Các đối tượng B, T, P, G, C, D, H, K và Y phạm vào tội Đánh bạc

Sau khi nghiên cứu bài viết “Các bị cáo có phạm tội Đánh bạc không?” của tác giả Th.S Đỗ Ngọc Bình và Th.S Chu Mạnh Hà, tôi đồng ý với quan điểm của các tác giả khi xác định các đối tượng A, B, T, P, G, C, D, H, K và Y phạm vào tội Đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS.

Để làm rõ vấn đề này, trước hết chúng ta cần phải xác định số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của những người cùng tham gia đánh bạc với nhau sẽ được tính như thế nào, cụ thể như sau:

Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (gọi tắt là Nghị quyết số 01/2010) quy định:  “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm: a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; b)Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”.

Đồng thời, điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 cũng quy định: “Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này”.

Căn cứ theo những quy định này, có thể thấy trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của từng người sẽ chính là tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của tất cả những người cùng tham gia đánh bạc bao gồm tiền, hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; tiền, hiện vật thu giữ được trong người của các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc và tiền, hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc. Bên cạnh đó, khi tính số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của từng người tham gia đánh bạc thì cần phải chú ý 02 vấn đề sau:

Thứ nhất, trường hợp nhiều người đang cùng tham gia đánh bạc với nhau mà có người dừng lại và không tiếp tục tham gia nữa thì số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của người dừng lại sẽ chính là tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của tất cả những người cùng tham gia đánh bạc tại thời điểm người đó dừng lại. Nếu sau khi người đó dừng lại và có thêm những người khác tham gia, đồng thời những người khác này không liên quan gì đến người dừng lại như không bị người dừng lại rủ rê, lôi kéo, cho mượn tiền để tham gia đánh bạc… thì người dừng lại không phải chịu trách nhiệm đối với số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của những người tham gia sau. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về đồng phạm vì người tham gia đánh bạc sau và người dừng lại trước đó không phải là đồng phạm của nhau.

Thứ hai, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 nêu trên, chúng ta thấy tiền, hiện vật dùng đánh bạc không chỉ là tiền, hiện vật dùng đánh bạc thu giữ trực tiếp tại chiếu bạc mà còn có thể là tiền, hiện vật thu giữ ở những nơi khác như trong người của các con bạc, trong túi xách, phương tiện của các con bạc… mà có đủ căn cứ xác định đã dùng hoặc sẽ dùng để đánh bạc và những người cùng tham gia đánh bạc đều phải chịu trách nhiệm chung đối với tất cả số tiền, hiện vật dùng đánh bạc này.

Đối với tiền, hiện vật dùng đánh bạc thu giữ trực tiếp trên chiếu bạc thì những người cùng tham gia đánh bạc có thể biết rõ số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của mỗi người là bao nhiêu. Tuy nhiên, đối với tiền, hiện vật dùng đánh bạc ở những nơi khác thì những người cùng tham gia đánh bạc khó có thể biết rõ số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của mỗi người là bao nhiêu nếu như họ không trực tiếp kiểm tra hoặc từng người không công khai cụ thể, rõ ràng.

Như vậy, khi xác định số tiền, hiện vật dùng đánh bạc, pháp luật không bắt buộc những người cùng tham gia đánh bạc phải biết rõ số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của từng người cụ thể là bao nhiêu mà chỉ cần chứng minh được rằng họ cùng tham gia đánh bạc với nhau, có dùng tiền, hiện vật để đánh bạc và những khoản tiền, hiện vật nào đã dùng hoặc sẽ dùng để đánh bạc. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lý của những người tham gia đánh bạc vì họ luôn mong muốn lấy được thật nhiều tiền, hiện vật nên thường sẽ không quan tâm đến số tiền, hiện vật dùng đánh bạc của người khác và thậm chí, còn mong muốn những người khác mang thêm thật nhiều tiền, hiện vật để tham gia đánh bạc mà không bị giới hạn về số lượng.

 Mặc dù hướng dẫn cho BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã hết hiệu lực thi hành, tức Nghị quyết số 01/2010 cũng đã hết hiệu lực thi hành nhưng những nội dung hướng dẫn được nêu trong nghị quyết vẫn còn phù hợp với BLHS năm 2015 cũng như lý luận khoa học Luật Hình sự và chưa có văn bản mới nào thay thế nên có thể vận dụng tinh thần của những nội dung hướng dẫn này để giải quyết. Từ đó, quay trở lại tình huống, chúng ta thấy:

Ban đầu, A, B, T và P đánh bạc cùng với nhau, trong đó T sử dụng 3.450.000 đồng, B sử dụng 400.000 đồng, A sử dụng 40.000 đồng để đánh bạc và chưa xác định được số tiền đã sử dụng để đánh bạc của P nên tổng số tiền mà các đối tượng A, B, T và P đã dùng để đánh bạc là 3.890.000 đồng. Đánh được khoảng 60 phút thì A và B thua hết tiền nên đã cầm cố xe mô tô cho T để vay 2.000.000 nhằm đánh bạc tiếp. Mặc dù T sử dụng số tiền ban đầu có sẵn và số tiền thắng được trong quá trình đánh bạc để cho A và B vay nhưng A và B lại tiếp tục sử dụng 2.000.000 đồng đã vay để đánh bạc nên có thể thấy:

- Nếu giả sử A, B và P đểu thua hết tiền thì số tiền mà T có được sẽ là 5.890.000 đồng, bao gồm 3.890.000 đồng là toàn bộ số tiền mà A, B, P, T có ban đầu và 2.000.000 đồng là tiền mà A và B đã vay của T nhưng chưa trả. Rõ ràng, những số tiền này là tiền đã dùng để đánh bạc.

