Trong nhiệm kỳ 2016-2020: Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ

TS Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016 – 2020... cho biết trong nhiệm kỳ 2016-2020, các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc).

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Trong đó, năm 2020, các Tòa án đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%). Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra[1]

1.Về xét xử các vụ án hình sự

Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, kết án oan người không có tội. Trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã thụ lý 386.165 vụ với 650.546 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 384.209 vụ với 641.616 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,5% về số vụ và 98,6% về số bị cáo, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Trong đó, năm 2020, các Tòa án đã thụ lý 89.726 vụ với 162.295 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 87.770 vụ với 153.365 bị cáo[2], đạt tỷ lệ 97,8% về số vụ và 94,5% về số bị cáo (so với năm 2019, thụ lý tăng 2.014 vụ với 15.842 bị cáo, giải quyết tăng 10.314 vụ với 26.853 bị cáo); tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 1,18% (do nguyên nhân chủ quan là 0,59%); bị sửa là 4,91% (do nguyên nhân chủ quan là 0,26%).



Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: Quang Hiếu/ VGP News

 

Tòa án nhân dân tối cao đã quan tâm chỉ đạo các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với những vụ án kinh tế, chức vụ lớn; những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính trung ương theo dõi đôn đốc. Trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã xét xử 1.145 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, trong đó, năm 2020, đã xét xử 269 vụ với 645 bị cáo[3]. Các Tòa án đã áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn lớn của Nhà nước; khoan hồng với những người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Đã phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm[4]. Các Tòa án cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản và các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung và đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại, như: thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ Thẩm phán kỹ năng xét xử và các kiến thức về kế toán, tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ, tin học; phân công Thẩm phán có đủ năng lực, kinh nghiệm để xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng; tích cực vận động bị cáo, gia đình của bị cáo và những người liên quan tự nguyện nộp lại tiền, tài sản đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính nhằm khắc phục hậu quả của tội phạm…

2.Về giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động

 Việc giải quyết các vụ việc dân sự về cơ bản đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Trong nhiệm kỳ, các  Tòa án đã thụ lý 1.894.472 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 1.842.684 vụ việc[5], đạt tỷ lệ 97,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 523.966 vụ việc; giải quyết tăng 496.752 vụ việc). Trong đó, năm 2020, các Tòa án nhân dân đã thụ lý tổng số 471.581 vụ việc[6]; đã giải quyết, xét xử được 419.793 vụ việc[7], đạt tỷ lệ 89,02% (so với năm 2019, số thụ lý giảm 25.189 vụ việc; giải quyết, xét xử tăng 32.365 vụ việc). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,64% (do nguyên nhân chủ quan 0,46%); bị sửa là 1,2% (do nguyên nhân chủ quan 0,6%). Trong đó, các Tòa án đã thụ lý 448.025 vụ việc dân sự; đã giải quyết 400.651 vụ việc dân sự, đạt tỷ lệ 89%. Các Tòa án đã thụ lý 4.067 vụ việc lao động; đã giải quyết 3.789 vụ việc[8]; đạt tỷ lệ 93,2%[9]. Đã thụ lý 19.256 vụ việc kinh doanh thương mại; giải quyết 15.245 vụ việc[10]; đạt tỷ lệ 79,2%[11]. Các Tòa án phải giải quyết 225 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong đó: ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với 45 trường hợp; ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với 59 trường hợp, ra quyết định đình chỉ giải quyết 19 trường hợp, tuyên bố phá sản 30 trường hợp; các trường hợp còn lại đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Qua quá trình giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy, các Tòa án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án. Các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật. Bên cạnh đó,Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã quan tâm chỉ đạo các Tòa án chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, qua đó giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân[12]. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, đã hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9. Trong năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020, các Tòa án đã khắc phục được việc để các vụ án quá thời hạn quy định của pháp luật[13]; giảm số lượng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành[14]

3.Về giải quyết các vụ án hành chính

Trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã thụ lý 36.354 vụ, đã giải quyết, xét xử được 32.466 vụ[16], đạt tỷ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra (so với nhiệm kỳ trước, đã thụ lý tăng 10.889 vụ, đã giải quyết tăng 7.707 vụ). Trong đó, năm 2020, các Tòa án nhân dân đã thụ lý 12.470 vụ; đã giải quyết, xét xử được 8.582 vụ, đạt tỷ lệ 68,8% (so với năm 2019, thụ lý giảm 332 vụ, xét xử tăng 1.027 vụ). Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy là 3,26% (do nguyên nhân chủ quan là 2,62%); bị sửa là 2,92% (do nguyên nhân chủ quan là 2,54%). Tỷ lệ bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là 28,5%; tỷ lệ bản án sơ thẩm, phúc thẩm có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 1,13%. Các Tòa án nhân dân đã giải thích hoặc kháng nghị đối với 02 bản án, quyết định do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án; ban hành 124 quyết định buộc thi hành án hành chính.

