Có triệu tập bị cáo là đồng phạm để làm chứng tại phiên tòa phúc thẩm không?

Khi xét xử các vụ án hình sự thì việc triệu tập những người biết về vụ án là rất quan trọng nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện và đầy đủ tuy nhiên trong thực tiễn thì việc triệu tập những người tham gia tố tụng vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau.

Ngày 06/7/2018 Nguyễn Văn A, Trần Văn B, Hoàng Đình G, Đặng Quốc K đang thực hiện hành vi đánh bạc với hình thức xóc đĩa thì bị Công an huyện L, tỉnh Y bắt quả tang số tiền thu trên chiếu bạc là 12.000.000 đồng.

Ngày 12/9/2018 Tòa án nhân dân huyện L đã đưa vụ án ra xét xử tuyên các bị cáo về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 321 BLHS, tuyên phạt Nguyễn văn A,  Trần Văn B, Hoàng Đình G số tiền 8.000.000 đồng, riêng Đặng Quốc K xử phạt 6 tháng tù. Sau đó K kháng cáo vì cho rằng hình phạt đã tuyên của Tòa án cấp sơ thẩm là nặng, ngày 06/11/2018 Tòa án nhân dân tỉnh Y mở phiên tòa phúc thẩm và triệu tập Nguyễn Văn A, Trần Văn B, Hoàng Đình G với tư cách là người làm chứng, xung quanh việc triệu tập các bị cáo trong vụ án đồng đồng phạm ở tòa án cấp sơ thẩm để làm chứng trong vụ án ở Tòa cấp phúc thẩm hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập Nguyễn văn A, Trần Văn B, Hoàng Đình G với tư cách là người làm chứng là phù hợp bởi theo quy định tại Điều 66 BLTTHS Người làm chứng:

“1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của người bị buộc tội;

b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.”

Như vậy, Nguyễn văn A, Trần Văn B, Hoàng Đình G là những người biết được những tình tiết liên quan đến nội dung vụ án và học không thuộc trường hợp không được làm chứng như tại khoản 2 nên việc triệu tập họ là hoàn toàn phù hợp.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Việc Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập Nguyễn văn A, Trần Văn B, Hoàng Đình G với tư cách là người làm chứng là không phù hợp, bởi theo quy định tại Điều 17 BLHS thì đồng phạm:“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.” Như vậy Nguyễn văn A, Trần Văn B, Hoàng Đình G là đồng phạm trong vụ án đánh bạc với Đặng Quốc K, những người này cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội mặc dù những người này không có kháng cáo nhưng về cơ bản tính chất của vụ án không thay đổi, những người này tuy biết về tình tiết vụ án nhưng việc triệu tập những người này với tư cách là người làm chứng tại phiên tòa phúc thẩm là không phù hợp bởi sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, trung thực trong giải quyết vụ án. Mặc dù hiện nay chưa có quy định việc bị cáo đồng phạm bị xét xử tại tòa sơ thẩm có thể được triệu tập với tư cách là người làm chứng tại Tòa cấp phúc thẩm hay không, tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy chỉ có thể triệu tập khi họ không là đồng phạm trong vụ án, trong trường hợp vụ án đồng phạm chỉ có thể làm giấy mời để mời những người này đến phiên tòa để khai báo những nội dung mà họ biết trong vụ án mới phù hợp.

Trên đây là những ý kiến khác nhau trong việc triệu tập các bị cáo là đồng phạm trong phiên tòa sơ thẩm để làm chứng tại tòa cấp phúc thẩm, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc.

TRẦN VĂN HÙNG