Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND: Giữ lại hạnh phúc cho nhiều người

Việc triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, TP bước đầu đã có những kết quả tích cực.

“Nhẹ gánh” cho ngành Tòa án

Với chủ trương tinh gọn bộ máy, các cơ quan T.Ư, địa phương, trong đó có ngành TAND cũng quyết liệt triển khai thực hiện tinh giản biên chế. Theo đó, TAND TP Cần Thơ đã cắt giảm 11 nhân sự. Nhân lực giảm nhưng các vụ án lớn, nhỏ lại không ngừng gia tăng.

Mỗi năm, chỉ riêng Cần Thơ tăng trên 1.000 vụ án các loại. Ít người, nhiều việc nhưng phải hoàn thành tốt để phục vụ người dân. Đó là khó khăn thực tế của nhiều cơ quan.

Trước áp lực trên, chủ trương xây dựng các Trung tâm đối thoại, hòa giải tại TAND là điều cấp thiết. Hải Phòng thí điểm đầu tiên đã đạt được những kết quả khả quan. Trong 6 tháng thực hiện, đã hòa giải trên 2.000 vụ, hòa giải thành chiếm 76,2%. Trên cơ sở đó, TANDTC đã mở rộng phạm vi triển khai thực hiện thí điểm trên 15 tỉnh, TP khác, bao gồm cả Cần Thơ.

Ngày 8/11/2018, TAND TP Cần Thơ ra mắt 6 trung tâm thí điểm tại TAND TP, TAND quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt và Thới Lai. Các Trung tâm này có nhiệm vụ thực hiện hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình…; Đối thoại giải quyết các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết.

Sau 2 tuần đi vào hoạt động, 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại của TP Cần Thơ đã nhận được 391 đơn khởi kiện, đã tiến hành đưa ra hòa giải, đối thoại trước 45 vụ việc. Kết quả bước đầu, có 12 vụ hòa giải, đối thoại thành công, 5 vụ xin rút đơn, đạt tỷ lệ 26,7%. Hơn 300 vụ còn lại sẽ được tiến hành hòa giải trong thời gian sắp tới.

Được biết, hiện Cần Thơ có 28 hòa giải viên, đối thoại viên tham gia hòa giải, đối thoại. Đó đều là những thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, luật sư, điều tra viên… đã nghỉ hưu và có uy tín cao trong xã hội, có phẩm chất đạo đức tốt, có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, năng lực, tâm huyết.

Nói về tầm quan trọng của công tác này, ông Đặng Văn Hùng – Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ, Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP Cần Thơ nhận định: “Các vụ án dân sự thường có tính chất phức tạp, nếu mâu thuẫn, tranh chấp không được giải quyết hòa thuận thì quan hệ dân sự sẽ trở nên gay gắt hơn. Bên cạnh đó, kéo theo những vụ án hình sự như giết người, cố ý gây thương tích… mà nguyên nhân đa phần đều xuất phát từ chính mâu thuẫn nhỏ hàng ngày”.

Theo ông Hùng, Trung tâm hòa giải, đối thoại góp phần làm giảm áp lực trong công tác thụ lý, giải quyết tranh chấp, giúp tăng hiệu quả công việc tại Tòa án. Hòa giải, đối thoại nhiều, hiệu quả sẽ giảm lượng án phải xét xử.

Như vậy, kết quả giải quyết sẽ nhanh hơn và những quan hệ tranh chấp cũng trở nên nhẹ nhàng, không căng thẳng như trong phiên tòa. Đồng thời, người khởi kiện sẽ đỡ tốn án phí, thời gian và chi phí đi lại.

Tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân

Hiện tại, các vụ ly hôn có chiều hướng trẻ hóa và ngày càng phổ biến. Từ đó, cũng khiến cho tội phạm trẻ hóa, số lượng vụ án tăng cao. Để làm rõ vấn đề này, ông Hùng dẫn chứng: “Khi đưa một vụ ly hôn ra xét xử, chúng ta đang đi tìm hạnh phúc cho 4 người nhưng lại có 6 người mất hạnh phúc.

Tại tòa, hai vợ chồng ai cũng giành quyền nuôi con nhưng sau đó để con sống với mẹ ghẻ, cha dượng, không được quan tâm, giáo dục cả về tâm lý, tình cảm lẫn kiến thức. Từ đó, các em bất mãn với gia đình, xã hội, trở nên bất cần, dễ sa ngã, dễ bị dụ dỗ dẫn đến phạm tội”.

Như vậy, có thể thấy đây là một “bài toán” khó của xã hội, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết được ngay từ khâu đầu tiên một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng nhất, nhằm ngăn chặn những hệ lụy đáng tiếc. Đây cũng là mục đích, nhiệm vụ đặt ra cho công tác hòa giải, đối thoại.

“Khi hòa giải mọi người cùng nhau ngồi trong bàn tròn sẽ có cảm giác thân thiện, thoải mái hơn. Đồng thời, đối thoại viên chỉ mặc thường phục chứ không mặc áo choàng đỏ (áo Thẩm phán – PV). Vì vậy, sẽ không tạo khoảng cách, không có sự phân biệt giữa người hòa giải, đối thoại với các đương sự”, Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong phòng hòa giải, đối thoại, các vụ việc sẽ được giải quyết kín đáo, bảo mật. Các đương sự sẽ không bị tổn thương về mặt tâm lý, danh dự giống như khi xét xử tại phiên tòa công khai.

Từ  đó, Nhà nước khuyến khích các bên tham gia giải quyết tranh chấp bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Do Nhà nước bảo đảm kinh phí nên người dân sẽ không phải chịu bất kì khoản lệ phí nào cho phiên hòa giải, đối thoại. Với tính thiết thực và hiệu quả, hy vọng mô hình sẽ dần được người dân lựa chọn khi cần xoa dịu mâu thuẫn, hàn gắn “vết nứt” trong các mối quan hệ.

Theo baophapluat.vn

DIỄM KIỀU