4.Về thi hành án hình sự

Việc ra quyết định thi hành án hình sự về cơ bản đảm bảo kịp thời, không để quá hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật. Việc ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị và trình Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đã được Chánh án Toà án nhân dân tối cao thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Trong nhiệm kỳ qua, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án đối với 400.369 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 99,8%; ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với 407.500 phạm nhân do cải tạo tốt; ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án phạt tù đối với 17.658 phạm nhân. Trong đó, năm 2020, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án đối với 85.177 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 99,3%; ra quyết định miễn chấp hành hình phạt tù 70 trường hợp;, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với 91.734 phạm nhân do cải tạo tốt; ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án phạt tù đối với 4.522 phạm nhân. Có 157 trường hợp được miễn, giảm thời hạn chấp hành án, xóa án tích theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, trong đó chuyển hình phạt tử hình xuống phạt tù chung thân 05 trường hợp, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại 139 trường hợp, miễn chấp hành toàn bộ hình phạt 05 trường hợp và xóa án tích 13 trường hợp.

5.Về công tác miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước

Việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đều được các Tòa án xem xét kỹ lưỡng, thận trọng các tài liệu, hồ sơ có liên quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về các điều kiện của người phải thi hành án nhưng được đề nghị miễn hoặc giảm phần nghĩa vụ phải thực hiện và cũng tính đến việc đảm bảo sự nghiêm minh của quyết định đối với những khoản thu nộp ngân sách mà Tòa án đã tuyên. Nhiệm kỳ qua, các Tòa án nhân dân đã xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với 33.807 trường hợp với tổng số tiền được miễn, giảm trên 339 tỷ đồng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, năm 2020, các Tòa án nhân dân đã xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với 5.450 trường hợp với tổng số tiền được miễn, giảm trên 23 tỷ đồng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

6.Về giải quyết các yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng đã thụ lý 76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (trong đó, 42 vụ yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, 15 vụ yêu cầu bồi thường thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước; 18 vụ yêu cầu bồi thường trong thi hành án dân sự, 01 vụ yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính); đã giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật 60 vụ, còn lại 16 vụ đang được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Năm 2020, các Tòa án đã thụ lý 09 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 05 trường hợp; bên cạnh đó, các Tòa án cũng thụ lý 29 vụ án dân sự mà người bị oan, sai khởi kiện các cơ quan Nhà nước yêu cầu bồi thường; đã giải quyết 13 vụ, còn lại đang trong quá trình giải quyết.

7. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Trong nhiệm kỳ, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 43.059 đơn/vụ; đã giải quyết được 36.042 đơn/vụ[17]; đạt tỷ lệ 83,7% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 7.503 đơn; đã giải quyết tăng 5.268 đơn); trong đó, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 32.866 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 3.176 đơn/vụ.

Năm 2020, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 16.205 đơn/vụ; đã giải quyết được 9.188 đơn/vụ[18]; đạt 56,7%; trong đó, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 8.708 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 480 đơn/vụ.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm như: tăng cường công tác hòa giải, đối thoại; đề cao trách nhiệm trong việc phát hiện và kiến nghị về các sai lầm nghiêm trọng trong bản án, quyết định; sửa đổi, bổ sung quy trình xử lý đơn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề, Hội nghị giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ cho các Tòa án... Chính vì vậy, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong những năm gần đây có nhiều tiến bộ, tỷ lệ năm sau luôn đạt cao hơn năm trước[19]. Về cơ bản đã khắc phục được tình trạng đã trả lời cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó Chánh án Toà án nhân dân tối cao lại phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng và phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tá thẩm. Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

8.Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tuân thủ đúng thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm có căn cứ, khách quan, thận trọng và trách nhiệm. Trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã giải quyết 26.770/27.085 đơn khiếu nại quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt tỷ lệ 98,8%. Trong đó năm 2020, các Tòa án đã giải quyết 5.261/5.576, đạt tỷ lệ 94,4%. Quá trình giải quyết, các Tòa án luôn bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại; chú trọng đối thoại và yêu cầu người khiếu nại cung cấp tài liệu để xem xét, xác minh những vấn đề cần làm rõ; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo giải quyết vụ việc đúng pháp luật.

9.Về kiểm tra công tác chuyên môn

Công tác tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm của Tòa án. Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác xét xử tại các Tòa án để kịp thời nắm bắt, phát hiện, xử lý và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh đối với những sai sót, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Tòa án. Trong nhiệm kỳ qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định thành lập 68 đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác xét xử tại các Tòa án nhân dân cấp cao, 95lượt kiểm tra Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 220 lượt kiểm tra Tòa án nhân dân cấp huyện. Bên cạnh đó còn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân; việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật công vụ; việc thực hiện quy định của pháp luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

 

TS Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC trình bày  Báo cáo Tổng kết - Ảnh: Cảnh Dinh

 

[1] Năm 2016 là 1,27%; năm 2017 là 1,3%; năm 2018 là 1,09%; năm 2019 là 1,09% và năm 2020 là 1,06%.

