Chia tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty MN cho ông T là trái pháp luật

Bài viết “Đòi tài sản hay tranh chấp quyền sở hữu?” của tác giả Nguyễn Thị Hoa đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ( https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/doi-tai-san-hay-tranh-chap-quyen-so-huu) đặt ra nhiều vấn đề. Tác giả xin trao đổi quan điểm về những nội dung đó.

 

Trong bài viết này, tác giả xin luận bàn về một số vấn đề. Trước hết là việc xác định quan hệ pháp luật, theo tác giả, ở đây rõ ràng giữa các bên đang có tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, “kiện đòi tài sản” chỉ là yêu cầu cụ thể của nguyên đơn chứ không phải là quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Khoản 3, khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

3. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm. 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Với theo quy định nêu trên thì việc xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự  nêu được xác định như sau: Ông T – người khởi kiện là nguyên đơn; Công ty MN – “người bị kiện” là bị đơn và bà N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Về xử lý vụ án, Điều 11 Luật Hôn nhân gia đình năm 2010 quy định về đăng ký kết hôn như sau:

“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này.

Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý

Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn”.

  Các điểm b, c khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân gia đình quy định về việc xử lý đối với các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn cũng quy định:

b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 1 năm 1987 đến ngày 01 tháng 1 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 1 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Từ sau ngày 01 tháng 1 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng; 

c) Kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.”

Có thể thấy, quy định của Điều 11 Luật HNGĐ năm 2000 và Điều 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 thể hiện thái độ rất rõ ràng của Nhà nước đối với những trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng, từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ sau ngày 01/01/2003, nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng chỉ được pháp luật công nhận là vợ chồng khi họ đăng ký kết hôn. Trường hợp không đăng ký kết hôn, khi có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận là vợ chồng và nếu có tranh chấp về con, tài sản thì áp dụng khoản 2, khoản 3 Điều 17 Luật HNGĐ năm 2000 để giải quyết.

Như vậy, những người theo quan điểm thứ nhất đã đúng khi xác định tại thời điểm ông T nộp số tiền trị giá gần 1,5 tỷ đồng  thuê/ mua  phần đất 848,5 m2 trên đây của Công ty H (thể hiện qua 5 phiếu thu) là tài sản riêng của ông T mặc dù ông T và bà N đang chung sống với nhau. Tuy nhiên, họ đã sai khi xác định số tiền ông T nộp là tài sản riêng của ông T theo khoản 3 Điều 17 Luật HNGĐ năm 2000 để xác định giá trị chuyển giao hạ tầng 848,5 m2 và giá trị nhà 6 tầng thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Công ty MN nêu trên là tài sản của ông T để chia cho ông T bằng hiện vật.

Những người theo quan điểm thứ hai cho rằng đây là quan hệ tranh chấp quyền sở hữu về tài sản giữa ông T và bà N đối với số tiền 1,5 tỷ đồng mà bà N góp vốn vào Công ty MN vì ông T không phải là thành viên góp vốn của Công ty MN vì vậy ông T không có quyền sở hữu một nửa tài sản của Công ty MN là có căn cứ.

Tác giả cho rằng, theo quy định tại Điều 11 và các điểm b, c khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 35/2010/QH10 thì tại thời điểm ông T nộp tiền, ông T và bà N không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Tại thời điểm nộp tiền (năm 2001), ông T và bà N chưa đăng ký kết hôn nhưng cần phải xem xét cả quá trình. Đó là tháng 8/2003 ông T và bà N đăng ký kết hôn. Quan hệ vợ chồng được xác lập được pháp luật bảo hộ kể từ khi ông T và bà N đăng ký kết hôn. Số tiền này đã được góp vào Công ty MN do bà N trực tiếp tham gia quản lý kinh doanh từ năm 2001 đến nay.

Theo tác giả, trong trường hợp này cần xác định số tiền 1,5 tỷ đầu tư ban đầu là tài sản riêng của ông T; xác định hạ tầng cơ sở diện tích 848,5 m2 và ngôi nhà 6 tầng thuộc quyền sở hữu của Công ty MN. Tuy nhiên, cần định giá hạ tầng cơ sở diện tích 848,5 m2 và ngôi nhà 6 tầng để xác định giá trị tại thời điểm hiện tại. Giá trị hiện tại của ½ cơ sở hạ tầng diện tích tầng diện tích 848,5 m2 và ½  giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng, sau khi trừ đi 1,5 tỷ (được xác định là tài sản riêng của ông T), phần giá trị chênh lệch này được xác định là lợi nhuận chung của ông T và bà N và được chia cho ông T và bà N.

Khi giải quyết vụ án, Tòa án có thể tham khảo Án lệ số 02/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án thông qua ngày 06/4/2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao[i]. Ở đây, tác giả nhấn mạnh từ “tham khảo” chứ không phải là áp dụng.

Đây là một vụ án khá phức tạp, cần phải được làm rõ và xem xét một cách toàn diện để bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự trong vụ án như hạ tầng hạ tầng diện tích 848,5 m2 và ngôi nhà 6 tầng được sử dụng kinh doanh như thế nào để tính phần công sức quản lý, sử dụng tài sản của bà N khi chia phần giá trị chênh lệch nêu trên. Việc Tòa án chia ½ hạ tầng cơ sở diện tích 848,5 m2 và ½ ngôi nhà 6 tầng – thuộc quyền sở hữu của Công ty MN cho ông T là không có cơ sở và trái pháp luật.

[i] Phần “Nội dung Án lệ” tại Án lệ số 02/2016/AL như sau:  “Tuy bà Thảnh là người bỏ 21,99 chỉ vàng để chuyển nhượng đất (tương đương khoảng 27.047.700 đồng). Nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên ông Tám và sau khi nhận chuyển nhượng ông Tám quản lý đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Như vậy, lẽ ra phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia).”

 

 

NGỌC TRÂM