Đinh Hữu Công phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Lái xe phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Hữu Đăng Thanh, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, đây cũng là quan điểm của tác giả cho rằng Đinh Hữu Công phạm tội:“Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm c, khoản 2, Điều 202 BLHS 1999.

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 202 BLHS 1999 quy định về hành vi phạm tội như sau: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác …”

Hành vi “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của Đinh Hữu Công được quy định tại điểm e khoản 3 điều 5 mục 1 chương II Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016. Tại điểm e khoản 3 Điều 5 mục 1 Chương II Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định như sau: “e) Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 7 Điều này”.

Hơn nữa, tại khoản 1, Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 quy định: “Hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS 1999 được hiểu là hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về chết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 BLHS”.

Thứ hai, tại mục 4, phần I Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1999 quy định về các tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999. Theo đó, các tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” được hướng dẫn như sau: “4.1 Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà  vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 202 BLHS quy định: a. Làm chết một người”…

Đinh Hữu Công đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ vì khi cho xe ôtô đỗ nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”… Trong trường hợp này Công đã có lỗi, lỗi này cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả là anh Nguyễn Ngọc Tuấn chết là do chấn thương sọ não. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Đinh Hữu Công còn phải chịu tình tiết định khung theo quy định tại điểm “c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” .

Do đó, Đinh Hữu Công phải bị truy tố và xét xử về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm c, khoản 2, Điều 202 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) là hợp lý.

Trên đây là ý kiến trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của ban biên tập và độc giả.

DƯƠNG HƯNG (Tòa án quân sự KV1 Quân chủng Hải quân)