[2] Thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 73.986 vụ với 137.686 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 72.915 vụ với 130.694 bị cáo; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 15.399 vụ với 24.041 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 14.548 vụ với 22.161 bị cáo; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 341 vụ với 568 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 307 vụ với 510 bị cáo. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân đối với 1.145 bị cáo; xử phạt tù có thời hạn 84.830 bị cáo (trong đó, xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo 20.779 bị cáo, chiếm 17,2%); miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho 41 bị cáo; còn lại là các hình phạt khác.

[3] Trong số 645 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân và tử hình đối với 08 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 44 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 86 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 131 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống đối với 363 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác.

[4] Vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm phạm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma; vụ án Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và các đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, AVG và các đơn vị có liên quan; vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm bị truy tố, xét xử về các tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; vụ án Châu Thị Thu Nga phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group); vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; vụ án Phạm Công Danh phạm tội “Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; các vụ án gian lận thi cử tại Kỳ thi trung học phổ thông năm 2018 xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang…

[5] Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 1.771.709 vụ việc; theo thủ tục phúc thẩm 67.372 vụ việc và theo thủ tục giám đốc thẩm 3.603 vụ việc.

[6] Vụ việc dân sự theo nghĩa rộng gồm vụ việc dân sự, vụ việc hôn nhân và gia đình, vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản doanh nghiệp và vụ việc lao động.

[7] Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 452.621 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 402.944 vụ việc; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 17.972 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 15.962 vụ việc; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 988 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 887 vụ việc.

[8] Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 3.674 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 3.418 vụ việc; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 372 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 355 vụ việc; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 21 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 16 vụ việc.

[9] Các vụ án lao động mà Tòa án phải giải quyết chủ yếu là tranh chấp về xử lý kỷ luật, sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (947 vụ); tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương (1.232 vụ); tranh chấp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (560 vụ). Các Tòa án đã thụ lý 02 vụ án; đã giải quyết 02 vụ án lao động Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp do nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.

[10] Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 17.521 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 13.760 vụ việc; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 1.570 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 1.338 vụ việc; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 165 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 147 vụ việc.  

[11] Các vụ án kinh doanh thương mại mà Tòa án phải giải quyết chủ yếu là tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng (5.192 vụ), mua bán hàng hóa (3.460 vụ).

[12] Tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều đạt trên 50% tổng số các vụ việc đã giải quyết. Năm 2016 các Tòa án đã hòa giải thành 157.916 vụ; năm 2017 là 173.958 vụ; năm 2018 là 184.143 vụ; năm 2019 là 201.995 vụ; năm 2020 là 205.747 vụ.

[13] Trong nhiệm kỳ, tổng số vụ án để quá thời hạn theo quy định của pháp luật là 342 vụ, giảm 2.309 vụ so với nhiệm kỳ trước. Năm 2016 tổng số vụ để quá thời hạn quy định của pháp luật là 67 vụ, năm 2017 là 106 vụ, năm 2018 là 52 vụ, năm 2019 là 61 vụ; tính đến ngày 30/9/2020 chỉ còn 56 vụ án để quá thời hạn quy định của pháp luật.

[14] Năm 2016, các Tòa án đã giải thích, đính chính hoặc kháng nghị đối với 527 bản án, quyết định dân sự và hành chính; năm 2017 đối với 490 bản án, quyết định; năm 2018 đối với 439 bản án, quyết định; năm 2019 đối với 290 bản án, quyết định; năm 2020 đối với 127 bản án, quyết định.

[16] Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 23.901 vụ; theo thủ tục phúc thẩm 8.223 vụ và theo thủ tục giám đốc thẩm 342 vụ.

[17] Tòa án nhân dân tối cao giải quyết được 7.494/8.398 đơn/vụ, đạt 89,2%; các Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết được 28.548/34.661 đơn/vụ, đạt 82,4%.

[18] Tòa án nhân dân tối cao giải quyết được 1.975/2.879 đơn/vụ, đạt 68,6%; các Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết được 7.213/13.326 đơn/vụ, đạt 54,1%.

[19] Năm 2016 giải quyết 4.151 đơn/vụ, bằng 30,5%; năm 2017 giải quyết 7.097 đơn/vụ, bằng 39,3%; năm 2018 giải quyết 6.408 đơn/vụ, bằng 39,8%; năm 2019 giải quyết 9.198 đơn/vụ, bằng 51%; năm 2020 giải quyết 9.188 đơn/vụ, bằng 56,7%.

BẢO THƯ