Đương sự được quyền bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện thời điểm nào?

Nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện sau khi Tòa án đã tiến hành phiên họp kiểm tra việc tiếp cận, giao nhận, công khai chứng cứ và hòa giải thì yêu cầu đó có được chấp nhận hay không, hay đương sự phải rút đơn khởi kiện để khởi kiện thành vụ án khác ?

Theo Điều 244 BLTTDS 2015 quy định về việc xem xét, thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện:

“1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu của đương sự đã rút.”

Tình huống: Bà A khởi kiện ông B yêu cầu Tòa án công nhận diện tích 1.000m2 là thuộc quyền sử dụng của bà A. Trước đó bà A đã cất nhà kiên cố và sử dụng phần đất này nhưng chưa được đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì mẹ bà A chỉ cho miệng. Tuy nhiên, trước khi mẹ bà A và ông B mất thì mẹ bà A lại làm di chúc cho ông B được đứng tên phần đất này, ông B đã đi đăng ký kê khai để được đứng tên phần này mà bà A không biết. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ thì thể hiện phần đất 1.000m2 ông B đã được đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà A đã làm đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện là yêu cầu ông B hoàn lại giá trị căn nhà cho bà A để bà A trả lại đất cho ông B.

Có quan điểm cho rằng bà A cần rút đơn khởi kiện để khởi kiện thành vụ án khác để yêu cầu bồi thường giá trị căn nhà chứ không thể thay đổi yêu cầu khởi kiện trong vụ án này thành yêu cầu bồi thường giá trị căn nhà vì cho rằng vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu và đưa ra yêu cầu này sau khi Tòa án đã tiến hành phiên họp kiểm tra việc tiếp cận, giao nhận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Quan điểm thứ hai cho rằng yêu cầu của bà A là hợp lý, nếu có chênh lệch tạm ứng án phí thì cho bà A đóng thêm tạm ứng án phí và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung vì Tòa án vẫn chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Điểm g khoản 2 Điều 203 BLTTDS quy định: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán…  Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”.

BLTTDS 2015 chỉ quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhưng không quy định số lần mà Tòa án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Như vậy, tùy vào mỗi vụ án mà Thẩm phán giải quyết vụ án có thể tổ chức một hoặc nhiều phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Trong tình huống nêu trên với yêu cầu ban đầu của bà A, Thẩm phán đã tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần đầu, tiếp sau đó mới tiến hành trích lục hồ sơ cấp đất và đo đạc, định giá thì thể hiện phần đất tranh chấp là do ông B đứng tên quyền sử dụng đất. Sau khi Tòa án tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải để công khai cho đương sự biết về hồ sơ cấp đất và biết về việc đo đạc, định giá thì bà A đã có đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện.

Quan điểm Thẩm phán giải quyết vụ án cho rằng bà A nên rút yêu cầu khởi kiện trong vụ án này để khởi kiện thành một vụ án khác, yêu cầu ông B bồi thường giá trị căn nhà mà bà A đã xây dựng vì bà A thay đổi yêu cầu khởi kiện sau khi Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là không đúng quy định pháp luật và việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của bà A là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu.

Khoản 1 Điều 244 lại quy định “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”. Trong tình huống này căn nhà bà A nằm trên phần đất 1.000m2 đang tranh chấp, vì quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ đã thể hiện việc ông B đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bà A mới thay đổi yêu cầu khởi kiện. Thiết nghĩ, khi giải quyết đối với diện tích 1.000m2  này thì Tòa án vẫn phải xem xét đến tài sản trên đất là ngôi nhà bà A đã xây dựng nên việc bà A thay đổi yêu cầu khởi là phù hợp với quy định của BLTTDS, tuy bà A thay đổi yêu cầu khởi kiện sau khi Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhưng vẫn thay đổi yêu cầu khởi kiện trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử thì Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của bà A nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố  hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.

Như vậy, khi bà A thay đổi yêu cầu khởi kiện Tòa án phải xem xét yêu cầu này của bà A nếu có chênh lệch về tạm ứng án phí cần cho bà A đóng tiền tạm ứng án phí và tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung thì vụ án án sẽ được giải quyết triệt để hơn, không làm mất nhiều thời gian của đương sự. Việc đương sự có rút yêu cầu khởi kiện hay không là phụ thuộc vào sự tự nguyện của họ, còn Hội đồng xét xử sẽ phải xem xét chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của họ tại phiên tòa.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của độc giả và đồng nghiệp.

 

VÕ THỊ XUÂN (TAND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang)