G phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tạp chí Tòa án nhân dân diện Điện tử ra ngày 16/11/ 2019 có bài “G phạm tội gì, lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?” của tác giả Trần Quang Dương. Tác giả cho biết một vụ án đang có ý kiến khác nhau về xác định tội danh nội dung vụ án như sau. Chúng tôi cho rằng Nguyễn Thị Quỳnh G phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nội dung vụ án xem lại tại đây

Việc xác định tội danh đối với người bị truy tố trước tòa án là phải căn cứ vào quy định của pháp luật tại thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội, căn cứ vào hành vi khách quan mà người phạm tội đã thực hiện vào hậu quả thiệt hại đã xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm do người phạm tội thực hiện với thiệt hại xảy ra.

Trong vụ án này, hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Quỳnh G thực hiện vào các năm từ 2008 đến năm 2010, thời gian này Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 được sửa đổi năm 2009 đang có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là BLHS năm 1999) nên về mặt pháp luật phải căn cứ vào quy định của BLHS năm 1999 để xác định tội danh và hình phạt.

Theo bài viết, Nguyễn Thị Quỳnh G gây ra nhiều vụ: Vụ 1, G dùng tài sản đã bán để ủy quyền thế chấp, bảo lãnh với người khác, chiếm đoạt của bà L 1 tỷ đồng tiền mua đất; Vụ 2, mua thức ăn cho cá về bán rẻ lấy tiền, hậu quả là chiếm đoạt của doanh nghiệp PS số thức ăn cá trị giá 4,48 tỷ đồng; Vụ 2, thế chấp giấy tờ của người khác để vay tiền, hiện còn nợ 500 triệu đồng, trong khi giấy tờ thế chấp đã được báo mất và cấp lại.

Về các hành vi phạm tội mà G đã thực hiện, chúng tôi nhận thấy các hành vi đều bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Cụ thể là năm 2008, G thừa nhận thua lỗ trong kinh doanh nhưng ngày 28/ 2/ 2009 thành lập doanh nghiệp tư nhân với số vốn tự khai là 9 tỷ đồng. Đến tháng 6/2010 thì G không còn khả năng thanh toán. Thời gian này G vay mượn tài sản của nhiều người và hẹn trả trong thời gian ngắn và đưa ra nhiều thông tin sai sự thật để người bị hại tin tưởng giao tài sản cho G và sau đó G không thanh toán như đã cam kết mà chiếm đoạt luôn.

Thủ đoạn gian dối khác là để được doanh nghiệp tư nhân PS chấp nhận ký hợp đồng bán thức ăn cho cá, G cho người dẫn chủ doanh nghiệp đi xem các ao cá của người khác, nhưng lại nói là toàn bộ các ao cá đó là của mình nên chủ doanh nghiệp tin tưởng ký hợp đồng và tiến hành giao thức ăn cá cho G, sau đó G mang thức ăn cá đi bán cho người khác lấy tiền mà không thanh toán cho doanh nghiệp PS như đã cam kết.

Thủ đoạn gian dối khác nhằm chiếm đoạt tài sản của G là: G ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho bà Nguyễn Bích L nhưng gian dối không thực hiện sang tên mà tiếp tục dùng tài sản này đem đi thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua thức ăn cho cá của doanh nghiệp PS…v..v..

Ngoài ra, G còn thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Với các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác như vậy, của G là G đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 139 BLHS năm 1999 quy định tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…

4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

ĐỖ VĂN CHỈNH ( Nguyên Trưởng ban Thanh tra, Thẩm phán TANDTC)