10 sự kiện tiêu biểu của hệ thống Tòa án nhân dân năm 2018

Năm 2018, các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các chỉ đạo, giải pháp nâng cao chất lượng xét xử do lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đề ra. Là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, Tòa án các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, nhằm xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh; nâng cao vai trò, vị thế của Tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Trước thềm xuân mới Kỷ hợi 2019, trân trọng giới thiệu 10 sự kiện tiêu biểu của Tòa án nhân dân năm 2018.

1. Xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng và các vụ án điển hình được dư luận xã hội quan tâm

Năm 2018, các Tòa án đã giải quyết được 499.013 vụ, việc trong tổng số 558.152 vụ, việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 89,4%); số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.

Đặc biệt, những vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng và các vụ án điển hình được dư luận xã hội quan tâm được xét xử kịp thời, như: vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Châu Thị Thu Nga phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…

2. Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức, cán bộ

Ngày 16 và 17/4/2018, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức, cán bộ. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức, cán bộ, tinh gọn bộ máy, đưa công tác quản lý cán bộ, công chức vào nền nếp, làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu của nền công vụ tiên tiến, chuyên nghiệp và hiện đại; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

3. Đổi mới, tăng cường công tác hướng dẫn pháp luật, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 5 Nghị quyết và 10 án lệ

Năm 2018, TANDTC đã phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội khóa XIV thông qua 6 dự án luật, đồng thời Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 5 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; ban hành 2 tập Giải đáp vướng mắc nghiệp vụ với 8 vấn đề về pháp luật dân sự, tó tụng dân sự và 15 vấn đề liên quan tới tố tụng hành chính.

Chánh án TANDTC đã ban hành 1 Thông tư quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên; phối hợp xây dựng và trình lãnh đạo liên ngành ký ban hành 15 Thông tư liên tịch.

Về công tác phát triển án lệ, Chánh án TANDTC đã ký ban hành Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 6/11/2018 về việc công bố 10 án lệ. Tính đến nay, có 313 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết vụ án.

4. Triển khai mô hình phòng xét xử mới tại các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự trong toàn quốc

Thực hiện Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 về phòng xử án, mô hình phòng xử án mới được triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2018 tại các Tòa án địa phương trên toàn quốc.

Mô hình phòng xét xử mới bố trí vị trí ngồi của Kiểm sát viên và người bào chữa đối diện và ngang hàng với nhau, thể hiện sự bình đẳng giữa các bên để thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Trong xét xử các vụ án hình sự, “Vành móng ngựa” được thay thế bằng “Bục khai báo” nhằm đề cao tính nhân văn, đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Mô hình phòng xét xử mới cũng có quy định riêng khi xét xử, giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc “Tố tụng thân thiện” đối với người dưới 18 tuổi đã được quy định trong các đạo luật tố tụng tư pháp mới được Quốc hội thông qua.

5. Thẩm phán TANDTC Việt Nam và Thẩm phán nước ngoài tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Tòa án mang hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu trung tâm tại TANDTC với 777 điểm cầu tại các Tòa án trong toàn quốc

Năm 2018, Chánh án TANDTC ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao dộng trong TAND. Định kỳ hàng tháng, các Thẩm phán TANDTC tập huấn theo chuyên đề cho đội ngũ công chức có chức danh tư pháp của các Tòa án thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến. Nội dung tập huấn tập trung vào các quy định mới của pháp luật cũng như các hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Ngoài các Thẩm phán TANDTC còn có sự tham gia của Thẩm phán Gordon Low, chuyên gia pháp luật cao cấp của Hoa Kỳ đã tập huấn trực tuyến cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án Việt Nam về kinh nghiệm của Hoa kỳ trong tổ chức công tác hòa giải các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; và đồng chí Chu Cường, Chánh án TANDTC Trung Quốc đã có bài giảng trực tuyến về cải cách thể chế tư pháp Tòa án và xây dựng Tòa án thông minh tại Trung Quốc.

6. Ban hành, triển khai thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong toàn hệ thống

Ngày 4/7/2018, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia đã ban hành Quyết định số 87 về triển khai, thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

Bộ Quy tắc đạo đức quy định Thẩm phán phải trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết, trung thực.

Thẩm phán phải có tính độc lập, liêm chính, vô tư khách quan, công bằng bình đẳng, đúng mực, sự tận tụy và không chậm trễ, năng lực và sự chuyên cần. Bộ Quy tắc cũng nêu rõ những việc Thẩm phán được phép làm và những việc không được làm.

Các chuẩn mực này là căn cứ để Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia xem xét bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, nâng ngạch và kỷ luật Thẩm phán.

7. Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 37 năm 2012 của Quốc hội; sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đã tổ chức triển khai thực hiện đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND TP Hải Phòng. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm tại Hải Phòng, TANDTC tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm tại Hải Phòng và 15 TAND tỉnh thành phố trong cả nước.

Qua thực tiễn thí điểm cho thấy, đây là mô hình cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, trên cơ sở đó TANDTC xây dựng hồ sơ đề nghị đưa Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019.

8. Công bố 213.000 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC, thu hút 9 triệu lượt người truy cập

Thực hiện Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP, ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử TANDTC, đã có 213.000 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là 9 triệu lượt người.

Đã có hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định của Tòa án. Trên cơ sở theo dõi, tổng hợp các ý kiến bình luận, các Tòa án dã kịp thời rút kinh nghiệm đối với các Thẩm phán có các bản án còn có những hạn chế để lưu ý khắc phục, nhằm nâng cao chất lượng bản án.

9. Ra mắt giao diện mới Cổng thông tin điện tử TANDTC và Trang thông tin điện tử của 3 TAND cấp cao, 63 TAND cấp tỉnh

Ngày 22/10/2018, TANDTC tổ chức Lễ ra mắt giao diện mới của Cổng thông tin điện tử TANDTC và Trang thông tin điện tử của 3 TAND cấp cao, 63 TAND cấp tỉnh trong toàn quốc trên nền tảng công nghệ hiện đại cũng như khả năng tích hợp liên kết các hệ thống công nghệ thông tin hiện có và trong tương lai của TAND.

Bên cạnh đó, TANDTC cũng ra mắt các hệ thống công nghệ thông tin được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án gồm: Hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án bằng phương tiện điện tử. Hệ thống đăng ký trực tuyến cấp sao, trích lục bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án được triển khai trong toàn hệ thống Tòa án.

10. Triển khai trang phục xét xử mới tại các Tòa án nhân dân trong toàn quốc

Trên cơ sở kết quả tổng kết thực hiện thí điểm sử dụng áo choàng là trang phục xét xử mới của Thẩm phán, TANDTC đã xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán TAND các cấp. Kể từ ngày 1/1/2018, TAND các cấp thực hiện thống nhất trang phục xét xử mới của Thẩm phán.

Dư luận đánh giá cao hình ảnh người Thẩm phán mặc áo choàng khi xét xử, đã tạo sự uy nghi của phiên tòa, đồng thời nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp đối với mỗi Thẩm phán.