- Xét về thực tế thì số tiền 2.000.000 đồng mà A và B đã vay của T nằm trong số tiền dùng đánh bạc 3.890.000 đồng ban đầu. Tuy nhiên, xét về bản chất thì số tiền 2.000.000 đồng này lại đại diện cho một khoản tiền khác có trị giá là 2.000.000 đồng của A, B và khoản tiền này đã được dùng để đánh bạc. Vì chưa có điều kiện lấy khoản tiền đó để sử dụng nên A, B đã phải vay của T và A, B có trách nhiệm dùng khoản tiền này để trả nợ cho T. Khoản tiền này có thể ở bất cứ nơi nào mà A và B xác định là sẽ dùng để trả lại số tiền 2.000.000 đồng đã vay của T như ở nhà, trong tủ quần áo, két sắt… nên đây chính là tiền ở nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã dùng đánh bạc theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010. Do đó, cần xác định khoản tiền có trị giá 2.000.000 đồng được đại diện thông qua số tiền 2.000.000 đồng mà A và B đã vay của T để đánh bạc là tiền dùng đánh bạc và đây là công cụ phạm tội nên sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 47 BLHS.

Vì vậy, số tiền dùng đánh bạc của A, B, T và P khi này sẽ tăng thêm 2.000.000 đồng, cụ thể là 3.890.000 đồng + 2.000.000 đồng = 5.890.000 đồng.

Sau đó, G đến, sử dụng 200.000 đồng để đánh bạc cùng và thua hết nên số tiền dùng đánh bạc của A, B, T, P và G là 6.090.000 đồng. Khi G về, A, B, T và P vẫn tiếp tục đánh bạc với nhau và mỗi khi hết tiền, A, B lại tiếp tục vay của T thêm 04 lần nữa với tổng số tiền là 7.000.000 đồng. Số tiền 7.000.000 đồng này cũng là tiền T lấy từ số tiền ban đầu có sẵn và số tiền thắng được trong quá trình đánh bạc để đưa cho A và B vay nên số tiền này cũng phải được tính vào số tiền mà A, B, T và P dùng để đánh bạc. Vì vậy, số tiền mà A, B, T và P dùng để đánh bạc khi này là 13.090.000 đồng.

Theo tình huống, những người đến tiếp theo là C sử dụng 200.000 đồng, D sử dụng 160.000 đồng, H sử dụng 350.000 đồng, K sử dụng 200.000 đồng và Y sử dụng 180.000 đồng để đánh bạc. Đồng thời, các đối tượng đến trước đều thua và nghỉ khi các đối tượng sau đến và A, B, T và P là những người cùng đánh bạc với nhau đến cuối cùng nên số tiền dùng đánh bạc của từng người tại thời điểm kết thúc việc đánh bạc sẽ được xác định như sau:

- A, B, T và P đều có số tiền dùng đánh bạc như nhau là 13.090.000 đồng + 200.000 đồng + 160.000 đồng + 350.000 đồng + 200.000 đồng + 180.000 đồng = 14.180.000 đồng.

- G có số tiền dùng đánh bạc là 6.090.000 đồng.

- C có số tiền dùng đánh bạc là 13.090.000 đồng + 200.000 đồng = 13.290.000 đồng.

- D có số tiền dùng đánh bạc là 13.090.000 đồng + 200.000 đồng + 160.000 đồng = 13.450.000 đồng.

- H có số tiền dùng đánh bạc là 13.090.000 đồng + 200.000 đồng + 160.000 đồng + 350.000 đồng = 13.800.000 đồng.

- K có số tiền dùng đánh bạc là 13.090.000 đồng + 200.000 đồng + 160.000 đồng + 350.000 đồng + 200.000 đồng = 14.000.000 đồng.

- Vì Y là người đến tham gia đánh bạc nhưng về trước A, B, T và P, đồng thời sau khi Y về thì không còn ai khác đến tham gia cũng như A và B không tiếp tục vay tiền của T nữa nên số tiền dùng đánh bạc của Y cũng giống với số tiền dùng đánh bạc của A, B, T và P, tức Y có số tiền dùng đánh bạc là 14.180.000 đồng.

Từ đó, căn cứ vào số tiền mà các đối tượng đã dùng đánh bạc, có thể thấy A, B, T, P, G, C, D, H, K và Y phải phạm vào tội Đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

 

Một vụ đánh bạc bị bắt tại Phú Yên - Ảnh: DDK

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)