người đến phiên tòa. Đáng lưu ý là sự gia tăng các tranh chấp dân sự, kinh tế phức tạp, nhất là các tranh chấp có yếu tố nước ngoài…

Tình hình mới đã đặt ra nhiệm vụ cho mỗi Thẩm phán phải không ngừng rèn luyện. Quá trình đào tạo trước hết phải trở thành quá trình tự đào tạo, tự giác trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thẩm phán phải giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh, sự liêm chính, nhuần nhuyễn các kỹ năng nghề nghiệp và có tính chuyên nghiệp cao. Là người được Hiến pháp giao nhiệm vụ áp dụng pháp luật, ra phán quyết đối với vụ việc; kết quả lao động của Thẩm phán thể hiện tập trung nhất ở bản án, quyết định. Do đó, bản án, quyết định của Tòa án phải phản ánh đúng tinh thần pháp luật và ý nguyện của nhân dân. Điều này đòi hỏi Thẩm phán phải nắm vững pháp luật, thường xuyên cập nhật, nghiên cứu sự thay đổi của hệ thống pháp luật để áp dụng chính xác, thống nhất. Thực tiễn cũng cho thấy, tội phạm, vi phạm và các tranh chấp xảy ra ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để có được phán quyết chính xác, khách quan, công bằng, đòi hỏi Thẩm phán không chỉ nắm vững pháp luật, mà còn phải trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về nhiều chuyên ngành khác như: y khoa, tài chính – ngân hàng, kế toán, môi trường, đất đai, xây dựng… Đồng thời, phải chủ động nắm bắt đầy đủ các thông tin quan trọng của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế để hỗ trợ việc áp dụng pháp luật đúng đắn nhất. Nỗ lực rèn luyện, hình thành các kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu; tích lũy kinh nghiệm sâu sắc qua từng vụ án để làm dày thêm kiến thức, sự tự tin, chuyên nghiệp trong xử lý các vụ việc.

Những phẩm chất nêu trên không phải tự nhiên có được, mà là kết quả của quá trình rèn luyện, tu dưỡng bền bỉ, lâu dài, trong đó yếu tố tự rèn luyện, tự trau dồi mang tính chất quyết định. Trọng trách của Thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý. Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu cầu các Thẩm phán phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, đòi hỏi Thẩm phán phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm. Vì vậy, việc ban hành và triển khai thực hiện “Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán” là rất cần thiết, để mỗi Thẩm phán lấy đó làm tiêu chuẩn tự tu dưỡng, rèn luyện, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường liêm chính tư pháp; đồng thời để Nhà nước và xã hội có thể giám sát, đánh giá được năng lực và phẩm chất của Thẩm phán./.

 

 

[1]Hướng dẫn tăng cường năng lực và liêm chính tư pháp” của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), xuất bản bằng tiếng Việt, năm 2013, tr.128

[2] “Ngày quyết tụng, quan đại thần và các quan xét án đều phải hội đồng lại, xét hỏi rõ ràng cho rõ sự phải trái, cốt để mọi người đều yên lòng. Nếu có điều chưa rõ phải thẩm xét lại, không được cố chấp ý riêng mình, bắt mọi người phải theo, bày ra lý này hay lý khác để có người mắc oan. Luật này cũng không cho phép những quan phụ thẩm lúc đông đủ mọi người không hết bổn phận tranh biện về sau lại có câu nghị luận khác” (Điều 720); “Người xét xử cũng phải tránh chịu sự chi phối của cảm xúc cá nhân, vui mừng, giận dữ” (Điều 713).

[3] “Các ngục quan xét án, thấy có việc liên quan đến quan chức hay nhà quyền thế, nhưng chiếu luật đáng xử tội mà che chở, không khép vào tội thì sẽ xử như kẻ phạm tội kia mà cho giảm hai bậc” (Điều 674); “Xét xử theo ý riêng mình thì biếm một tư” (Điều 683)

[4] “Ngục quan và ngục lại dung túng cho những người kiện tụng đi lại nhà riêng mình để xúi bảo, nếu nhận vì việc ấy mà ăn hối lộ, thì phải khép vào tội làm trái luật, tùy theo việc nặng nhẹ mà định tội” (Điều 711)

[5] “Các quan xét án chần chờ quá hạn không xét xử thì bị tội theo luật định” (Điều 671)

[6] Các Mác, toàn tập, tập I, NXB Chính trị quốc gia, H, 1995, tr.137

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.234

PGS.TS. NGUYỄN HÒA BÌNH - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao