Bàn về tội danh trong vụ án mất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại Eximbank

Nhiều vụ việc "bốc hơi" tiền tỷ trong tài khoản, sổ tiết kiệm khiến người dân hoang mang. Gần nhất là vụ bà Chu Thị Bình (C.T.B) bị mất 245 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Eximbank. Sau các vụ việc xảy ra, vấn đề định tội danh trong vụ việc này còn nhiều ý kiến và luồng quan điểm trái chiều giữa các cơ quan tố tụng và giới luật sư. Qua đó cho thấy, ranh giới giữa tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hết sức mong manh và còn nhiều vấn đề cần bàn trong khoa học pháp lý hình sự.

1.Nội dung vụ án

 Việc xem xét trách nhiệm của các bên có liên quan và định tội danh trong vụ việc này dưới góc độ khoa học pháp lý hình sự là vấn đề cần bàn. Do đó, trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích các khía cạnh của vụ việc có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh và trách nhiệm của mỗi bên theo quy định của pháp luật hình sự.

Theo nội dung được Báo Công an Tp. Hồ Chí Minh đăng tải ngày 22/02/2018[1], lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, Phó giám đốc ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP.HCM đã làm giả hồ sơ để chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách rồi bỏ trốn ra nước ngoài. Cơ quan CSĐT Bộ Công an phía Nam (C44B) vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Eximbank, Chi nhánh TP.HCM với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 245 tỷ đồng.

Theo đó, bà B. là một đại gia có tiếng trong kinh doanh thuỷ sản bắt đầu giao dịch gửi tiết kiệm tại Chi nhánh TPHCM của Eximbank từ năm 2007. Do số tiền bà B. gửi tại ngân hàng này rất lớn nên được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP và ông Lê Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc chi nhánh TP.HCM là người trực tiếp giao dịch, chăm sóc bà B.

Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà B. để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, trên thực tế ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả (giấy ủy quyền) để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà B. rồi chuyển vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Cách làm này đã giúp ông Hưng chiếm đoạt được số tiền rất lớn của bà B. trong quãng thời gian dài.

Đầu năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà B. tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã “bốc hơi” nên đã làm việc với Tổng Giám đốc Eximbank đồng thời trình báo với Cơ quan CSĐT phía Nam Bộ Công an (C44B).

Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Văn Quyết – Tổng giám đốc Eximbank cũng đã thừa nhận vụ việc ông Hưng lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng là có thật. Ông Quyết cho biết thêm tất cả giao dịch liên quan đều có chữ ký thật của bà B. – người bị mất tiền. Chữ ký trên giấy ủy quyền được cơ quan Công an giám định là chữ ký thật. Còn người được ủy quyền có trường hợp thật, có trường hợp không thật. Hành vi lừa đảo của ông Hưng xảy ra từ năm 2014 đến cuối năm 2016 thì bị phát hiện và ông Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài. Đầu tháng 2-2018, cơ quan Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, khởi tố vụ án và phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Hưng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bà Bùi Thị Thiện Tâm – Giám đốc Eximbank chi nhánh TP. HCM cho biết bà B. là khách hàng VIP nhưng khá kín kẽ, chỉ giao tiếp với ông Hưng vì không muốn người khác biết mình có số tiền lớn.

Qua sự việc nêu trên, một số Luật sư đã có quan điểm khác về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và cấu thành tội phạm với Cơ quan CSĐT – Bộ Công an. Do đó, để làm rõ tội danh và trách nhiệm hình sự, một số vấn đề sẽ được phân tích dưới góc nhìn khoa học pháp lý hình sự.

