Nguyễn Thế A phạm tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Thế A phạm tội gì?” đăng ngày 23/ 8/2020, chúng tôi cho rằng A phạm tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Qua nội dung diễn biến của vụ án, các quan điểm xung quanh việc xác định tội danh đối với Nguyễn Thế A trong đó có quan điểm của tác giả Trần Thanh Bài, tôi có quan điểm như sau:

Trước tiên, tôi đồng tình với nhận định của tác giả khi cho rằng: “Hành vi của Nguyễn Hồng S, Đào Duy Phúc M, Nguyễn Trường Gi và Giang Văn Kh cùng nhau gây thương tích tổn thương cơ thể cho Nguyễn Thế A 02%, gây mất trật tự an ninh, an toàn khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động trong nhà trường;  Nguyễn Thế A đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của những người này nên Đào Duy Phúc M, Nguyễn Trường Gi và Giang Văn Kh sẽ bị xử lý về tội “gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 318 BLHS 2015 và một hành vi cố ý gây thương tích tại một thời điểm cho dù với nhiều người cũng không thể cấu thành hai tội danh độc lập được.

Tuy nhiên, qua dữ kiện nội dung vụ án mà tác giả nêu tôi lại không đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng:“Hành vi của Nguyễn Thế A phạm tội Cố ý gây thương tích quy định tại điểm b khoản 5 Điều 134 BLHS 2015 mà tôi cho rằng có cơ sở để truy tố, xét xử Nguyễn Thế A về tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 3 Điều 136 BLHS 2015 với ngoài những nhận định như quan điểm thứ 2. Tôi chỉ xin bổ sung và phản biện làm rõ thêm các căn cứ cho nhận định của mình và phản biện lại các quan điểm khác mà tác giả đã nêu.

Thứ nhất, để xác định chính xác tội danh đối với người thực hiện hành vi phạm tội, ngoài việc xác định mặt khách quan của tội phạm thì cũng cần hết sức lưu ý mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm ngoài các mặt khách thể và chủ thể của tội phạm như đủ tuổi và đủ năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi và xâm phạm các khách thể được pháp luật bảo vệ.

Đối với tội cố ý gây thương tích, về lý luận trường hợp phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì xét về mặt khách quan thì hành vi tương quan lực lượng giữa người thực hiện hành vi phạm tội và bị hại cho thấy đáng lý chưa cần thiết đến mức phải hành động như người thực hiện hành vi phạm tội đã thực hiện nhưng vì họ đã lầm tưởng nếu không có hành động như vậy sẽ bị đe dọa đến tính mạng do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra. Mặt chủ quan của tội phạm ở đây là lỗi cố ý gián tiếp, mặc dù biết trước sự nguy hiểm của hành vi nhưng với mục đích phòng vệ, họ thực hiện hành vi trong sự không tỉnh táo của nhận thức, mặc dù họ không có ý thức tước đoạt tính mạng của người khác nhưng thực tế hậu quả xảy ra là ngoài mong muốn của họ. Trong khi đó đối với tội cố ý gây thương tích thì về mặt lỗi là cố ý trực tiếp nhằm gây ra thương tích cho người khác.

Trở lại vụ án cho ta thấy vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 13/8/2018  nhóm Đào Duy Phúc M, Nguyễn Hồng S và Giang Văn Kh đã cùng nhau có hành vi dùng chổi, tay, chân đánh Nguyễn Thế A bị chảy máu ở vùng trán, mặc dù có nhiều người can ngăn, nhưng nhóm người này vẫn quyết liệt dồn Nguyễn Thế A cùng những người can ngăn về cuối hành lang và đấm, đá làm cho Nguyễn Thế A bị ngã ngồi bệt trước nhà vệ sinh cuối hành lang, nhưng nhóm M vẫn tiếp tục tấn công. Trong lúc đó, Nguyễn Thế A nhặt được giao khua tay rõ ràng là sự phòng vệ. Trong trường hợp này, với không gian, địa điểm là cuối hành lang và thời gian là buổi tối thì việc bị các đối tượng cùng lúc tấn công và khi đã bị đánh ngã xuống các đối tượng tiếp tục tấn công thì việc chống trả của Nguyễn Thế A sẽ khó có sự tỉnh táo để lựa chọn một xử sự khác đối với những người đang tấn công mình. Do vậy, mặc dù có sự can ngăn của số bạn học cùng A và cô giáo S nhưng việc vung mạnh dao từ phải qua trái, từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên nhiều lần hướng về phía nhóm người đang đánh mình. Ở đây, hành vi và hậu quả mà Nguyễn Thế A gây ra là quá mức cần thiết. Do vậy, có cơ sở xác định Nguyễn Thế A phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 3 Điều 136 BLHS 2015.

Thứ hai, hành vi vung mạnh dao của A và thương vong của các bị hại có mối quan hệ nhân quả với nhau nhưng động cơ mục đích của A là nhằm chống trả lại sự tấn công của các bị hại.

Đây không phải là các hành vi gây ra các hậu quả khác nhau với cấu thành tội phạm khác nhau. Mà đây chỉ là chuỗi hành vi gây ra các hậu quả với một cấu thành tội phạm đó là “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 3 Điều 136 BLHS 2015.

 

Tòa án nhân dân huyện EaH’Leo, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án Cố ý gây thương tích – Ảnh: Nguyễn Thị Nụ

ThS. ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)