Cách ghi biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ trong tố tụng dân sự

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ là một quy định mới của BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, thực tiễn thì vẫn còn cách ghi biên bản này khác nhau, cho thấy sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ là một quy định mới của BLTTDS năm 2015. Thông qua phiên họp này tất cả các tài liệu, chứng cứ (trừ tài liệu, chứng cứ thuộc bí mật nhà nước) có trong hồ sơ vụ án bao gồm tài liệu chứng cứ do đương sự giao nộp, do Tòa án thu thập đều được công khai. Cũng thông qua phiên họp này Tòa án sẽ kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ giao nhận chứng cứ lẫn nhau giữa các đương sự, cũng như là để đương sự được tiếp cận các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Mặc dù nội dung chính của biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ đã được quy định tại Điều 211 BLTTDS năm 2015. Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng ban hành mẫu biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ. Tuy nhiên, thực tiễn thì vẫn còn cách ghi biên bản này khác nhau, cho thấy sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật.

1. Quy định về biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ

Tại khoản 2 Điều 211 của BLTTDS năm 2015 có quy định như sau:

“2. Biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm tiến hành phiên họp;
b) Địa điểm tiến hành phiên họp;
c) Thành phần tham gia phiên họp;
d) Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 210 của Bộ luật này;
đ) Các nội dung khác;
e) Quyết định của Tòa án về việc chấp nhận, không chấp nhận các yêu cầu của đương sự.”
Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã ban hành Mẫu số 35-DS (Mẫu Biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ) kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017. Theo hướng dẫn sử dụng mẫu 35-DS, mục số (4) là “Ý kiến của đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự” được ghi như sau: “Ghi đầy đủ nội dung trình bày của các đương sự về những vấn đề quy định tại khoản 2 Điều 210 của Bộ luật tố tụng dân sự”.

Tại khoản 2 Điều 210 của BLTTDS năm 2015 có quy định như sau:

“2. Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:

a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;
b) Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;
c) Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
d) Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.”

Như vậy, trong trong phần “KIỂM TRA VIỆC GIAO NỘP, TIẾP CẬN CÔNG KHAI CHỨNG CỨ” của biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ, ngoài việc ghi những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được được Thẩm phán công bố thì còn phải thể việc những nội dung mà Thẩm phán hỏi đương sự quy định từ điểm a đến điểm d khoản 2 Điều 210 BLTTDS năm 2015 và các yêu cầu khác mà đương sự thấy cần thiết.

2. Những cách ghi biên bản khác nhau

Mặc dù Mẫu biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ đã được hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, khi cụ thể hòa thành biên bản lưu vào hồ sơ vụ án thì hiện nay vẫn còn nhiều cách ghi khác nhau. Tác giả xin nêu hai cách ghi tại mục hướng dẫn số (4) của mẫu biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trong thực tế hiện nay.

Ví dụ: Một vụ án có đương sự là nguyên đơn, bị đơn (không có yêu cầu phản tố), thì hai cách ghi như sau:

Cách ghi thứ nhất: Ghi ý kiến của các đương sự theo từng nhóm vấn đề mà Thẩm phán phải hỏi đương sự được quy định từ điểm a đến điểm d khoản 2 Điều 210 của BLTTDS năm 2015. Cụ thể như sau:

“ BIÊN BẢN VỀ KIỂM TRA VIỆC GIAO NỘP, TIẾP CẬN CÔNG KHAI CHỨNG CỨ

1. Thẩm phán công bố tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

2. Ý kiến của đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự
a) Thẩm phán hỏi nguyên đơn về yêu cầu và phạm vi khởi kiện của nguyên đơn, có sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện không; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;

+ Nguyên đơn trình bày: …

– Thẩm phán hỏi bị đơn về yêu cầu phản tố, những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;

+ Bị đơn trình bày: …

b) Thẩm phán hỏi nguyên đơn, bị đơn về tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ của mình (nếu có) cho đương sự khác trong vụ án.
+ Nguyên đơn trình bày: ….
+ Bị đơn trình bày: …

c) Thẩm phán hỏi nguyên đơn, bị đơn có bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
+ Nguyên đơn trình bày: ……
+ Bị đơn trình bày: ….”

Cách ghi thứ hai như sau: Ghi ý kiến của từng đương sự về tất cả vấn đề mà Thẩm phán phải hỏi đương sự được quy định từ điểm a đến điểm d khoản 2 Điều 210 của BLTTDS năm 2015. Cụ thể như sau:

“ BIÊN BẢN VỀ KIỂM TRA VIỆC GIAO NỘP, TIẾP CẬN CÔNG KHAI CHỨNG CỨ

1. Thẩm phán công bố tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

2. Ý kiến của đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự

a) Thẩm phán hỏi nguyên đơn về: yêu cầu và phạm vi khởi kiện của nguyên đơn, có sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện không; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; về tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ của mình (nếu có) cho đương sự khác trong vụ án; có bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; các vấn đề khác mà nguyên đơn thấy cần thiết.

– Nguyên đơn trình bày lần lượt các vấn đề Thẩm phán hỏi: …

b) Thẩm phán hỏi bị đơn về: yêu cầu phản tố (nếu bị đơn có yêu cầu phản tố thì hỏi về phạm vi yêu cầu phản tố của bị đơn, có sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu phản tố không); những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; về tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ của mình (nếu có) cho đương sự khác trong vụ án; có bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; các vấn đề khác mà nguyên đơn thấy cần thiết.

– Nguyên đơn trình bày lần lượt các vấn đề Thẩm phán hỏi: ….”.

Biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ dù ghi theo cách thứ nhất hay cách thứ hai đều thể hiện được nội dung Thẩm phán phải hỏi đương sự những vấn đề được quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 210 của BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề tác giả muốn đặt ra ở đây là với hai cách ghi biên bản khác nhau như vậy phản ánh cách điều hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ của Thẩm phán là khác nhau. Đồng thời đây là sự không thống nhất về cách hiểu và cách vận dụng pháp luật của Thẩm phán hiện nay. Theo quan điểm tác giả, một khi đã là cùng một quy định và cùng một mẫu về biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ thì nhất thiết phải có cùng một cách ghi biên bản. Có như vậy mới tạo được được sự thống nhất trong áp dụng pháp luật. Vấn đề này cần được TANDTC tập huấn hoặc hướng dẫn chi tiết hơn khi có điều kiện.

Ảnh minh họa của TAND tỉnh Gia Lai

NGUYỄN THANH PHƯƠNG (Văn phòng TANDTC)