2. Căn cứ pháp lý về định tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với vụ án này

BLHS năm 2015 quy định tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Điều 174, theo đó, tội danh này có 4 đặc điểm định tội sau đây:

a. Đặc điểm đặc trưng nhất là hành vi gian  dối

Chính từ hành vi gian dối của đối tượng mà người bị hại (là chủ hoặc người quản lý tài sản) đã tin và giao tài sản cho đối tượng. Trong vụ án này, Lê Nguyễn Hưng đã tạo dựng lòng tin đồng thời lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao (Phó Giám đốc Phụ trách mảng Khách hàng cá nhân của Chi nhánh Eximbank Tp. Hồ Chí Minh) để thuyết phục bà B. ký khống trên các tờ giấy chưa có nội dung. Các tờ giấy ký khống được tạo lập và hợp thức hóa thành giấy ủy quyền để các đối tượng thực hiện hành vi rút chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm chưa đến hạn sang các tài khoản tiết kiệm đến hạn tất toán[2]. Sau đó, Lê Nguyễn Hưng lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi rút bớt tiền từ sổ tiết kiệm đến hạn và mở lại sổ tiết kiệm mới, kỳ hạn mới (gọi là quy trình tái tục sổ tiết kiệm) với số tiền thấp hơn số tiền gốc ở sổ tiết kiệm ban đầu mà bà B. đang nắm giữ.

Như vậy, hành vi gian dối của Hưng thể hiện ở việc tạo lập và hợp thức hóa các giấy tờ chưa có nội dung do bà B kí trở thành thành giấy ủy quyền để các đối tượng thực hiện hành vi rút chuyển tiền, gây thiệt hại cho Eximbank TPHCM. “Nạn nhân” bị lừa trong vụ án này là Eximbank, vì hành vi gian dối của Hưng là nhằm vào Eximbank và tài sản lúc này cũng đang do Eximbank quản lý. Và kết quả là dựa vào các giấy tờ giả này (chỉ có chữ kí là thật còn các nội dung là giả) nên Eximbank đã để cho Hưng thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

b.Ý thức chiếm đoạt phải luôn xuất hiện trước hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt.

Trong vụ án này, ý thức chiếm đoạt tài sản của Lê Nguyên Hưng đã nảy sinh trước khi Hưng thực hiện hàng loạt các hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền của ngân hàng. Cụ thể, lợi dụng vị trí công tác và mối quan hệ cá nhân – bà Nguyễn Thị Hồng Lê – dì vợ của Lê Nguyễn Hưng và là bạn của bà B. và đã giới thiệu Hưng với bà B, Hưng đã tạo được niềm tin đối với bà B., từ niềm tin này Hưng đã lập được chứng từ khống về việc bà B. rút tiền và tất toán sổ tiết kiệm. Sau đó, Hưng đã dùng các chứng từ khống này làm cho ngân hàng tin rằng bà B. thực sự muốn rút tiền và tất toán nên đã làm các thủ tục, từ đó Hưng đã chiếm đoạt được tiền của ngân hàng. Hưng chiếm đoạt được tiền còn có yếu tố “giúp sức” là vị trí công tác của Hưng vào thời điểm đó. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề mấu chốt của vụ án mà chỉ là tình tiết tặng khi các Cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đến khung hình phạt.

c.Về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự

Phải thỏa mãn yếu tố tài sản phải có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên.

Trong vụ án này, căn cứ vào số tiền trong các sổ tiết kiệm của bà B., số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng vượt gấp nhiều lần giá trị tài sản cần thiết để định tội ở khung hình phạt cao nhất.

d.Về thời điểm hoàn thành của tội phạm: khi tài sản được trao, chuyển sang người thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Đặc điểm này đã được xác lập khi Lê Nguyễn Hưng hoàn thành việc chuyển số tiền từ tài khoản tiết kiệm của bà B. qua tài khoản của Nguyễn Thị Hồng Lê, Nguyễn Minh Huân và một cá nhân khác chưa rõ danh tính để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của ngân hàng trong sổ tiết kiệm của bà B.

3. Làm rõ quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động tiền gởi

Qua phân tích các diễn biến trong vụ án này, có thể nhận thấy Eximbank đã không tuân thủ quy định về thủ tục tất toán, tái tục sổ tiết kiệm, thiếu trách nhiệm đối với hoạt động kiểm soát an toàn, phòng ngừa rủi ro trong giao dịch thông qua việc không thu hồi sổ tiết kiệm gốc của bà B. nhưng vẫn thực hiện nghiệp vụ tái tục sổ tiết kiệm.

Eximbank – Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đã căn cứ trên giấy ủy quyền để thực hiện các giao dịch tất toán tài khoản tiền gởi chưa đến hạn và tài khoản tiền gởi đến hạn của bà B. Như vậy, Lê Nguyễn Hưng đã sử dụng giấy ủy quyền được xác lập và thực hiện không đúng trình tự, quy định nội bộ tại Eximbank[3] và các văn bản Qui phạm pháp luật điều chỉnh nội dung ủy quyền trong các giao dịch dân sự (giao kết hợp đồng ủy quyền bên ngoài trụ sở giao dịch, hình thức xác lập giao dịch thông qua hợp đồng ủy quyền không đúng quy định tại Điều 119 Bộ Luật dân sự 2015) để thực hiện hành vi gian dối nhằm qua mặt và chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, trong vụ việc này để làm rõ vai trò của các bên trong quá trình tiến hành tố tụng, định tội danh và truy cứu TNHS, chúng ta phải xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên liên quan đối với tài sản bị chiếm đoạt. Trước hết, cần phải nhìn nhận hoạt động “nhận tiền gởi” (hay còn gọi là nghiệp vụ huy động vốn) là một trong những hoạt động chính và xuyên suốt trong hệ thống các ngân hàng thương mại được quy định tại khoản 12, 13 Điều 4 và khoản 1 Điều 98 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Luật các tổ chức tín dụng đã thừa nhận việc Eximbank nhận tiền gởi tiết kiệm từ bà B. trong vụ án này là hợp pháp theo nguyên tắc chuyển giao tài sản có điều kiện nghĩa là bà B. chuyển giao quyền sở hữu tài sản là tiền mặt cho Eximbank trong một thời hạn nhất định thông qua hình thức giao kết hợp đồng dưới dạng lập sổ tiết kiệm[4]. Khi kết thúc thời hạn giao kết trên sổ tiết kiệm, Eximbank phải trả lại tiền vốn gốc và lãi theo thỏa thuận. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 223 BLDS 2015 việc xác lập quyền sở hữu tài sản được quy định: “Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật thì có quyền sở hữu tài sản đó.”

Khoản 7, Điều 6 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 21/05/2014 ban hành “Quy chế về tiền gởi tiết kiệm” quy định: “Thẻ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm về khoản tiền đã gửi tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”

Trong trường hợp này, có thể hiểu thẻ tiết kiệm là giấy tờ chứng minh Quyền sở hữu tài sản mà cụ thể ở đây là khoản tiền gởi tiết kiệm được chuyển giao cho các TCTD kể từ ngày thẻ tiết kiệm được xác lập thông qua việc phát hành các ấn chỉ tiền gởi (thẻ tiết kiệm, sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gởi) tại các TCTD. Điều này có nghĩa khi các TCTD phát hành thẻ tiết kiệm thì việc chuyển giao quyền quản lý tài sản đã được hình thành.

Kết hợp các nội dung đã phân tích nêu trên, có thể xác định Eximbank chính là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo mà Lê Nguyễn Hưng và đồng bọn đã thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản đang thuộc sự quản lý của Eximbank. Đồng thời, việc không đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về quản lý tiền gởi tiết kiệm[5] và kẽ hở trong công tác quản lý cán bộ, kiểm soát rủi ro hoạt động mà Eximbank đã bị Lê Nguyễn Hưng cùng đồng bọn “qua mặt” thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

4. Giải quyết vấn đề xung đột quan điểm về định tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong vụ án

Trái lại, một số luật sư cho rằng vụ án này cần phải được khởi tố với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vì những luận giải như sau: “Khi bà Bình mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng là trở thành khách sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định rõ: “Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định các ngân hàng và tổ chức tín dụng có “Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng”. Bởi vậy, ngân hàng phải có trách nhiệm đối với số tiền gửi của khách.

