Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án trong năm qua là 1, 09%

Ngày 30/10/2018, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và giải trình trước Quốc hội những nội dung liên quan việc giải quyết các vụ án hành chính

Báo cáo về mọi mặt hoạt động của Tòa án

Về công tác đảm bảo thống nhất pháp luật

Hàng tháng Hội đồng Thẩm phán TANDTC đều bố trí thời gian họp toàn thể để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Triển khai thi hành các Bộ luật, luật đã được Quốc hội thông qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 15 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng 17 thông tư liên tịch; Chánh án TANDTC đã ban hành 05 Thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành thêm 2 tập Giải đáp vướng mắc nghiệp vụ trong các lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính.

Về nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án

Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án, khắc phục về cơ bản việc để các vụ án quá luật định; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án trong năm qua là 1, 09%, thấp hơn năm trước, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra. Công tác xét xử các vụ việc dân sự và các vụ án hành chính cơ bản đúng pháp luật, đúng thời hạn, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát  hiện trường hợp nào kết án oan cho người không có tội. Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…

Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Về thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử

Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, để giúp cho các Tòa án thực hiện đúng các nguyên tắc mới, quan trọng được quy định trong các Bộ luật tố tụng, TANDTC đã hướng dẫn các tiêu chí đặt ra đối với phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.

Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; tôn trọng quyền con người; Hội đồng xét xử phải thực hiện hết thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của TANDTC, nhìn chung thời gian qua, các phiên tòa đã được tổ chức tốt hơn. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng, các Tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình; trên cơ sở kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ.

Các Thẩm phán thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp và thực hiện đúng nguyên tắc độc lập trong xét xử; chú trọng thực hiện hết các thẩm quyền tố tụng theo quy định của pháp luật để đảm bảo giải quyết tốt vụ án, như: bắt tạm giam bị cáo hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn khi thấy cần thiết; khởi tố hoặc yêu cầu khởi tố khi có dấu hiệu lọt người, lọt tội; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ; kiến nghị để khắc phục các sai sót cả về tố tụng và trong hoạt động quản lý kinh tế, quản lý cán bộ…

Về công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử

TANDTC đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ của các Tòa án. Năm 2018, Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện việc thanh tra, giám sát hoạt động công vụ đối với các Tòa ánh nhân dân cấp cao, 12 Tòa án nhân dân tỉnh và 131 Tòa án nhân dân cấp huyện.

 Về án lệ

Tính đến 30/9/2018, có trên 200 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết vụ án. Để giúp cho các Tòa án có điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử, TANDTC đã phối hợp với các chuyên gia pháp lý và những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử tiến hành bình luận đối với các án lệ đã ban hành; biên tập và xuất bản Cuốn án lệ và bình luận án lệ , cuốn sách này được cấp phát tới tất cả các Thẩm phán trong toàn hệ thống.

TANDTC đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về phát triển án lệ để tiếp tục đề ra các giải pháp làm tốt hơn công tác này, tập trung phát triển án lệ đối với các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử và những vấn đề xã hội quan tâm, như vấn đề xâm hại tình dục trẻ em…

Về triển khai hiệu quả việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử

Tính đến nay, đã có 146.336 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của gần 90% các Thẩm phán TAND các cấp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TAND và tất cả các Tòa án trong toàn quốc đều đã có bản án được công bố; tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là 6.764.910 lượt và đã có hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định của Tòa án.

Một số hạn chế

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các yêu cầu mà Nghị quyết số 55 của Quốc hội đề ra cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: một số vụ án xét xử ở cấp sơ thẩm cũng còn sai sót, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm. tái thẩm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; hạn chế trong giải quyết an hành chính còn nhiều…Nhận thức được những tồn tại hạn chế trên, ngành Tòa án luôn nỗ lực, đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại trên.

