Không có vướng mắc về tính thời hạn trong tố tụng dân sự

Về bài “Vướng mắc về tính thời hạn trong tố tụng dân sự” của tác giả Dương Tấn Thanh đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 18/02/2019 tại link https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/vuong-mac-ve-tinh-thoi-han-trong-to-tung-dan-su, tôi thấy pháp luật đã quy định khá rõ ràng, không có vướng mắc.

Trong bài viết, tác giả Dương Tấn Thanh có đặt vấn đề nếu ngày bắt đầu của thời hạn và ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần; còn những ngày khoảng giữa ngày bắt đầu và cuối cùng của thời hạn đều là ngày nghỉ lễ thì thời hạn 07 ngày theo khoản 1 Điều 212[1] và khoản 1 Điều 273[2] BLTTDS 2015 sẽ được tính như thế nào?

BLTTDS 2015 quy định nhiều loại thời hạn khác nhau, trong đó có loại thời hạn tính theo ngày làm việc, có loại thời hạn không tính theo ngày làm việc, cụ thể: có 60 thời hạn được tính theo ngày làm việc (02 ngày làm việc, 03 ngày làm việc và 05 ngày làm việc); có 140 thời hạn không tính theo ngày làm việc (giờ, ngày, tháng, năm). Có thể thấy, các nhà làm luật đã quy định rất rạch ròi thời hạn tính theo ngày làm việc và thời hạn không tính theo ngày làm việc. Khi BLTTDS 2015 quy định tính theo ngày “làm việc” thì xác định thời hạn tố tụng chỉ tính ngày làm việc. Thời hạn “07 ngày” trong quy định tại khoản 1 Điều 212 và khoản 2 Điều 273 BLTTDS nêu trên là loại thời hạn không tính theo ngày làm việc.

BLTTDS 2015 dành hẳn 01 chương (Chương XI) quy định về thời hạn tố tụng. Trong đó, các điều 182 và 183 BLTTDS 2015 quy định như sau:

Điều 182. Thời hạn tố tụng

Thời hạn tố tụng là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hành vi tố tụng do Bộ luật này quy định.

Thời hạn tố tụng có thể được xác định bằng giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.

Điều 183. Áp dụng quy định của Bộ luật dân sự về thời hạn

Cách tính thời hạn tố tụng, quy định về thời hạn tố tụng, thời điểm bắt đầu, kết thúc thời hạn tố tụng trong Bộ luật này được áp dụng theo các quy định tương ứng của Bộ luật dân sự.”

Với quy định nêu trên của BLTTDS 2015 thì về nguyên tắc, BLTTDS 2015 chỉ quy định chung thời hạn, còn cách tính thời hạn tố tụng, quy định về thời hạn tố tụng, thời điểm bắt đầu thời hạn, thời điểm kết thúc thời hạn tố tụng trong BLTTDS 2015 được áp dụng theo các quy định tương ứng của BLDS 2015.

Thời điểm bắt đầu thời hạn và thời điểm kết thúc thời hạn được BLDS 2015 quy định tại các điều 147, 148, cụ thể như sau:

“Điều 147. Thời điểm bắt đầu thời hạn

Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.

Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.

Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.

Điều 148. Kết thúc thời hạn

Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.

Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.

Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.

Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.

Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.

Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.”

Tôi xin phân tích cách xác định thời hạn, thời điểm bắt đầu thời hạn và thời điểm kết thúc thời hạn đối với các tình huống được nêu trong bài viết “Vướng mắc về tính thời hạn trong tố tụng dân” của tác giả Dương Tấn Thanh theo quy định của BLTTDS 2015 và BLDS 2015 như sau:

Ví dụ 1: Ngày 01/02/2019, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và tống đạt quyết định đình chỉ cho đương sự cùng ngày 01/02/2019. Theo quy định khoản 2 Điều 147 và khoản 1 Điều 148 BLDS 2015 thì ngày bắt đầu thời hạn kháng cáo của đương sự là ngày 02/02/2019 và ngày cuối cùng của thời hạn kháng cáo là ngày 08/02/2019. Do ngày 08/02/2019 là ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán nên việc xác định thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo còn được áp dụng theo quy định tại khoản 5 Điều 148 BLDS 2015. Cần lưu ý, khoản 5 Điều 148 BLDS 2015 quy định khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Như vậy, thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo trong trường hợp này là thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó, tức là thời điểm kết thúc ngày 11/02/2019 (Thứ Hai – ngày làm việc tiếp theo) vì các ngày 09-10/02/2019 không phải là ngày làm việc mà là ngày nghỉ cuối tuần. Trong trường hợp này, nếu nguyên đơn gửi đơn kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vào ngày 11/02/2019 là kháng cáo trong thời hạn luật định.

Ví dụ 2: Ngày 01/02/2019, Tòa án lập biên bản hòa giải thành trong một vụ án dân sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 212 BLTTDS 2015,  hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tương tự như ví dụ 1, theo quy định khoản 2 Điều 147 và khoản 1 Điều 148 BLDS 2015 thì ngày bắt đầu thời hạn đương sự thay đổi ý kiến là ngày 02/02/2019 và ngày kết thúc thời hạn đương sự thay đổi ý kiến là ngày 08/02/2019. Do ngày 08/02/2019 là ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán nên việc xác định thời điểm kết thúc thời hạn đương sự thay đổi ý kiến còn được áp dụng theo quy định tại khoản 5 Điều 148 BLDS 2015. Thời điểm kết thúc thời hạn đương sự thay đổi ý kiến trong trường hợp này là thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó, tức là thời điểm kết thúc ngày 11/02/2019 (Thứ Hai – ngày làm việc tiếp theo) vì các ngày 09-10/02/2019 không phải là ngày làm việc mà ngày nghỉ cuối tuần; đương sự hoàn toàn được quyền thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận vào ngày 11/02/2019. Trong trường hợp này, nếu hết ngày 11/02/2019 mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì Thẩm phán mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, BLTTDS 2015 và BLDS 2015 quy định khá rõ ràng về thời hạn và cách tính thời hạn. Hoàn toàn không có vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật. Có chăng, ở đây là sự “vướng mắc” trong nhận thức của người tiến hành tố tụng. Do đó, để bảo đảm nhận thức đúng đắn về thời hạn tố tụng nói chung và cách tính thời hạn, bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất, thiết nghĩ, trong thời gian tới, TANDTC cần triển khai tập huấn, trao đổi nghiệp vụ trực tuyến về thời hạn và cách tính thời hạn theo quy định của BLTTDS 2015 và BLDS 2015.

 

[1] Khoản 1 Điều 212 BLTTDS năm 2015 quy định: “Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”

[2] Khoản 2 Điều 273 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.”

 

KIM THÚY