Khi cầm cố, xe bị thanh lý không còn có định giá được không?

Xe cầm cố bị thanh lý, bán cho người khác và không rõ bán cho ai. Cơ sở nào để tính số tiền bồi thường cho chủ xe?

 Anh Lê Tấn Phương, sinh năm 1978, cư trú tại ấp Phú Thạnh B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trình bày sự việc như sau:

Vào ngày 27/02/2017, anh Phương có cầm cho anh Nguyễn Trường Thịnh là chủ tiệm cầm đồ 9999 Tân Tiến Thành một chiếc xe NOVO màu trắng đỏ (Đời NOVO VI), biển kiểm soát 63B4-318.10 cùng giấy tờ xe, do anh Phương đứng tên chủ sở hữu để vay số tiền là 15.000.000 đồng, lãi suất là 4%/tháng. Hai bên có viết biên nhận cầm cố nhưng không xác định thời hạn lấy xe và cũng không thỏa thuận thời gian đóng lãi.

Khoảng 30/3/2017, anh Phương có đến đóng tiền lãi 02 tháng cho anh Thịnh với số tiền là 1.200.000 đồng. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay do gia đình anh Phương gặp khó khăn nên anh Phương chậm thanh toán tiền lãi. Đến ngày 01/8/2017, anh Phương đến tiệm cầm đồ để thanh toán tiếp 03 tháng tiền lãi đã nợ, tương ứng với số tiền là 1.800.000 đồng nhưng anh Thịnh thông báo rằng xe anh Phương đã bị thanh lý và còn lấy luôn cả giấy cầm đồ của anh Phương, (anh Thịnh không hề không báo cho anh Phương biết việc bán xe).

Vào ngày 08/9/2017 anh Lê Tấn Phương đã nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Anh Phương yêu cầu buộc anh Nguyễn Trường Thịnh phải trả lại cho anh Phương chiếc xe NOVO màu trắng đỏ, đời NOVO VI cùng giấy tờ xe mà anh Phương đã cầm. Anh Phương sẽ trả đủ cho anh Thịnh số tiền nợ gốc đã vay là 15.000.000 đồng và tiền lãi còn nợ 03 tháng là 1.800.000 đồng.

Vụ việc trên đã được TAND huyện Châu Thành thụ lý giải quyết vào ngày 16/10/2017. Trong quá trình giải quyết vụ án thì bị đơn – anh Nguyễn Trường Thịnh thừa nhận có cầm của anh Phương 01 chiếc xe như anh Phương trình bày với số tiền là 15.000.000đồng với lãi suất 4%/tháng, anh Phương có đóng lãi được 01 tháng là 600.000 đồng vào ngày 27/3/2017. Từ đó trở về sau, anh Phương không có đến đóng lãi và anh Thịnh đã nhiều lần gọi điện thoại nhưng không liên lạc được với anh Phương, nên anh Thịnh đã thanh lý xe. Việc anh Thịnh cầm cho ai anh Thịnh không nhớ và số tiền cụ thể bao nhiêu anh Thịnh cũng không nhớ. Đối với yêu cầu khởi kiện của anh Phương thì anh Thịnh trình bày là: “Tôi sẽ tìm xe tương tự như chiếc xe mà anh Phương đã cầm cố để hoàn lại hoặc trường hợp không tìm được chiếc xe mà anh Phương cầm thì tôi sẽ bồi hoàn bằng tiền với số tiền là 20.000.000 đồng”.

Về phía nguyên đơn thì vẫn giữ nguyên yêu cầu ban đầu nhưng anh Phương có bổ sung: “Tôi yêu cầu bị đơn phải trả đúng chiếc mà tôi đã cầm cố. Trong trường hợp nếu không trả đúng thì anh Thịnh phải hoàn lại giá trị của chiếc xe tại thời điểm mua bán là 39.500.000 đồng (có xác nhận của Cửa hàng bán xe cho anh Phương vào ngày 04/02/2015 với giá là 39.500.000đồng). Khi anh Thịnh thực hiện hoàn lại chiếc xe hoặc hoàn lại giá trị xe khi không tìm được đúng xe mà tôi đã cầm thì tôi sẽ hoàn lại số tiền nợ gốc đã vay là 15.000.000 đồng và tiền lãi còn nợ 03 tháng là 1.800.000 đồng.

Vấn đề đặt ra: Thực tế thì xe đã bị thanh lý, bán cho người khác và phía anh Thịnh cũng không rõ bán cho ai nên yêu cầu trả lại đúng xe theo yêu cầu của anh Phương là không khả thi. Chỉ có cách duy nhất đó là phía bị đơn phải hoàn lại giá trị xe mà anh Phương đã cầm, phía anh Thịnh thì đồng ý hoàn lại với số tiền là 20.000.000 đồng, còn anh Phương thì chỉ đồng ý giá ban đầu đã mua là 39.500.000đồng.

Chúng tôi cho rằng, xe mà anh Phương mua vào năm 2015, đến lúc cầm cố và chủ tiệm cầm đồ bán xe thì xảy ra vào năm 2017, xe đã trải qua thời gian là 02 năm. Như vậy, giá trị của xe theo thời gian phải bị hao mòn và tại thời điểm cầm, giá bán chiếc NOVO đời VI trên thị trường có như ban đầu không? Do đó, Tòa án nên gửi Công văn sang Phòng tài chính kế hoạch huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để xác định giá trị của chiếc xe từ thời điểm mua năm 2015 đến năm 2017 thì giá trị của chiếc xe NOVO trên còn lại có giá trị là bao nhiêu ? (Gửi kèm theo Giấy tờ xe (nếu không có thì Giấy xác nhận khác), Giấy xác nhận nhận của Cửa hàng bán xe cho anh Phương vào ngày 04/02/2015). Từ đó, có cơ sở khách quan cho việc giải quyết vụ án.

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng xe không có thì làm sao mà định giá? Và nếu không định giá được thì không có cơ sở chắc chắn để giải quyết vụ án.

Rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, trao đổi của các độc giả Tạp chí!

NGUYỄN THÀNH PHỤC- Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, Tiền Giang -