Hợp đồng chuyển nhượng tài sản chung của vợ chồng khi đang có tranh chấp là vô hiệu

Sau khi nghiên cứu bài viết “Chuyển nhượng tài sản chung của vợ chồng khi đang có tranh chấp có hợp pháp?” của Luật gia Chu Minh Đức đăng ngày 30/12/2021, tôi đồng tình quan điểm thứ hai, việc phân chia tài sản chung giữa ông Nam và bà Hằng chưa thỏa mãn điều kiện quy định nên chưa có hiệu lực pháp luật.

Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng thỏa thuận phân chia tài sản chung giữa ông Nam và Hằng chưa có hiệu lực pháp luật. Việc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hằng khi không có ý kiến của ông Nam là không đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013. Ngoài những lập luận của tác giả đưa ra, tôi xin phân tích và đưa ra quan điểm của mình để làm rõ vấn đề trên.

Một là, theo Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng ông Nam và bà Hằng lập ngày 06/11/2012 thì bà Hằng có nghĩa vụ thanh toán cho ông Nam số tiền 300.000.000 đồng, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thỏa thuận này được công chứng hạn 30 ngày, bà Hằng được quyền sử dụng lô đất tái định cư và liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất nêu trên. Tuy nhiên, sau khi lập Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung, bà Hằng không trả cho ông Nam số tiền 300.000.000 đồng; cả ông Nam, bà Hằng thừa nhận lô đất này là tài sản chung của ông Nam, bà Hằng chưa được chia.

bà Hằng chưa trả cho ông Nam số tiền 300.000.000 đồng theo thỏa thuận nên việc phân chia tài sản chung là lô đất tái định cư giữa ông Nam và bà Hằng chưa thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 146 Nghị định số 81/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại... có hiệu lực từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất... ”. Do đó, thỏa thuận phân chia tài sản chung giữa ông Nam và bà Hằng lập ngày 06/11/2012 chưa có hiệu lực pháp luật.

Hai là, năm 2016 cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hằng khi không có ý kiến của ông Nam là chưa đủ điều kiện và không đúng quy định theo pháp luật đất đai. Bởi lẽ, ngày 16/10/2016, ông Nam khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2016 cho bà Hằng đối với lô đất tái định cư trên đã được Tòa án thụ lý. Bà Hằng xác định biết việc ông Nam đang yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung lô đất tái định cư trên nhưng bà Hằng vẫn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Lan vào ngày 25/10/2016 với số tiền 6.000.000.000 đồng không thông báo cho ông Nam biết là vi phạm điểm b khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013; Điều 29 và 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Hằng với bà Lan là vô hiệu.

Tôi không đồng tình quan điểm thứ nhất cho rằng văn bản thỏa thuận nêu trên giữa ông Nam và bà Hằng là hợp đồng song vụ theo quy định tại Điều 414 BLDS năm 2005, theo đó ông Nam có nghĩa vụ chuyển giao đất cho bà Hằng theo Điều 699 BLDS năm 2005, bà Hằng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 702 BLDS năm 2005 là không đúng. Bởi lẽ, Điều 699 BLDS năm 2005 quy định về nghĩa vụ của bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Điều 702 BLDS năm 2005 quy định về quyền của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng giữa bà Hằng và ông Nam, bà Hằng phải thanh toán cho ông Nam số tiền 300.000.000 đồng trong thời hạn 30 ngày để được quyền sử dụng lô đất tái định cư trên. Đây là sự phân chia tài sản chung vợ chồng có sự ràng buộc về thời gian đối với nghĩa vụ thanh toán tiền của bà Hằng, chứ không phải ông Nam là bên chuyển nhượng, bà Hằng là bên nhận chuyển nhượng.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc./.

Ảnh minh họa

THẠCH THIỆN (VKSND huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre)