H phạm tội trộm cắp tài sản

Sau khi đọc bài viết “Chiếm đoạt hành lý của người khác nhờ trông, tội gì?” của tác giả Dương Văn Hưng đăng ngày 03/7/2020 và bài viết “Trần Tuấn K không phạm tội trộm cắp và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản” của tác giả Ths. Cao Thanh Loan đăng ngày 06/7/2020 tác giả lại cho rằng H phạm tội trộm cắp tài sản.

H và K cùng gặp trên chuyến tàu và nói chuyện làm quen với nhau. Khi tàu đến trạm nghỉ, K đau bụng và nhờ H trông hành lý giúp để đi mua thuốc uống. Hành khách xung quanh hàng ghế của H và K đều nghĩ họ là người thân quen nhau. Nhân lúc K chưa về, H đã lấy hành lý của K và bỏ trốn (hành lý bao gồm 01 chiếc điện thoại trị giá 15 triệu đồng và quần, áo cá nhân). K quay lại phát hiện hành lý của mình và H biến mất, nên K báo cơ quan chức năng, ngay sau đó H đã bị bắt cùng với hành lý chưa kịp tẩu thoát.

Theo các bài viết thì tình huống trên có 3 quan điểm khác nhau, quan điểm thứ nhất cho rằng H phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 BLHS, quan điểm thứ hai là quan điểm tác giả Dương Văn Hưng cho rằng H phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 BLHS, quan điểm thứ ba là quan điểm tác giả ThS. Cao Thanh Loan cho rằng H phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS.

Theo quy định tại Điều 173 BLHS không mô tả hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản, tuy nhiên dấu hiệu khách quan của tội trộm cắp là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Như vậy, để xác định hành vi đó có cấu thành tội trộm cắp không thì phải phân tích xem hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có dấu hiệu lén lút hay không.

Hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là lén lút khi thực hiện dưới hình thức không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt xảy ra. Có nghĩa là, ý thức chủ quan của người phạm tội là lén lút thực hiện hành vi chiếm đoạt và việc che dấu này chỉ đòi hỏi với chủ tài sản mà thôi, còn đối với người khác, ý thức chủ quan của người phạm tội có thể công khai hoặc cũng có thể lén lút, che giấu đối với người khác, có thể là che dấu toàn bộ hành vi như đối với chủ tài sản hoặc che dấu tính chất của hành vi.

Khi người phạm tội trộm cắp tài sản chỉ che dấu tính chất của hành vi mà không che dấu hành vi trên thực tế, nghĩa là người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trong tình huống mà những người không phải chủ tài sản vẫn biết sự việc xảy ra nhưng không biết đó là hành vi trộm cắp tài sản.

Trong tình huống này, H đã lợi dụng lúc K vắng mặt chiếm đoạt hành lý của K. Việc H lợi dụng lúc K đi mua thuốc nhằm chiếm đoạt tài sản của K chứng tỏ ý thức chủ quan của H là che dấu hành vi của mình đối với K, hay có thể nói rằng H đã lén lút chiếm đoạt hành lý của K, tuy nhiên H đã che dấu tính chất phi pháp của hành vi là H đã lấy hành lý của K một cách đàng hoàng như là H chỉ cầm đồ cho K khiến cho những người trên tàu dù biết là H đang lấy hành lý của K nhưng không biết đó là hành vi H đang trộm cắp tài sản của K. Như vậy, H phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS là có căn cứ.

Ngoài ra, hành vi của H không được xem là công nhiên chiếm đoạt tài sản bởi hành vi này không thực hiên công khai đối với chủ tài sản. Hành vi của H cũng không được xem là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bởi không thể xem việc K nhờ H trông đồ hộ là một giao dịch dân sự được bởi, việc này không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của K, H.

Trên đây là ý kiến của tác giả kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến!

Hành khách trên tàu hỏa đóng mới chất lượng “5 sao” trên tuyến đường sắt Thống Nhất.  Ảnh: Ngô Bình/ BTP

 

 

 

 

 

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)