Còn thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính hay không?

Hiện nay, các văn bản hướng dẫn Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chưa đầy đủ, trên thực tế có nhiều trường hợp không có văn bản hướng dẫn, nên gây khó khăn trong việc giải quyết các vụ án hành chính, đặc biệt là việc xác định thời hiệu khởi kiện.

Ngày 19/7/2007, UBND huyện Đ ban hành quyết định thu hồi đất của 141 hộ gia đình, cá nhân, có danh sách kèm theo, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn A. Mục đích thu hồi để xây dựng lòng hồ thủy điện (Quyết định số 1).

Ngày 12/9/2007, UBND huyện Đ ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất bị thu hồi theo quyết định thu hồi đất nêu trên, có danh sách kèm theo, trong đó hộ ông A được bồi thường, hỗ trợ với số tiền là 100.000.000 đồng (Quyết định số 2).

UBND huyện Đ có tổ chức họp các hộ dân bị thu hồi đất để thông báo nội dung hai quyết định 01 và 02. Đồng thời, có niêm yết hai quyết định này tại trụ sở UBND xã N (địa phương có đất bị thu hồi). Song, UBND huyện Đ không gửi các quyết định này cho ông A.

Ngày 30/9/2007, UBND huyện Đ lập văn bản với tiêu đề “Phần thu hồi, bồi thường cho ông A”, văn bản này xác định tổng số tiền ông A được nhận và đầy đủ các thông tin như họ tên người có đất bị thu hồi, diện tích đất bị thu hồi, vị trí đất bị thu hồi và liệt kê các khoản được bồi thường, hỗ trợ như giá đất, diện tích nào được bồi thường, diện tích nào được hỗ trợ, mức hỗ trợ, các loại cây trồng, vật kiến trúc, đơn giá… theo đúng danh sách kèm theo quyết định thu hồi đất và phương án kèm theo quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Văn bản này cũng được ký và đóng dấu UBND huyện Đ.

Ngày 10/10/2007, UBND huyện Đ gửi văn bản này cho ông A. Ông A khẳng định nhận được văn bản này qua đường bưu điện trong tháng 10/2007 (ngày cụ thể thì ông không nhớ). Đầu tháng 11/2007, ông A đến Ngân hàng nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, khi nhận tiền có lập biên bản. Ông A cũng thừa nhận ông đã nhận đủ số tiền 100.000.000 đồng.

Đến tháng 7/2018, ông A khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy một phần của hai quyết định này (phần có liên quan đến ông A) với lý do ông chưa nhận được các quyết định này, ông nhận thấy việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ cho ông không đúng thực tế và quy định pháp luật.

Như vậy, việc xác định vụ án hành chính này còn thời hiệu khởi kiện hay không vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất, vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, do ông A chưa nhận được các quyết định hành chính này, đây là các quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông A.

Quan điểm thứ hai, vụ án này đã hết thời hiệu khởi kiện, vì hai quyết định này đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, ông A cũng được UBND huyện Đ thông báo về nội dung của hai quyết định này. Đồng thời, ông A đã được nhận văn bản “Phần thu hồi, bồi thường cho ông A” và nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng không có thắc mắc, khiếu nại gì. Quan điểm này cho rằng không nên “cứng nhắc” việc phải nhận được hai quyết định này, vì quyền lợi ông A vẫn được đảm bảo, ông A vẫn có thể khiếu nại ngay lúc nhận được văn bản “Phần thu hồi, bồi thường cho ông A”.

Theo quan điểm của tác giả, tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, bởi vì điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện … 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc”.

Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP) quy định (Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã hết hiệu lực pháp luật nhưng do vẫn chưa có Nghị quyết thay thế nên vẫn áp dụng Nghị quyết này trong giải quyết các vụ án hành chính):

“Điều 12. Thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 104 của Luật TTHC 

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 104 của Luật TTHC thì thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; do đó, để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp nào là “kể từ ngày nhận được”, trường hợp nào là “kể từ ngày biết được” thì cần căn cứ vào đối tượng bị tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và phân biệt như sau: 

a) Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và họ là đối tượng được nhận quyết định thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ nhận được quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc (được cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc giao trực tiếp, được nhận qua nhân viên bưu điện, qua chính quyền địa phương hoặc những người khác theo quy định của pháp luật). Ví dụ: Ngày 08-7-2011 ông N nhận được Quyết định số 19/QĐ-UBNDngày 10-02-2011 của Uỷ ban nhân dân quận B về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho ông với diện tích 150m2thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông N đối với Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Uỷ ban nhân dân quận B là kể từ ngày ông N nhận được quyết định đó (ngày 08-7-2011)”.

Căn cứ vào các quy định viện dẫn trên thì thời hiệu khởi kiện trong vụ án này được tính từ thời điểm ông A nhận được hai quyết định 01 và 02. Đến tháng 7/2018, ông A khởi kiện đến Tòa án thì ông A vẫn chưa nhận được các quyết định này, nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Do đó, Tòa án vẫn phải thụ lý, giải quyết vụ án (nếu có căn cứ thì chấp nhận yêu cầu khởi kiện, nếu không có căn cứ thì bác yêu cầu khởi kiện), chứ không được đình chỉ do thời hiệu đã hết.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thì Hội đồng xét xử nên cân nhắc bác yêu cầu khởi kiện của ông A, vì việc UBND huyện không gửi hai Quyết định 01 và 02 cho ông A nhưng ông A đã nhận được văn bản “Phần thu hồi, bồi thường cho ông A”. Trong văn bản này đã xác định tổng số tiền ông A được nhận và đầy đủ các thông tin như họ tên người có đất bị thu hồi, diện tích đất bị thu hồi, vị trí đất bị thu hồi và liệt kê các khoản được bồi thường, hỗ trợ như giá đất, diện tích nào được bồi thường, diện tích nào được hỗ trợ, mức hỗ trợ, các loại cây trồng, vật kiến trúc, đơn giá…theo đúng danh sách kèm theo quyết định thu hồi đất và phương án kèm theo quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Sau khi nhận được tiền bồi thường ông A cũng đã không có khiếu nại, thắc mắc gì. Điều này thể hiện ông A đã chấp nhận việc thu hồi đất, việc bồi thường, hơn 10 năm sau ông A mới khởi kiện là không phù hợp, quyền lợi của ông A trong trường hợp này không bị ảnh hưởng.

Còn quan điểm thứ hai xác định văn bản “Phần thu hồi, bồi thường cho ông A” là quyết định hành chính được ban hành dưới dạng “hình thức khác”. Ông A đã nhận được văn bản này vào năm 2007, đến năm 2018 mới khởi kiện là thuộc trường hợp hết thời hiệu khởi kiện. Lập luận đưa ra là căn cứ vào khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP:

“Điều 1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính quy định tại Điều 28 của Luật TTHC 

Quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó), bao gồm: 

a) Quyết định hành chính được cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thểtrong hoạt động quản lý hành chính”

Nếu theo quan điểm thứ hai, tác giả nhận thấy chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật là ông A phải nhận được các quyết định 01 và 02.

Qua bài viết này tác giả rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý của bạn đọc để bổ trợ thêm cho kiến thức của bản thân. Rất mong Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Tố tụng hành chính năm 2015 để Tòa án các cấp thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo cho quyền lợi của đương sự tham gia vụ án hành chính.

 

TAND tỉnh Đắk Nông đã xét xử phúc thẩm vụ cưỡng chế và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực đất đai.  Ảnh: Đăng Dương

 

TRƯƠNG THỊ DIỄM MY (Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông)