Một số ý kiến nhằm hoàn thiện viết bản án hình sự sơ thẩm

Bản án hình sự là một văn bản quan trọng nhằm xác định bị cáo có tội hay không có tội, áp dụng hình phạt nào, xử lý vật chứng ra sao… vì vậy, trong hoạt động viết bản án cần thận trọng, tỉ mỹ nếu không dễ xảy ra các sai sót ảnh hưởng đến chất lượng bản án.

Thực tế khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực, các quy định về viết bản án hình sự đã có nhiều thay đổi, trong thực tiễn còn xảy ra nhiều sai sót, cần hoàn thiện và khắc phục. Chúng tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm khi viết bản án.

1. Đối với việc xác định tư cách tham gia tố tụng

Đối với các vụ án Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng thì khi xác định tư cách tham gia tố tụng đối với Ban quản lý rừng phòng hộ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà không phải là nguyên đơn dân sự. Đồng thời khi tuyên phần bồi thường thiệt hại thì không tuyên các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho Ban quản lý rừng phòng hộ, vì trong thực tiễn Ban quản lý rừng phòng hộ không bị thiệt hại gì mà số tiền bồi thường phải sung vào ngân sách nhà nước.

Đối với việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Bệnh viện hay Bảo hiểm. Ví dụ: Quân nhân A và B đánh nhau, bị bị thương và được bệnh viện quân y chăm sóc. Sau khi B ra viện thì Bệnh viện quân y đã làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm. Về nguyên tắc, A phải bồi thường cho B, nhưng chí phí điều trị cho B đã được bảo hiểm chi trả và thanh toán cho Bệnh viện quân y, nên có thể coi Bảo hiểm là cơ quan gián tiếp bị thiệt hại, nên cần xác định Bảo hiểm là nguyên đơn dân sự và A phải bồi thường cho Bảo hiểm nếu bên bảo hiểm có yêu cầu.

Đối với trường hợp bệnh viện đã điều trị cho bị hại nhưng số tiền điều trị không phải do bảo hiểm chi trả thì cần triệu tập bệnh viện với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án để buộc bị cáo hoàn trả tiền viện phí mà bệnh viên đã điều trị cho bị hại.

2. Đối với việc tuyên xử lý vật chứng

Ví dụ: Nguyễn Văn A, Trần Văn B, Hoàng Văn C thực hiện hành vi đánh bạc với số tiền thu được trên chiếu bạc là 14.500.000 đồng. Có bản án áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền 14.500.000 đồng là không hợp lý. Trường hợp này phải áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 để tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền trên vì đây là số tiền mà các bị cáo dùng vào việc đánh bạc.

3. Đối với tuyên phần hình phạt

+ Hình phạt cải tạo không giam giữ.

– Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ nếu trước đó bị cáo bị tạm giữ thì cần quy đổi thời gian tạm giữ để tính toán trừ vào thời gian cải tạo không giam giữ cho các bị cáo đúng như quy định tại khoản 1 Điều 36 BLHS.

– Về quyết định của bản án tuyên thời hạn chấp hành hình phạt đối với bị cáo bị phạt cải tạo không giam giữ thì tuyên thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày cơ quan, tổ chức nơi người được giao quản lý bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án mà không tuyên thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày tuyên án.

– Trong thời gian chấp hành án, việc khấu trừ thu nhập đối với các bị cáo bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là quy định bắt buộc nếu không thuộc trường hợp đặc biệt được miễn khấu trừ thu nhập theo quy định tại khoản 3 Điều 36 BLHS và trong phần nhận định của Tòa án và phần quyết định của Bản án phải đề cập đến nội dung này.

+ Hình phạt tù: Trường hợp bị cáo tại ngoại nhưng bị xử phạt tù, trong phần quyết định của Bản án tuyên thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành án mà không tuyên thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án

4. Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại

Đối với trường hợp bị cáo đã bồi thường đã được thực hiện xong tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Trong giai đoạn phúc thẩm bị cáo tiếp tục bồi thường khi gia đình bị hại không yêu cầu, đây không được xem là tình tiết giảm nhẹ mới.

TRẦN VĂN HÙNG Thẩm phán TAQS Khu vực 1 Quân khu 4)