Đề xuất về đẩy mạnh công tác xây dựng và áp dụng án lệ

Các quy định về việc xây dựng và áp dụng án lệ như hiện nay là khá toàn diện nhưng thực tiễn công tác xây dựng và áp dụng án lệ vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, các tác giả đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng này.

1. Thực trạng và nguyên nhân về công tác xây dựng và áp dụng án lệ

Kể từ sau khi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 đã thay thế cho Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP) cho đến nay, thì TANDTC đã lựa chọn và công bố được 56 án lệ, đang có 18 dự thảo án lệ đang lấy ý kiến. Như vậy, tính đến tháng 10 năm 2022 thì đã trải qua 07 năm nhưng TANDTC chỉ công bố và đang lấy ý kiến đối với 84 án lệ, trung bình mỗi năm 12 án lệ. Con số này so với tổng số lượng bản án, quyết định được công bố là 1.060.375 là rất khiêm tốn, chỉ đạt 0,008%.

Đặc biệt, theo báo cáo tổng kết của TANDTC thì số lượng các bản án, quyết định đã được công bố có áp dụng án lệ là còn rất thấp, chỉ vài trăm bản án, quyết định có áp dụng án lệ.

Với thực trạng đó, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 01/2023/CT-CA ngày 03/01/2023 về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2023 để đẩy mạnh công tác xây dựng và áp dụng án lệ. Chỉ thị đã yêu cầu “Đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ ít nhất 01 bản án, quyết định đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự quân khu và tương đương; 03 bản án, quyết định đối với Tòa án nhân dân cấp cao, Vụ Giám đốc kiểm tra thuộc Tòa án nhân dân tối cao.”

2. Một số khó khăn, vướng mắc

Các quy định về việc xây dựng và áp dụng án lệ như hiện nay là khá toàn diện nhưng thực tiễn công tác xây dựng và áp dụng án lệ vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như sau:

- Một số bản án, quyết định có thể phát triển là nguồn án lệ nhưng một số khi viết bản án, quyết định có Thẩm phán lập luận thiếu chặt chẽ, thậm chí là sơ sài nên không đáp ứng đầy đủ tiêu chí lựa chọn án lệ, không thể phát triển thành án lệ được.

- Việc áp dụng án lệ của một số Thẩm phán, một số Tòa án chưa được thống nhất vì quan điểm về xác định các tình tiết tương tự giữa án lệ với bản án, quyết định do Thẩm phán đang trực tiếp giải quyết còn khác nhau.

- Một bộ phận Thẩm phán còn tâm lý e ngại khi vận dụng những quan điểm chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trong việc giải quyết các vụ việc có quan điểm khác nhau tại Tòa án; các Thẩm phán thường có tâm lý cầu toàn, sợ rủi ro về án bị hủy sửa nên chỉ áp dụng đường lối xét xử theo các sự việc đã có văn bản pháp luật quy định hoặc các án lệ đã có trước đó hoặc các tập quán, tương tự pháp luật. Do đó, số lượng bản án, quyết định làm nguồn phát triển án lệ còn thấp.

3. Một số ý kiến đề xuất

Để đẩy mạnh công tác xây dựng và áp dụng án lệ, cũng như thực hiện tốt Chỉ thị 01 của Chánh án TANDTC thì toàn hệ thống Tòa án cần thực hiện một số ý kiến đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng viết bản án, quyết định của Thẩm phán thông qua việc tập huấn nghiệp vụ theo chuyên đề kỹ năng viết bản án, quyết định hoặc thông qua tiêu chí thi đua về bản án, quyết định mẫu đối với từng Thẩm phán. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng lập luận của từng Thẩm phán trong từng bản án, quyết định cụ thể.

Thứ hai, tăng cường việc tập huấn nghiệp vụ để các Thẩm phán, các Tòa thống nhất về quan điểm “xác định các tình tiết tương tự”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các bản án, quyết định của từng Thẩm phán nhằm kiểm tra, đôn đốc việc áp dụng án lệ để việc áp dụng trở thành “thói quen” đối với từng Thẩm phán.

Thứ ba, TANDTC có thể nghiên cứu xây dựng chế định “tiền án lệ”, nghĩa là xây dựng môi trường và cơ sở pháp lý để các Thẩm phán, các chuyên gia nghiên cứu bình luận khoa học về các tình huống pháp lý giả định, các tình huống pháp lý có nhiều quan điểm áp dụng pháp luật còn nhiều quan điểm khác nhau. Trên cơ sở đó, Bộ phận chuyên môn về án lệ của TANDT cao (tương tự như Bộ phận chuyên môn về Trợ lý ảo) đi đến kết luận thống nhất quan điểm. Với kết quả nghiên cứu, bình luận này thì các Tòa án, các Thẩm phán nếu có vụ việc đang giải quyết có tình huống pháp lý tương tự thì Thẩm phán sẽ mạnh dạng xét xử, giải quyết bằng bản án, quyết định với những lập luận chặt chẽ, mang tính chuẩn mực để tạo nguồn phát triển thành án lệ. Bởi vì thực tiễn đã cho thấy rất ít Thẩm phán mạnh dạn tiên phong cho việc xét xử, giải quyết những vụ việc khi pháp luật chưa có quy định do sợ bị rủi ro về án bị hủy, sửa.

Theo quan điểm của tác giả thì giải pháp này có tính then chốt, tháo gỡ tư tưởng cầu toàn của các Thẩm phán. Nếu thực hiện tốt giải pháp này thì nguồn để phát triển thành án lệ sẽ trở nên rất phong phú, nó có tác dụng đẩy mạnh công tác xây dựng và áp dụng án lệ của hệ thống TAND. Điển hình là dự thảo án lệ số 16 trên cơ sở một số bài viết được đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử đã phát triển thành dự thảo án lệ với tình huống pháp lý là: Sau khi người con được sinh ra, người mẹ khởi kiện yêu cầu xác định bị đơn là cha đẻ của người con và yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Tòa án xác định bị đơn là cha đẻ của người con và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.” Và giải pháp pháp lý là: “Trường hợp này, Tòa án phải xác định thời gian cấp dưỡng cho con chưa thành niên được tính kể từ khi người con được sinh ra.”

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quí đồng nghiệp và bạn đọc trao đổi, góp ý!

 

TAND huyện Tây Sơn, Bình Định xét xử vụ án hình sự-  Ảnh: CTV

 

TRẦN TÚ ANH, HUỲNH MINH KHÁNH (Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)