Bà A đã vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu

Trong bài “Đương sự được quyền bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện thời điểm nào?” của tác giả Võ Thị Xuân đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 12/7/2018, tác giả có đưa ra tình huống và trao đổi là sau khi Tòa án đã tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì đương sự (nguyên đơn – bà A) có đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện nhưng yêu cầu thay đổi lại vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu thì Tòa án có chấp nhận không.

Trên cơ sở nghiên cứu quy định pháp luật và thực tiễn xét xử, tôi xin được trao đổi như sau:

Điều 5 của BLTTDS năm 2015 quy định về quyền quyết định và định đoạt của đương sự như sau:

“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. 

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

Tại điểm a khoản 2 Điều 210 của BLTTDS năm 2015 cũng quy định như sau: “Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây: a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;”

Từ những quy định trên của BLTTDS năm 2015 cho thấy Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi khởi kiện của đương sự. Chính vì vậy mà tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ bắt buộc Thẩm phán phải hỏi đương sự về yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện.

Vậy khi đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện trước, trong và sau khi Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì giải quyết như thế nào. Vấn đề này tại mục 7, phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có hướng dẫn như sau: “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.” Như vậy, khi đương sự có đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện thì Thẩm phán cần phải lưu ý xem xét việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của đương sự có vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu (nêu trong đơn khởi kiện) hay không và thời điểm đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện.

Trở lại tình huống tác giả Võ Thị Xuân nêu thì bà A ban đầu khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận cho bà quyền sử dụng đất diện tích 1.000m2 hiện do ông B đang quản lý. Sau khi Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, do biết diện tích 1.000m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông B nên bà A thay đổi yêu cầu: Yêu cầu ông B hoàn trả cho bà giá trị căn nhà do bà xây cất trên diện tích 1.000m2 mà ông B đang đứng tên giây chứng nhận quyền sử dụng đất. So sánh hai yêu cầu khởi kiện của bà A thì thấy rằng phạm vi khởi kiện ban đầu của bà A là yêu cầu Tòa án công nhận cho bà quyền sử dụng đất diện tích 1.000m2; còn yêu cầu sau là yêu cầu Tòa án buộc ông B hoàn trả giá trị căn nhà của bà xây cất trên đất của ông B. Rõ ràng tính chất và phạm vi khởi kiện của hai yêu cầu khởi kiện của bà A là hoàn toàn khác nhau. Yêu cầu sau (yêu cầu thay đổi) là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Vì vậy, Tòa án sẽ không chấp nhận việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của bà A.

Trong tình huống này Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần giải thích cho bà A hiểu là: do việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của bà A là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu cho nên Tòa án sẽ không chấp nhận việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của bà A. Đối với yêu cầu khởi kiện ban đầu, bà A có quyền rút lại đơn khởi kiện nếu bà thấy rằng việc khởi kiện của bà là không có căn cứ để Tòa án chấp nhận. Nếu bà A rút lại đơn khởi kiện thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án và giải thích về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu bà A không rút lại đơn khởi kiện ban đầu thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật nếu các đương sự không tự thỏa thuận được việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu khởi kiện sau thì bà A sẽ được quyền khởi kiện trong vụ án khác theo quy định pháp luật.

Từ tình huống trên có thể rút ra một số vấn đề như sau:

– Mặc dù BLTTDS năm 2015 không quy định thời  điểm nào trong quá trình tố tụng Thẩm phán sẽ tổ chức phiên họp phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Tuy nhiên, để tránh trường hợp nguyên đơn không thể sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện (nếu việc thay đổi yêu cầu khởi kiện vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu); bị đơn không thể đưa ra yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thể đưa ra yêu cầu độc lập thì Thẩm phán nên tổ chức phiên họp phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải sau khi đã thu thập được các chứng cứ cơ bản có thể làm sáng tỏ vụ án. Điều này sẽ hạn chế số lần tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải trong vụ án. Qua đó hạn chế gây mất thời gian, tiền bạc, công sức của đương sự và cả  cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

– Khi tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, Thẩm phán cần giải thích thật rõ cho đương sự biết quy định về thời điểm được quyền thay đổi yêu cầu khởi kiện, thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập và hậu quả pháp lý của việc thay đổi yêu cầu khởi kiện, đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trước, trong và sau khi Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải.

Trên đây là quan điểm và một số ý kiến của tôi xin được trao đổi cùng tác giả bài viết và bạn đọc.

 

DƯƠNG TẤN THANH (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)