Định tội danh với tội “Hành hung đồng đội”

Đọc bài viết “Những vướng mắc khi định tội danh với tội Hành hung đồng đội” của tác giả Nguyễn Vũ Hoàng, đăng ngày 20/11, tôi có một số ý kiến trao đổi.

Thực tiễn xét xử cho thấy, đối với những vụ án hoặc tình huống khác nhau (mặc dù có thể có những điểm tương đồng về tội phạm chẳng hạn) sẽ có những cách giải quyết khác nhau, tùy thuộc vào tình tiết, diễn biến của vụ án. Tình huống tác giả đưa ra là xác định có hay không việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành hung đồng đội của các đối tượng trong các tình huống. Tác giả cho rằng, 02 tình huống trong bài viết nêu ra cũng sẽ có những cách giải quyết khách nhau, phụ thuộc vào tình tiết của vụ án.

Tình huống 01: Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng A không phạm tội “Hành hung đồng đội” bởi lẽ: A có hành vi hành hung đồng đội là B, tuy nhiên, hành vi của A thuộc vào trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS (Cố ý gây thương tích gây tỷ lệ tổn thương cơ thể 11%) vì vậy, theo Điều 398 BLHS quy định về Tội hành hung đồng đội (Người nào trong quan hệ công tác mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm…). Như vậy, A không phạm tội hành hung đồng đội. Theo Điều 155 BLTTHS, thì tội phạm tại khoản 1 Điều 134 BLHS là tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Trong trường hợp này, B đã rút yêu cầu khởi tố vụ án nên vụ án phải được đình chỉ giải quyết theo khoản 2 của Điều 155 BLTTHS.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tội “Cố ý gây thương tích” được phát sinh từ tội “Hành hung đồng đội” nên khi không thỏa mãn tội “Cố ý gây thương tích” thì phải xử lý A về tội “Hành hung đồng đội” là không có căn cứ. Bởi vì, ý nghĩa của việc khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Ngoài ra, còn hạn chế gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết đối với bị hại. Khi bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, nghĩa là họ thể hiện ý chí không mong muốn giải quyết bằng biện pháp hình sự nữa mà họ muốn tự thoả thuận dân sự với nhau. Vì vậy, vụ án phải được đình chỉ.

Như vậy, rõ ràng trong tình huống thứ nhất, A không thỏa mãn tội “Hành hung đồng đội” (vì thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 134 BLHS) mà thỏa mãn tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng vì B không mong muốn giải quyết bằng biện pháp hình sự mà muốn tự thỏa thuận đối với A nên B rút yêu cầu khởi tố. Vì vậy, vụ án trong trường hợp 1 phải đình chỉ và A không phạm tội “Hành hung đồng đội” là có căn cứ.

Tình huống 02: Tác giả cho rằng, trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra và giải quyết toàn diện các vấn đề trong vụ án và xác định đầy đủ trách nhiệm hình sự đối với X. Bởi lẽ, khi giải quyết 1 vụ án hình sự cần phải đặt lợi ích của tất cả bị hại bên cạnh lợi ích của từng bị hại cũng như lợi ích chung của xã hội trong việc xử lý hành vi phạm tội. Hành vi của X thỏa mãn dấu hiệu của 02 tội đó là tội “Hành hung đồng đội” (thực hiện hành vi hành hung đối với anh Y) và tội “Cố ý gây thương tích” (thực hiện hành hành vi cố ý gây thương tích đối với anh Z). Tuy anh Z đã rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự nhưng do hành vi của anh X có dấu hiệu của tội “Hành hung đồng đội” như vậy vẫn có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội “Hành hung đồng đội” đối với anh X mà có bị hại là anh Y.

Ngoài ra, trên thực tiễn còn có trường hợp như vụ án có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị hại chỉ yêu cầu khởi tố vụ án đối với hành vi của một hoặc một số người phạm tội… thì tác giả cho rằng, tùy vào thực tiễn, diễn biến, tình tiết của vụ án sẽ có cách giải quyết khác nhau.

Trên đây là ý kiến của tác giả mong độc giả đóng góp thêm.

 

HĐXX Tòa án Quân sự Quân khu 7 - Ảnh: Nguyễn Hoàng

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)