A vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác

Sau khi nghiên cứu bài viết “Sát hại người yêu, rồi lái xe của người yêu gây tai nạn, tội gì?” và các ý kiến trao đổi, tôi cho rằng với những dữ kiện mà bài viết nêu ra có thể định tội đối với các hành vi của Nguyễn Văn A về hành vị giết người và vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác.

Thứ nhất, tình huống được nêu ra trong bài viết đề cập nội dung trong quá trình tâm sự, giữa A và B xảy ra mâu thuẫn nên A đã dùng dao gọt hoa quả có sẵn trên xe đâm chết chị B. Nguyễn Văn A đã có hành vi tước đoạt tính mạng trái pháp luật của chị Lê Thị B, hậu quả chị B tử vong. Hành vi dùng dao đâm chết chị B của A đã cấu thành tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015.

Thứ hai, Sau khi giết chết chị B, Nguyễn Văn A tự ý lấy chiếc xe ô tô của B chở xác chị B đi nhiều nơi. Mục đích là để thăm lại những nơi hai người lúc đang yêu nhau từng đi. Liên hệ với dữ kiện trước đó của tình huống là khoảng 20 giờ 20 phút ngày 25/8/2019 chị B đã điều khiển xe ô tô của mình đến đón A đi chơi, sau đó chị B mới bị A giết hại. Hành vi A lấy xe của chị B và chở xác chị B đi nhiều nơi được thực hiện đến 15 giờ 30 phút ngày 26/8/2019 thì xảy ra tai nạn với một chiếc xe khách đang dừng đỗ bên đường. Hành vi của A tự ý lấy chiếc xe ô tô của B đã không được sự đồng ý của chị B từ trước, mục đích A lấy chiếc xe ô tô chở xác chị B đi nhiều nơi là “để thăm lại những nơi hai người lúc đang yêu nhau từng đi”. Chính vì thế đã thể hiện A không có ý thức chiếm đoạt tài sản của chị B. Do đó hành vi tự ý lấy chiếc xe ô tô của B chở xác chị B đi nhiều nơi là không phạm các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật hình sự năm 2015 như: tội chiếm giữ trái phép tài sản, tội sử dụng trái phép tài sản. Tuy nhiên các hành vi trên của A đã cấu thành vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác theo quy định điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Thứ ba, khi đang điều khiển xe lưu thông trên đường cao tốc, do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ nên A đã để xe ô tô của chị B do A điều khiển va chạm vào 01 xe khách đang dừng đỗ bên đường. Hậu quả xe ô tô do A điều khiển bị thiệt hại 135.000.000 đồng, xe tô khách bị thiệt hại 15.000.000 đồng. Hành vi này của A chưa đủ cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 BLHS. Vì cấu thành của tội này về hành vi bao gồm các hành vi ghép sau: tham gia giao thông đường bộ, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho người khác. Hậu quả theo quy định điểm d là dấu hiệu bắt buộc của tội này là phải “gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”. Trong trường hợp này thiệt hại về tài sản cho người khác phải được xác định là tài sản của những người mà A đã gây ra tai nạn chứ không thể gộp bao gồm tài sản của chiếc xe của chị B. Vì hành vi A tự ý lấy chiếc xe ô tô của B chở xác chị B đi nhiều nơi là hành vi độc lập cấu thành vi phạm pháp luật khác như đã đề cập ở trên là vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Việc A lái xe ô tô của chị B gây tai nạn và gây thiệt hại 135.000.000 đồng đối với chiếc xe này trong tình huống này sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng giữa A và những người thừa kế của chị B. Ngoài ra A cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng đối với thiệt hại 15.000.000 đồng đối với người sở hữu của chiếc ô tô đậu bên đường.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân của tôi về tình huống vụ việc. Mong nhận được sự trao đổi, tranh luận từ các bạn đọc.

TAND tỉnh Đắk Lắk  xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”, nạn nhân là người yêu của bị cáo – Ảnh: Thị Duyên/TAND ĐL.

 

NGUYỄN THÁI SƠN (Bộ môn Pháp luật – Trường Đại học An ninh nhân dân, Tp. HCM)