Hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án đồng phạm

Đồng phạm là thuật ngữ nói lên quy mô của việc thực hiện hành vi phạm tội, theo đó phải có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và BLHS năm 2015 có quy định mới người đồng phạm không phải chịu TNHS về hành vi vượt quá của người người thực hành. Quy định này mới có hiệu lực, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, nên trong thực tiễn vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo quy định tại khoản 3  Điều 17 BLHS năm 2015 về Đồng phạm thì: “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”.

So với quy định của đồng phạm trong BLHS năm 1999 thì đây là quy định mới của BLHS năm 2015, phù hợp với đặc điểm của tội phạm, bởi trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội trong đồng phạm sẽ có những người có các hành vi vượt quá hành vi của những người thực hành khác, nên quy định này là hoàn toàn hợp lý để khi quyết định hình phạt, tạo nên sự công bằng của pháp luật.

Hành vi vượt quá chỉ so sánh với hành vi của người thực hành, bởi trong vụ án đồng phạm vai trò của người thực hành là rất quan trọng. Như đã quy định thì “Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.”.

Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Vượt quá là vượt ra khỏi giới hạn quy định”, như vậy có thể hiểu “Hành vi vượt quá trong đồng phạm chính là hành vi vượt ra khỏi dự tính, dự định ban đầu của những người cùng thực hiện hành vi phạm tội”, đương nhiên, hành vi vượt quá đó xuất phát từ trong ý thức của người thực hành mà những người đồng phạm cùng thực hành kia hoàn toàn không biết, trường hợp nếu biết ý tưởng vượt quá đó mà họ cũng đồng ý thì những đồng phạm này sẽ cùng chịu hậu quả giống nhau, trường hợp, những người đồng phạm hoàn toàn không biết thì rõ ràng người có hành vi vượt quá đó phải gánh chịu hậu quả do hành vi vượt quá của mình. Vấn đề này chính là xuất phát từ khái niệm đồng phạm quy định của luật là “trường hợp hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.”

Hành vi vượt quá đó nếu đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác thì sẽ bị xử lý về một tội khác, nếu không đủ yếu tố cấu thành tội khác thì bị xử lý về hành vi vượt quá đó.

Tuy nhiên, trong thực tiễn vấn đề xác định hành vi vượt quá trong đồng phạm vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ví dụ: Ngày 23/4/2018, Nguyễn Văn A, thành viên ban QLDA huyện K, tỉnh P, được giao thống kê đất đai để GPMB đường tỉnh lộ, sau đó Đào Thanh O, Trương Văn T có nhờ A (A đồng ý) lập khống 4 bộ hồ sơ và thuê người dựng nhà ở, công trình trên 04 mảnh đất này để nhận tiền đền bù là 543.980.000 đ. Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ thì Nguyễn Văn A đã tự ý ghi thêm diện tích và một số công trình khác nên số tiền đền bù cho 4 mảnh đất là 657.000.000 đ. Nội dung ghi thêm này của A thì O và T không biết. Xung quanh vấn đề này có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Vì do O và T không biết việc A ghi thêm diện tích và công trình nên chỉ phải chịu TNHS với số tiền là 543.980.000 đ, còn số tiền chênh lệch do A kê khống lên là 657.000.000 đ – 543.980.000 đ = 113.020.000 đ thì chỉ có A phải chịu TNHS.

Quan điểm thứ hai: Giữa O, T và A chỉ thỏa thuận việc O, T dựng nhà để A lập hồ sơ đền bù, còn việc A lập hồ sơ như thế nào và giá trị đền bù là bao nhiêu thì hai bên không hề thỏa thuận. Do đó trong trường hợp này, cả O, T và A phải chịu TNHS số tiền chiếm đoạt là 657.000.000 đ.

Theo quan điểm của cá nhân trong vụ án trên, giữa O, T và A bàn bạc về việc dựng 4 ngôi nhà để chiếm đoạt 543.980.000 đ, số tiền này chính là ranh giới của việc thỏa thuận ban đầu, việc A có ghi thêm diện tích là xuất phát từ trong ý thức mong muốn chiếm đoạt tài sản của A mà O, T hoàn toàn không biết, số tiền 657.000.000 đ mà A ghi thêm đã vượt quá giá trị thỏa thuận ban đầu, nên rõ ràng A phải chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền này, còn O và T chỉ phải chịu TNHS với số tiền thỏa thuận ban đầu là 543.980.000 đ là hoàn toàn hợp lý.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn Quy định về hành vi vượt quá trong đồng phạm là rất cần thiết để việc áp dụng bảo đảm tính thống nhất.

 

TRẦN VĂN HÙNG ( Tòa án quân sự Quân khu 4)