Chiếm lại nhà vừa bị cưỡng chế thi hành án là phạm tội sử dụng trái phép tài sản

Ngày 4/9, Tạp chí đăng bài “Chiếm lại nhà vừa bị cưỡng chế thi hành án, tội gì?” của Nguyễn Xuân Kỳ và bài ý kiến trao đổi của chính tác giả sau đó, cho rằng bà Nguyễn Thị Đ phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS. Tôi có quan điểm khác.

Theo quan điểm của cá nhân tôi thì bà Nguyễn Thị Đ không phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” mà bà Nguyễn Thị Đ chỉ có thể phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 177 BLHS. Để chứng minh cho quan điểm của mình tác giả xin đưa ra những luận cứ và lập luận như sau:

Theo bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ, trong quá trình thi hành án thì CCTHADS đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án buộc bà Nguyễn Thị Đ giao tài sản cho người được thi hành án và bà Đ đã dọn toàn bộ tài sản ra khỏi căn nhà, khóa cửa, giao nhà cho người được thi hành án theo đúng nội dung yêu cầu của CCTHADS, dù bà Đ không đồng ý ký tên vào biên bản cưỡng chế. Bên cạnh đó, gia đình của người được thi hành án cũng đã xây dựng xong tường gạch để ngăn cách phần đất nên việc giao tài sản hưởng thừa kế cho người được thi hành án theo bản án số 191/2019/DS-PT ngày 20/10/2019 của TAND tỉnh H đã được thực hiện xong, nghĩa là giai đoạn thi hành án dân sự kết thúc. Nên hành vi sau đó của bà Nguyễn Thị Đ là hành vi độc lập với quá trình thi hành án trước đó. Do đó, bà Nguyễn Thị Đ không phạm tội “không chấp hành án” theo quy định tại Điều 380 của BLHS vì quá trình thi hành án đã kết thúc.

Đối với quan điểm cho rằng bà Nguyễn Thị Đ phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 của BLHS, tác giả cho rằng chưa phù hợp vì xét về mặc ý thức phạm tội của bà Nguyễn Thị Đ thì bà không có ý thức chiếm đoạt tài sản vì tài sản này là bất động sản và thuộc quyền sở hữu của người được thi hành án theo phán quyết của Tòa án nên trên thực tiễn là bà Đ không thể chiếm đoạt được mà bà chỉ có ý thức sử dụng trái phép tài sản. Điều này, được thể hiện “Khi được UBND xã lập biên bản (nhiều lần) yêu cầu ra khỏi căn nhà thì bà Nguyễn Thị Đ lại đề nghị cho mình được ở lại vì lý do gia đình đông người và khi nào các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất  đến sử dụng sẽ trả lại nhưng lại cho người khác sử dụng kiốt để kinh doanh.” Mục đích của bà Đ là chỉ sử dụng tài sản này để ở và cho người khác sử dụng ki ốt để kinh doanh, thu lợi ích vật chất từ việc sử dụng tài sản trái phép này. Cho nên, bà Nguyễn Thị Đ đã có đầy đủ yếu tố cấu thành của tội “Sử dụng trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 177 của BLHS.

Về tội huỷ hoại tài sản, tác giả thống nhất với quan điểm của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ cho rằng: bà Nguyễn Thị Đ không phạm tội “Hủy hoại tài sản” theo Điều 178 của BLHS vì mục đích của hành vi đó là tiền đề, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội sau đó của bà Nguyễn Thị Đ nên không cấu thành một tội độc lập, nghĩa là không phạm tội.

Trên đây là quan điểm giải quyết vụ việc, rất mong nhận được sự trao đổi cùng bạn đọc và đồng nghiệp./.

 

TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng trái phép tài sản” – Ảnh: Huỳnh Sử/ TTXVN

HUỲNH MINH KHÁNH (TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang)