Xóa nợ thuế và thanh tra lại trong Luật Quản lý thuế

Luật Quản lý thuế gồm 17 chương với 152 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Vấn đề xóa nợ thuế và vấn đề thanh tra lại trong Luật này đã được thảo luận kỹ tại Quốc hội cũng như quan tâm của phóng viên trong buổi họp báo về việc công bố Luật sáng 4/7.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xóa nợ thuế và vấn đề thanh tra lại; căn cứ để thanh tra lại trong ngành thuế, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết:

Luật Quản lý thuế 2019 đã sửa đổi phạm vi điều chỉnh, đảm bảo bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Luật cũng quy định các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế và hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá.

 

Toàn cảnh buổi họp báo công bố 7 Luật trong đó có Luật quản lý thuế

Về vấn đề xóa nợ thuế ông Hà nêu rõ: Luật quản lý thuế 2006 đã đưa ra vấn đề xử lý nợ đọng, từ đó đến nay đã 13 năm và Luật đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung.

Xóa nợ tiền thuế, chậm nộp tiền phạt được quy định tại Điều 85 của Luật quản lý thuế trong đó khoản 1 của điều luật quy định về các trường hợp doanh nghiệp được xóa nợ ttiền thuế, chậm nộp tiền phạt, khoản 2 quy định về các trường hợp cá nhân được xóa nợ tiền thuế, chậm nộp tiền phạt

Vấn đề xử lý nợ đọng, những nhóm đối tượng công dân bị coi như chết, mất tích. Đối với công dân thì phải có căn cứ xác định đã chết. Nhóm hai là các doanh nghiệp đã kinh doanh nhưng chưa giải thể, phá sản nên quá trình đó kéo dài nếu làm được thủ tục giải thể phá sản thì phải thực hiện theo luật phá sản. Giải pháp khoanh nợ là giải pháp quan trọng, khi xác định cá nhận chết, các cơ sở kinh doanh đã được ngừng sản xuất kinh doanh thì được khoanh nợ.

Khoản 3 Điều 85 quy định: các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại 2 trường hợp nêu trên, mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi. Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt quy định tại khoản này trước khi quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã được xoá.

Quy định này nhằm đề phòng những cá nhân, cơ sở kinh doanh đã được xóa nợ lợi dụng chính sách khoanh nợ, xóa nợ để tẩu tán tài sản.

Về thanh tra lại: Khoản 2 Điều 120 của Luật quy định rõ những trường hợp phải thanh tra lại; Khoản 1 Điều 120 đã quy định quyền của các cấp trong thanh tra lại theo đó chỉ thanh tra lại khi có những căn cứ sau:

Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;

Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;

Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp;

Người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

Có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của đối tượng thnah tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

Thời hiệu quyết định thanh tra lại là 2 năm kể từ ngày có kết luận thanh tra.

Quy định tại Điều 120 của Luật này nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế cũng như quyền lợi của Nhà nước.

XUÂN BÁCH