Chiếm lại nhà vừa bị cưỡng chế thi hành án là công nhiên chiếm đoạt tài sản

Ngày 9/4/2020 Tạp chí đăng bài “Chiếm lại nhà vừa bị cưỡng chế thi hành án, tội gì?” để bạn đọc cùng trao đổi, quan điểm cá nhân tác giả cho rằng bà Nguyễn Thị Đ phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS.

Để xác định Nguyễn Thị Đ có phạm tội hay không và nếu có thì phạm tội gì thì phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm của các tội phạm nêu trên. Trước hết là tội không chấp hành án. Theo quy định tại Điều 380 BLHS, thì tội không chấp hành án được quy định như sau: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm,  thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Dấu hiệu khách quan của tội không chấp hành án là không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Nghĩa là người có nghĩa vụ chấp hành bản án chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật mà còn vi phạm. Đó là quá trình không chấp hành bản án kéo dài từ khi có quyết định thi hành án cho đến sau thời điểm bị cưỡng chế.

Trong vụ án nêu trên, bà Nguyễn Thị Đ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc chuyển giao nhà và đất cho các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất. Trong quá trình cưỡng chế bà Nguyễn Thị Đ đã thi hành án bằng cách dọn toàn bộ tài sản ra khỏi căn nhà, khoá cửa và giao nhà cho các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất. Đội thi hành án cũng đã tổ chức bảo vệ cho hai gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất xây dựng bức tường gạch dài 13m, cao 0,7m để ngăn cách phần đất mà các bà được hưởng thừa kế với đất của bà Nguyễn Thị Đ. Như vậy, việc cưỡng chế thi hành án đối với bà Nguyễn Thị Đ đã xong và không phụ thuộc vào việc bà Nguyễn Thị Đ có ký hay không ký vào biên bản cưỡng chế thi hành án.

Kể từ thời điểm xây xong bức tường gạch, bà Nguyễn Thị Đ không có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với khối tài sản đã giao cho các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất  mặc dù các bà này chưa sử dụng. Cho nên, không thể nói hành vi của bà Nguyễn Thị Đ (cùng một số người dùng xẻng, xà beng cậy phá bức tường mới xây; phá khoá nhà và mang đồ đạc vào nhà rồi ở luôn tại ngôi nhà đó) là hành vi không chấp hành bản sán dân sự số 191/2019/DS-PT ngày 20/10/2019 của Toà án nhân dân tỉnh H. Hành vi đó có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản sau khi đã bị cưỡng chế chấp hành xong bản án có hiệu lực pháp luật. Do vậy, không thể kết luận bà Nguyễn Thị Đ phạm tội không chấp hành án theo quy định tại Điều 380 BLHS.

Về tội huỷ hoại tài sản, thì Điều 178 BLHS quy định: “Người nào huỷ hoại tài sản là hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2.000.000đ đến dưới 50.000.000đ hoặc dưới 50.000.000đ nhưng thuộc một trong các trường hợp… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Trong đó huỷ hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất đi không thể khôi phục lại được; và hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm mất đi giá trị sử dụng của tài sản mặc dù tài sản đó vẫn còn tồn tại. Hành vi của bà Nguyễn Thị Đ (cùng một số người dùng xẻng, xà beng cậy phá bức tường mới xây có giá trị 2.500.000đ) là hành vi phá huỷ tài sản gây thiệt hại hơn 2.000.000đ. Nhưng mục đích của hành vi đó là chiếm đoạt toàn bộ ngôi nhà, kiốt và diện tích đất của các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất. Thiệt hại 2.500.000đ chỉ là hậu quả của hành vi chiếm đoạt toàn bộ ngôi nhà, kiốt và diện tích đất. Cho nên, theo chúng tôi hành vi này không cấu thành tội phạm độc lập. Nghĩa là bà Nguyễn Thị Đ không phạm tội “Huỷ hoại tài sản” theo quy định tại Điều 178 BLHS.

Để khẳng định bà Nguyễn Thị Đ có phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hay không, theo chúng tôi phải so sánh hành vi của bà Nguyễn Thị Đ với các dấu hiệu cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 172 BLHS, thì tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định như sau: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000đ đến dưới 50.000.000đ hoặc dưới 50.000.000đ nhưng thuộc một trong các trường hợp… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Nghiên cứu các yếu tố cấu thành của tộ phạm này, thấy: Khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là quyền sở hữu của người khác đối với tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản. Xét về mặt sở hữu, thì tài sản đó phải thuộc quyền sở hữu của người khác. Người khác ở đây không bao gồm người thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Đó là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công nhiên trong khi chủ tài sản do hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản, bảo vệ được tài sản của mình. Khi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, kẻ phạm tội biết tài sản đó đang ở trong tình trạng không có người bảo quản, trông coi. Người phạm tội không cần và không có ý định dùng bất cứ thủ đoạn nào đối phó với người có trách nhiệm về tài sản; không cần dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần chủ tài sản; và cũng không cần chạy trốn, nhanh chóng tẩu thoát… Người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000đ trở lên. Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2.000.000đ thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong 04 trường hợp theo các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 172 BLHS.

Đối chiếu với hành vi của bà Nguyễn Thị Đ, thì: Tài sản bị chiếm đoạt ở đây là thửa đất 100m2 trên đó có một nhà cấp 4, sân và một kiốt. Tài sản này đã thuộc quyền sở hữu của các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất. Bởi vì, việc cưỡng chế thi hành án đối với bà Nguyễn Thị Đ đã xong. Kể từ thời điểm xây xong bức tường gạch ngăn cách phần đất mà các bà được hưởng thừa kế với đất của mình, bà Nguyễn Thị Đ không có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với khối tài sản đã giao cho các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất  mặc dù các bà này chưa sử dụng. Nhưng bà Nguyễn Thị Đ đã cùng một số người dùng xẻng, xà beng cậy phá bức tường mới xây; phá khoá nhà và mang đồ đạc vào nhà rồi ở luôn tại ngôi nhà đó. Bà Nguyễn Thị Đ đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất. Khi được UBNFD xã lập biên bản (nhiều lần) yêu cầu ra khỏi căn nhà thì bà Nguyễn Thị Đ lại đề nghị cho mình được ở lại vì lý do gia đình đông người và khi nào các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất  đến sử dụng sẽ trả lại nhưng lại cho người khác sử dụng kiốt để kinh doanh. Điều đó chứng tỏ sự chây ỳ, cố tình của bà Nguyễn Thị Đ trong việc chiếm đoạt tài sản của người khác.

Từ những phân tích nêu trên, theo chúng tôi hành vi của bà Nguyễn Thị Đ đã đủ yếu tố cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS.

Trên đây là quan điểm giải quyết vụ việc, rất mong nhận được sự trao đổi cùng bạn đọc và đồng nghiệp./.

 

Cưỡng chế thi hành án dân sự – Ảnh minh họa của PLO

NGUYỄN XUÂN KỲ ( Tòa án quân sự Quân khu 5)