Bà H chỉ nộp tiền tạm ứng án phí tương ứng với phần giá trị tài sản chung mà bà H yêu cầu được chia

Sau khi đọc bài "Xác định tiền tạm ứng án phí chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn" của tác giả Trương Minh Tấn đăng ngày 04/12/2022, trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Khoản 4 Điều 25 của Pháp lệnh số 01/2012/UBTVQH12 ngày 27/2/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án có quy định như sau: "Người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án dân sự không có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng mức án phí dân sự sơ thẩm; trong vụ án dân sự có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết". So sánh quy định này với quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án(*) thì thấy rằng hai quy định này là tương đối giống nhau. Nghĩa là mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết.

Trước đây tại khoản 3 và khoảng 4 Điều 11 của Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/ 2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí lệ phí Tòa án có quy định như sau:

"3. Trường hợp ngoài yêu cầu ly hôn, đương sự còn yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu chia một phần hai giá trị tài sản chung của vợ chồng thì người có yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng.

4. Trường hợp ngoài yêu cầu ly hôn, đương sự còn yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần họ yêu cầu chia trong giá trị tài sản mà Tòa án tạm tính theo hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết này".

Theo như hướng dẫn của Nghị quyết này nếu nguyên đơn có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí tương ứng với phần giá trị tài sản chung của vợ chồng mà họ yêu cầu được chia. Cụ thể nếu đương sự ghi yêu cầu trong đơn là “chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu chia một phần hai giá trị tài sản chung của vợ chồng” thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng. Ví dụ: Nguyên đơn cho rằng vợ chồng có tài sản chung trị giá 100.000.000 đồng, nếu nguyên đơn yêu cầu được chia ½ giá trị tài sản thì nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định là: 50% x ½ x 100.000.000 đồng x 5% = 1.250.000 đồng. Còn nếu đương sự ghi yêu cầu trong đơn khởi kiện là yêu cầu chia cho nguyên đơn được hưởng 40% giá trị tài sản chung của vợ chồng, tương ứng với số tiền là 40.000.000 đồng thì trong trường hợp này nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí tương ứng với giá trị tài sản chung yêu cầu được chia là 40.000.000 đồng, tính ra tiền tạm ứng án phí là: 50% x 40.000.000 đồng x 5% = 1.000.000 đồng.

Trở lại nội dung vụ án bà H là nguyên đơn có yêu cầu trong đơn khởi kiện là đồng ý để lại toàn bộ tài sản bằng hiện vật có giá trị là 623.500.000 đồng cho ông A và yêu cầu ông A có trách nhiệm hoàn trả lại một nửa giá trị tài sản chung cho bà H với số tiền là 300.000.000 đồng. Nghĩa là trong trường hợp này bà H yêu cầu Tòa án chia cho bà được hưởng phần giá trị tài sản chung là 300.000.000 đồng. Hiện nay nay không có hướng dẫn mới, cụ thể về cách tính tiền tạm ứng án phí đối với trường hợp đương sự yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng, tuy nhiên, như đã phân tích quy định về tính tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm hiện nay và trước đây là tương đối giống nhau nên cần phải vận dụng tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP để tính tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng của bà H. Cụ thể tiền tạm ứng án phí chia tài sản của bà H được tính là: 50% x 300.000.000 đồng × 5% = 7.500.000 đồng.

Mặt khác nếu như buộc nguyên đơn là bà H phải nộp tiền tạm ứng án phí tương ứng với số tiền của toàn bộ giá trị tài sản chung của bà H và ông A (như quan điểm thứ hai) tính ra là: 50% × [20.000.000đ + (4% × 223.500.000 đồng)] = 14.470.000 đồng là không hợp lý. Bởi vì giả sử Tòa án chấp nhận yêu cầu của bà H buộc ông A phải trả giá trị tài sản chung cho bà H là 300.000.000 đồng thì theo quy định án phí chia tài sản chung của vợ chồng mà bà H phải chịu là: 7.5000.000 đồng x 2 = 15.000.000 đồng. Như vậy điều này sẽ không đúng với quy định của pháp luật hiện nay là tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch chỉ bằng 50% án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà đương sự phải chịu.

Tóm lại, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất là bà H phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch bằng 50% án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch dựa trên giá trị tài sản mà bà H yêu cầu được chia là 300.000.000 đồng.

Trên đây là một số ý kiến xin trao đổi cùng tác giả và bạn đọc.

 

TAND TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án dân sự- Ảnh: Khôi Nguyên

(*) Điều 7. Mức tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án

… 2. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chp do đương sự yêu cu gii quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.

 

DƯƠNG TẤN THANH (Phó Chánh án TAND Tx Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)