Mấu chốt là K nhờ H “trông” hành lý giúp được thực hiện thế nào

Qua nghiên cứu bài viết “Chiếm đoạt hành lý của người khác nhờ trông, tội gì?” của tác giả Dương Văn Hưng đăng ngày 03/7/2020, và các bài trao đổi, tác giả cho rằng cần làm rõ việc K nhờ H “trông” hành lý giúp được thực hiện cụ thể thế nào, vì đây là điểm mấu chốt định tội danh.

Nội dung vụ án không nêu rõ việc K nhờ H “trông” hành lý giúp được thực hiện cụ thể thế nào, vì đây là điểm mấu chốt định tội danh. Do đó, để phân tích hành vi của K cấu thành tội phạm nào, sẽ có 02 (hai) trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp 1: K giao hành lý cho H cầm, nắm.

Trường hợp này, sau khi H nhận được tài sản thông qua hợp đồng gửi, giữ với K, thì H bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Hành vi của H hoàn toàn phù hợp với mô tả cấu thành tội phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 175 BLHS.

Trường hợp 2: K chỉ nói H trông coi tài sản giúp mình, còn tài sản thực chất không giao cho H cầm, nắm mà vẫn để tại chỗ (bỏ dưới sàn, trên ghế,…).

Trường hợp này, H không mặc nhiên được xem là người đang quản lý tài sản. Trên xe, tàu, mỗi hành khách đều có một khu vực để bỏ hành lý của mình. Ngoài ra, mọi hành khách đều ngầm hiểu rằng, không gian tính theo chiều thẳng đứng tại nơi đặt ghế ngồi, giường nằm của mỗi hành khách là một khu vực riêng của mỗi hành khách (hiểu nôm na là ranh giới mềm). Do vậy, tài sản của mỗi hành khách khi để trong khu vực này là nằm trong phạm vi quản lý của hành khách đó. Ở đây, do H không được giao tài sản mà chỉ được nhờ trông giúp, nên tài sản vẫn nằm trong khu vực quản lý riêng của K. Lúc này, H lợi dụng việc K đi mua thuốc, lén lút chiếm đoạt tài sản để trong khu vực này, như vậy, hành vi của H phù hợp với cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản”, quy định tại Điều 173 BLHS.

Trên đây là ý kiến của cá nhân về vụ việc, mong quý bạn đọc cùng trao đổi.

 

Tàu SP1-3 Hà Nội – Lào Cai ghế mềm có điều hòa – Ảnh: Adam Viet

NGUYỄN ANH DŨNG ( Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng)