Bỏ quy định “…do bản án, quyết định bị hủy sửa” là chưa hợp lý

Sau khi nghiên cứu bài viết "Bàn thêm về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp bản án, quyết định bị huỷ, sửa" của tác giả Dương Tấn Thanh và bài viết của một số tác giả khác, tôi đồng tình với quan điểm cho rằng quan điểm bỏ quy định “…do bản án, quyết định bị hủy sửa” là chưa hợp lý.

Có thế hiểu, người thứ ba ngay tình là người được chuyển giao tài sản thông qua một giao dịch dân sự vô hiệu nhưng họ không biết hoặc không buộc phải biết người chuyển giao tài sản cho họ không có quyền định đoạt tài sản đó. Việc giao dịch dân sự vô hiệu không phải lỗi của họ. Chính vì vậy, pháp luật luôn có những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người thứ ba ngay tình. Cụ thể, Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) đã quy định Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu.

Trong đó có các trường hợp: Đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký và tài sản phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp tài sản phải đăng ký nhưng chưa được đăng ký thì khi giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp ngoại lệ đó là: “Người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.

Giao dịch dân sự với người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu trong trường hợp bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị hủy, sửa khi đáp ứng được các điều kiện sau:

Một là, tài sản giao dịch là tài sản phải đăng ký theo quy định của pháp luật nhưng tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hai là, người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc nhận được tài sản thông qua giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ tài sản nhưng sau đó không phải chủ tài sản nữa do bản án quyết định bị hủy, sửa.

Đối với quy định tại Điều 133 BLDS 2015, đối tượng chính là bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Trường hợp này phân biệt với các trường hợp giao dịch dân sự với người thứ ba  bị vô hiệu mà không ngay tình. Do vậy, quan trọng nhất đó là người ba trong giao dịch phải là người ngay tình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS, người thứ ba ngay tình nhận được tài sản khi giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa. Theo đó, người chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình là người được xác lập quyền sở hữu tài sản thông qua bản án, quyết định của cơ quan nhà nước. Nếu bản án, quyết định đó không bị hủy, sửa thì đương nhiên nó vẫn có hiệu lực pháp luật, người chuyển giao tài sản cho người thứ ba vẫn là chủ tài sản và do vậy, giao dịch giữa họ và người thứ ba đương nhiên vẫn có hiệu lực.

Do vậy trong trường hợp này sẽ không phải đặt ra quy định bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình nữa. Vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình chỉ được đặt ra trong trường hợp bản án, quyết định đã xác lập quyền sở hữu tài sản bị hủy, sửa dẫn đến người chuyển giao tài sản cho người thứ ba không còn là chủ tài sản, chính vì vậy nó ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch của người được xác lập quyền sở hữu thông qua bản án, quyết định với người thứ ba ngay tình.

Vì những lẽ trên tôi cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 là phù hợp, không nên bỏ quy định “…do bản án, quyết định bị hủy, sửa”. Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Phương Anh

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)-