Giải quyết 3 tồn tại lớn của án hành chính 

Chiều ngày 30/10 Chánh án TANDTC đã trả lời chất vấn những nội dung liên quan việc giải quyết các vụ án hành chính.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) đặt câu hỏi: Thời gian qua có hiện tượng khi giải quyết các vụ án hành chính thì người bị kiện là Chủ tịch UBND các cấp không hợp tác, hoặc không có mặt hay thường cử người không đủ thẩm quyền đến toà thay. Tình trạng này dẫn đến chậm trễ trong giải quyết án hành chính, gây bức xúc và đến nay vấn đề này chưa có chuyển biến. Giám sát của Uỷ ban Tư pháp cho rằng một trong những nguyên nhân là do một số Thẩm phán còn nể nang và ngại va chạm. Chánh án có đồng tình với nhận định này hay không và có giải pháp mạnh mẽ gì để khắc phục?

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn cho biết: Từ kết quả giám sát chuyên đề của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cũng như từ thực tiễn hoạt động của ngành Toà án cho thấy việc giải quyết án hành chính có 3 tồn tại chính. Một là tỷ lệ giải quyết án thấp so với yêu cầu của Quốc hội, hai là số lượng án hành chính tồn đọng nhiều, ba là thời gian kéo dài. Nguyên nhân có được chỉ ra trong báo cáo giám sát chuyên đề, trong đó, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Theo Chánh án, nguyên nhân cũng đã được đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt đặt ra trong phần đặt câu hỏi của mình đó là, sự thiếu vắng các chủ thể có liên quan trong việc giải quyết án hành chính tại Toà án.

Về phía chủ quan, đại biểu cũng nêu ra có hay không việc Thẩm phán e ngại khi giải quyết án hành chính. Nguyên nhân này có nhưng không phải là chủ yếu và đã giảm dần, vì hiện nay theo quy định của Luật không còn tình trạng Toà cấp huyện giải quyết các vụ án hành chính cấp huyện cũng như cấp xã, mà tất cả đã được đưa lê tỉnh để giải quyết. Vị vậy có thể nói nguyên nhân này có nhưng đã được hạn chế rất đáng kể.

Tuy vậy, về phía Toà án cũng đã đặt ra một loạt các giải pháp khắc phục những nguyên nhân chủ quan do lỗi từ phía Toà án. “Chúng tôi đã tăng cường Thẩm phán cho đội ngũ giải quyết các án hành chính, tăng cường việc hướng dẫn pháp luật, đề cao trách nhiệm của các Thẩm phán trong việc giải quyết án hành chính và có một Chỉ thị về việc rà soát tất cả các án hành chính đang tồn đọng để tập trung giải quyết nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết này lên theo yêu cầu của Quốc hội”, Chánh án cho biết.

Đồng thời Chánh án cũng cho rằng, muốn giải quyết tốt cũng cần có sự tham gia rất tích cực các uỷ ban nhân dân bị kiện thì Toà án mới giải quyết được.

Chánh án nhấn mạnh, giải quyết án án chính, thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa người dân và các cơ quan chính quyền thông qua các quyết định hành chính của mình. Đối thoại tốt, tạo ra sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền để hai bên lắng nghe nhau, hiểu nhau hơn thì Toà không phải xử.

Thực tiễn thí điểm Hải Phòng và đang triển khai thí điểm ở 16 tình, thành phố khác cho thấy đã tháo gỡ được khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật cũng như những thiếu vắng trong quy định của pháp luật. Khi đối thoại thì không nhất thiết phải Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND đang tham gia đối thoại, chỉ cần người dân, người nắm được việc và có thẩm quyền nhất định tham gia đối thoại thì nhất định tham gia đối thoại thì có thể tạo được sự đồng thuận, chứ không cần quy định “cứng” của luật là nhất thiết phải có sự có mặt của Chủ tịch hoặc ủy quyền đến Phó Chủ tịch UBND.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình rất mong các địa phương ủng hộ giải pháp căn cơ này nhằm khắc phục những hạn chế, tăng tỷ lệ giải quyết án hành chính.

XUÂN BÁCH