Chính phủ điện tử tiền đề cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam

Công nghệ thông tin là một trong những nền tảng hết sức quan trọng của phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia. Thành lập Chính phủ điện tử là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho Công nghệ thông tin Việt Nam phát triển mạnh mẽ, sâu rộng là bước tiến cho sự phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

 Ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8/2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch và 17 Ủy viên

 Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban.

 Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Các Ủy viên: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.

Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các thành viên của Ủy ban có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, tham dự đầy đủ các cuộc họp Ủy ban và kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh…

Ủy ban làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và do Chủ tịch quyết định quyết định của Chính phủ nêu.

Các tổ công tác giúp việc cho Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Thành lập Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban làm Tổ trưởng; Tổ phó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ.

Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong nước và quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác. Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Triển khai thực hiện và những kỳ vọng 

Căn cứ Quyết định 1072/QĐ-TTg , các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử chính quyền điện tử của Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng 2025.

Trong đó, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tạo lập, quản lý và chia sẻ dữ liệu; xây dựng nghị định và các văn bản về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019; nghiên cứu, xây dựng đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm tính khoa học cả về hành chính quản lý và công nghệ chia sẻ, kết nối, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2018.

Cùng với sự có mặt của 4 Chủ tịch doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin, đó là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT, hy vọng rằng Chính phủ điện tử sẽ thực sự trở thành “Chính phủ số và kinh tế số” như mong muốn củaThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam – Vietnam ICT Summit 2018 đã được tổ chức ngày 18/7/2018, cũng như sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

NGUYỄN TIẾN DŨNG