Ông Hưng chỉ là đại diện của ngân hàng, nhân danh ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ giao dịch với bà Bình. Bà Bình tin tưởng ông Hưng nhưng bà Bình là khách gửi tiền của ngân hàng. Mối quan hệ giữa bà Bình và ngân hàng là giao dịch dân sự nhận tiền gửi. Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và bà Bình hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình. Trách nhiệm hình sự của ông Hưng phải chịu với Nhà nước, độc lập và nằm ngoài quan hệ giữa ngân hàng và bà Bình.”[6]

Điều 175, BLHS 2015 quy định tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” , khoa học pháp lý hình sự thường dựa trên 4 đặc điểm cụ thể như sau để xác định[7]:

a.Về đối tượng bị chiếm đoạt 

Phải là tài sản (được quy định tại Điều 105 BLDS 2015) và tài sản này phải được nắm giữ thông qua con đường  hợp pháp bởi một chủ thể mà sau này chính là đối tượng thực hiện hành vi “chiếm đoạt” trong vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản được chuyển giao một cách hợp pháp từ một chủ thể này sang một chủ thể khác thông qua những phương thức chuyển giao tài sản phổ biến như hợp đồng gởi giữ tài sản, hợp đồng thuê mướn, hợp đồng vay mượn, thỏa thuận chuyển nhượng quyền tài sản có điều kiện vv…

Như vậy, về mặt nguyên tắc thì việc chuyển giao, nắm giữ tài sản ở giai đoạn ban đầu trong tất cả các vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thông qua con đường hợp pháp, đạt được sự đồng thuận giữa bên giao và bên nhận chuyển giao tài sản. Như trong trường hợp mất tiền tại Eximbank, việc bà B. giao tiền cho Eximbank để thực hiện hoạt động gởi giữ tài sản có điều kiện thông qua nghiệp vụ huy động vốn và phát hành thẻ tiết kiệm (như đã đề cập ở phần 1.) là việc chuyển giao tài sản một cách hợp pháp giữa 2 bên.

b.Về ý thức của chủ thể

Ý thức chiếm đoạt phải được hình thành sau khi có tài sản. Điều này phù hợp với diễn biến của vụ án khi ý thức chiếm đoạt của Lê Nguyễn Hưng đã phát sinh sau khi bà B. chuyển giao tài sản cho Eximbank. Tuy nhiên, để làm rõ ý thức của chủ thể thực hiện hành vi chiếm đoạt được hình thành trước hay sau khi có tài sản còn phải làm rõ qua lời khai của đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt, cụ thể là Lê Nguyễn Hưng. Ngoài ra, cơ quan điều tra cần phải căn cứ vào lời khai của những người có liên quan để đối chiếu với lời khai của Lê Nguyễn Hưng và các tình tiết cụ thể liên quan đến vụ án để làm sáng tỏ tính xác thực trong lời khai của các bên. Từ đó mới có thể xác định đầy đủ ý thức của chủ thể thực hiện hành vi chiếm đoạt.

c.Về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự

Phải thỏa mãn một trong hai yếu tố sau:

-Tài sản phải có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên;

-Tài sản dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản (tái phạm hành chính); hoặc đã bị kết án về các tội xâm phạm quyền sở hữu (tái phạm hình sự); hoặc tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của bị hại hoặc gia đình họ.

