Nguyễn Đình T không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Đình T, có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” không?” của tác giả Lê Đức Anh đăng ngày 19/10, tôi cùng quan điểm với tác giả.

Tôi có quan điểm đồng tình với nhận định và quan điểm của tác giả đó là: Nguyễn Đình T mặc dù, bị kết án phạt tù nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì bị cáo lại bị bắt về hành vi đánh bạc, bị cáo sẽ không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm”.

Ngoài những căn cứ, lập luận, phân tích mà tác giả đã đưa ra ở quan điểm thứ hai, tôi chỉ xin phân tích phản biện lại đối với quan điểm thứ nhất khi cho rằng: Nguyễn Đình T vừa bị Tòa án nhân dân huyên A xử phạt về tội “Đánh bạc”, tuy bản án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng Nguyễn Đình T lại phạm tội mới cho nên Nguyễn Đình T phải chịu tình tiết hình sự “Tái phạm” quy định điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS là không có cơ sở. Bởi các lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 53 BLHS thì: 1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự thì khái niệm thế nào là “đã bị kết án” đã được giải thích như sau: “1. Người chấp hành án là người bị kết án, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành”. Và, theo Điều 31 Hiến pháp năm 2013 có quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và tại Điều 13 BLTTHS đã khẳng định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Trở lại vụ án cho ta thấy: Ngày 18/6/2020, Nguyễn Đình T bị TAND huyện A xử phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng cho hưởng án treo, nhưng, 10 ngày sau, khi bản án chưa có hiệu lức pháp luât, thì T lại bị bắt về hành vi “Đánh bạc”. Ngày 15/9/2020, VKSND huyện A truy tố Nguyễn Đình T phạm tội “Đánh bạc” quy định tại khoản 1 Điều 321. Như vậy, đối với hành vi phạm tội “Đánh bạc” của Nguyễn Đình T thực hiện sau 10 ngày, kể từ ngày bị xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”, mặc dù, hành vi phạm tội sau là lỗi “cố ý” nhưng vấn đề mấu chốt là hành vi phạm tội trước, đó là bản án mà TAND huyện A xử về tội “Trộm cắp tài sản” chưa có hiệu lực pháp luật. Do vậy, hành vi phạm tội sau khi có Bản án nhưng chưa có hiệu lực pháp luật thì không thể xác định hành vi này là “tái phạm” và bị can, bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS được.

Thứ hai, đối với nhận định của quan điểm thứ nhất khi cho rằng: “Nguyễn Đình T bị Tòa án nhân dân huyên A xử phạt về tội “Đánh bạc”, tuy bản án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng Nguyễn Đình T lại phạm tội mới nên Nguyễn Đình T phải chịu tình tiết hình sự “Tái phạm” quy định điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS.”. Nhận định này là không có cơ sở pháp lý. Vì khoản 1 Điều 53 BLHS đã quy định rất rõ “Tái phạm” là trường hợp “đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý” . Ở, đây Luật đã quy định cụ thể trường hợp cần và đủ để xác định “tái phạm” hay “không tái phạm”. Trong trường hợp, xác định tái phạm phải thỏa mãn 2 điều kiện cần và đủ đó là: (1) đã bị kết án, chưa được xóa án mà lại (2) thực hiện hành vi phạm tội mới do cố ý hoặc  thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Vấn đề thỏa mãn ở điều kiện thứ nhất phải là bản án, quyết định xác định một người có tội hay không có tội và chịu hình phạt như thế nào chỉ được xác định khi bản án, quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật. Trong khi ở vụ án trên Nguyễn Đình T chưa phải chấp hành Bản án về tội “Trộm cắp tài sản” do Bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

 Do vậy, trường hợp của Nguyễn Đình T bị xét xử ở hành vi phạm tội sau về tội “Đánh bạc” nhưng không thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS đối với bị can, bị cáo được.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với bài “Nguyễn Đình T, có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” không?”; Xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.

Một phiên tòa hình sự tại TAND tỉnh Đắk Lắk – Ảnh : Thanh Tùng

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội)