Bàn về tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” trong các tội xâm phạm sở hữu có cấu thành tội phạm hình thức

Nhân đọc bài “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản - Những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện” của tác giả Phùng Văn Hoàng và Trương Thu Thảo đăng ngày 9/10/2021, tác giả trao đổi về việc áp dụng tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” trong các tội xâm phạm sở hữu có cấu thành tội phạm hình thức.

1. Theo các tác giả  thì “Đối với việc áp dụng các tình tiết định khung mang tính định lượng cụ thể về số tài sản chiếm đoạt quy định tại khoản 2, 3, 4 BLHS có phụ thuộc vào việc người phạm tội đã chiếm đoạt được số tài sản đó hay mới chỉ có ý định chiếm đoạt nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong suốt quá trình áp dụng BLHS năm 1999 và cho đến nay vấn đề này cũng chưa được hướng dẫn, khắc phục.

Ví dụ: Nguyễn Văn B dùng vũ khí, phương tiện nguy hiểm bắt cóc chị Trần Thị A, sau đó đe dọa bố mẹ chị Trần Thị A, yêu cầu mang 700 triệu đồng ra chuộc mới thả người. Bố mẹ Trần Thị A để bảo vệ tính mạng, sức khỏe con gái nên đã đồng ý thực hiện theo yêu cầu. Tuy nhiên, vì nghi ngờ bố mẹ chị A sẽ báo Công an nên B đã thả chị A ra và nhờ người khác đưa chị A về nhà. 

- Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của Nguyễn Văn B phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đồng thời hành vi thỏa mãn hai dấu hiệu là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại điểm c khoản 2 “dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác” và tình tiết “chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS. Tuy nhiên, trong khoa học luật hình sự, một hành vi phạm tội cùng một lúc thỏa mãn nhiều dấu hiệu là những tình tiết định khung hình phạt trong một tội danh cụ thể thì cần phải xử lý theo tình tiết định khung hình phạt ở mức cao hơn, đảm bảo nguyên tắc “thu hút tội phạm” trong khoa học pháp lý hình sự.

- Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của Nguyễn Văn B phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc tình tiết định khung tăng nặng hình phạt “dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác” theo điểm c khoản 2 Điều 168 BLHS. Căn cứ nội dung vụ án đưa ra, Nguyễn Văn B có ý định chiếm đoạt tài sản là 700 triệu đồng nhưng thực tế chưa có hành vi chiếm đoạt xảy ra nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh B về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS có khung hình phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân”.

Các tác giả ủng hộ quan điểm thứ hai và cho rằng, “hầu hết những người ủng hộ quan điểm này mới chỉ phân tích một cách chung chung cho rằng hậu quả chiếm đoạt tài sản phải thực tế xảy ra (đã chiếm đoạt được tài sản) mới có căn cứ áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt theo các khoản 2, 3, 4 Điều 169 BLHS; chưa đưa ra được một cơ sở pháp lý vững chắc để thống nhất áp dụng, bởi vì,  hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể của cơ quan có thẩm quyền”. Từ đó, các tác giả đề nghị hướng dẫn thống nhất về điều kiện áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt có tính định lượng cụ thể theo điểm e  khoản 2 “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”; điểm a khoản 3 “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”; điểm a khoản 4 “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”  là khi người phạm tội đã chiếm đoạt được số tiền của bị hại”.

2. Chúng tôi cho rằng, không chỉ các Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt mới có kết cấu như các tác giả đã đề cập. Ngoài quy định tại Điều 169, thì tại Điều 168 và Điều 170 BLHS cũng có kết cấu như vậy. Theo đó:

- Tại khoản 1 của các Điều 168, 169 và 170 đều nêu (hoặc mô tả) hành vi phạm tội trước cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản… (mà không khống chế giá trị tài sản mà người phạm tội nhằm chiếm đoạt là bao nhiêu đồng)”;

- Còn tại các khoản 2, 3 và 4 của các điều luật này đều quy định “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”, “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”, “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên” là các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.

Về lịch sử, kỹ thuật lập pháp này đã tồn tại trong hầu hết các văn bản pháp luật hình sự nhất là các BLHS được ban hành gần đây. Về ngôn ngữ pháp lý, thì quy định tại khoản 1 (tình tiết định tội) của các điều luật này đều có cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản…” mà không khống chế giá trị tài sản mà người phạm tội nhằm chiếm đoạt là bao nhiêu. Còn tại các khoản tăng nặng định khung hình phạt đều có cụm từ “Chiếm đoạt tài sản có giá trị…” mà không phải là cụm từ “Nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị…”. Như vậy, ngôn ngữ của điều luật đã thể hiện bản chất pháp lý của tội phạm (với tư cách là tình tiết định tội hay tình tiết tăng nặng định khung hình phạt”.

Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, đa số tuyệt đối (các cơ quan và người tiến hành tố tụng) đều thống nhất hiểu “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” là đã chiếm đoạt được tài sản có giá trị được nêu trong các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của các điều luật cụ thể này. Khi phân tích về những tình tiết này đã nhầm lẫn và chưa phân biệt ý nghĩa pháp lý của các cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản…”, “Chiếm đoạt tài sản có giá trị…”“Nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị…”.

 

Phiên tòa hình sự sơ thẩm tại TAND tỉnh Lạng Sơn - Ảnh Nguyễn Huy Hoàng

 

 

 TS. MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)