Trong vụ án này, về điều kiện giá trị tài sản để định tội thì số tiền Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt đã vượt gấp nhiều lần giá trị tài sản cần thiết để định tội ở khung hình phạt cao nhất.

d.Về hành vi

Sau khi nhận được tài sản, đối tượng phải thực hiện một trong các các hành vi “dùng thủ đoạn gian dối” hoặc “bỏ trốn” để chiếm đoạt tài sản đó hoặc “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” hoặc “đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”

Đối với hành vi “bỏ trốn”, BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định hành vi “bỏ trốn” là một trong các tình tiết định tội của tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản  (điểm a khoản 1 Điều 140). BLHS năm 2015 đã tiếp tục kế thừa quy định của BLHS năm 1999, bổ sung lại hành vi “bỏ trốn” là một trong các tình tiết định tội của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 1 Điều 175). Tuy nhiên “bỏ trốn” không phải là một tình tiết đặc định của tội danh này như trong trường hợp mất tiền tại Eximbank không thể xem tình tiết “bỏ trốn” của Lê Nguyên Hưng là tình tiết đặc định của vụ án để tiến hành khởi tố vụ án đặc biệt trong trường hợp hiện nay theo quy định của Luật Cư trú không bắt buộc phải khai báo tạm vắng tại địa phương nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú.

Kết luận

Qua những phân tích trên đây, các tác giả cho rằng, trong vụ án mất tiền tại Eximbank, các hành vi “dùng thủ đoạn gian dối”; “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” “đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” đều không thể dùng làm tình tiết đặc định để tiến hành khởi tố vụ án với tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vì như tác giả đã trình bày tại phần 1 và 2, quan hệ tài sản trong vụ án này chỉ được hình thành giữa hai chủ thể là bà Bình và Eximbank mà Eximbank không thực hiện các hành vi nêu trên. Lê Nguyễn Hưng thực hiện các hành vi, thủ đoạn gian dối kết hợp với việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để điều khiển, chỉ đạo nhân viên, qua mặt Eximbank nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đang được Eximbank quản lý, sử dụng. Do đó, xác định tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong vụ án này là chưa phù hợp, thiếu căn cứ và cơ sở xác định.

Với những nội dung đã viện dẫn nêu trên có thể xác định việc Cơ quan CSĐT – Bộ Công an (C44B) khởi tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án này là phù hợp và khả thi hơn về tội danh và bản chất của vụ án.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả xa gần.

 

[1] Xem tại http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/sep-ngan-hang-chiem-doat-245-ty-dong-cua-khach-roi-bo-tron-ra-nuoc-ngoai_51488.html

[2] Xem quy định về tất toán tiền gởi tiết kiệm đến hạn tại Quyết 1759/2017/EIB/QĐ-TGĐ của Tổng Giám đốc Eximbank ngày 15/03/2017

[3] Xem Quyết định số 1759/2017/EIB/QĐ-TGĐ của Tổng Giám đốc Eximbank ngày 15/03/2017

[4] Theo Điều 5 quy định về mở tài khoản tiền gởi tiết kiệm thông qua in sổ tiết kiệm tại Quyết định số 1759/2017/EIB/QĐ-TGĐ của Tổng Giám đốc Eximbank ngày 15/03/2017, sổ tiết kiệm có đầy đủ thông tin như thể thức của một hợp đồng nhận tiền gởi

[5] Theo quy định tại “Quy chế về tiền gởi tiết kiệm” được ban hành theo Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 21/05/2014.

[6] Xem http://dantri.com.vn/kinh-doanh/vu-mat-245-ty-dong-tai-eximbank-gui-tien-ngan-hang-muon-lay-phai-qua-toa-20180225175947449.htm

[7] Giáo trình Luật hình sự phần các tội phạm, trường Đại học Cảnh sát nhân dân, chủ biên (TS.Phạm Xuân Ngọc), NXB Công an nhân dân, Tr. 170

TS. NGUYỄN TẤT THẮNG (Phó Trưởng khoa Cảnh sát Điều tra, ĐHCSND) NCS. ThS ĐẶNG KIÊN CƯỜNG (NCS ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh).