Nguyễn Văn T phạm tội cướp giật tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn T phạm tội gì?” của ThS. Lại Sơn Tùng, tôi đồng ý với quan điểm thứ 3 khi xác định Nguyễn Văn T phạm vào tội Cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 171 BLHS năm 2015.

Để làm rõ tội danh của Nguyễn Văn T, trước hết cần phải khẳng định hai vấn đề sau đây:

Thứ nhất, chị Bùi Thị V là nhân viên của cửa hàng điện thoại di động, còn Nguyễn Văn T là khách đến cửa hàng để thực hiện các giao dịch có liên quan đến điện thoại di động. Vì vậy, việc chị V đưa điện thoại cho T xem, kiểm tra trước khi thỏa thuận giao dịch là điều đương nhiên, phù hợp với bản chất công việc của chị V là nhân viên bán hàng và mối quan hệ giữa chị V (người bán hàng) và T (người mua hàng). Tuy nhiên, chị V không có sự chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý đối với tài sản cho T nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của chị V. Bản thân chị V chỉ tạm thời để cho T quản lý tài sản trong sự quản lý, kiềm soát và giám sát trực tiếp của mình. Sự quản lý này nằm trong khuôn khổ cửa hàng điện thoại, tức T chỉ được kiểm tra điện thoại trong phạm vi cửa hàng và không được mang điện thoại ra khỏi cửa hàng khi không được sự đồng ý của chị V.

Thứ hai, do chỉ có thể tạm thời chiếm giữ, quản lý điện thoại trong phạm vi cửa hàng nên nếu T muốn chiếm đoạt được điện thoại thì phải mang được điện thoại ra khỏi cửa hàng và khi này quyền sở hữu về tài sản của chị V mới thực sự bị xâm hại. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm, tính chất của tài sản và mối quan hệ giữa chị V và T.

Từ hai vấn đề nêu trên, chúng ta thấy:

- Đối với quan điểm Nguyễn Văn T phạm vào tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 172 BLHS năm 2015:

Trong tội Công nhiêm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội đã lợi dụng sơ hở, vướng mắc của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, lợi dụng hoàn cảnh chủ sở hữu, người quản lý tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản của họ một cách công khai. Sơ hở, vướng mắc của chủ sở hữu, người quản lý tài sản là do có sẵn, là do nguyên nhân khách quan gây ra hoặc do người phạm tội gây ra với lỗi vô ý, chứ không phải do người phạm tội chủ động tạo ra. Đồng thời, khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội không cần phải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng lẩn trốn là vì người phạm tội nhận thức được rằng người quản lý tài sản đang ở trong hoàn cảnh không có điều kiện, khả năng để ngăn cản được việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của mình.

Trong tình huống đưa ra, T đã chủ động tạo ra sơ hở của chị V khi nói chị V là mình đã đưa điện thoại cho quầy kỹ thuật để lợi dụng sơ hở này nhanh chóng chạy ra khỏi cửa hàng nhằm chiếm đoạt cho bằng được tài sản (đây là biểu hiện của hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn trốn). Bản thân T nhận thức được rằng nếu không nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn trốn thì chị V sẽ ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản của mình. Vì vậy, hành vi của T không phạm vào tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 172 BLHS năm 2015.

- Đối với quan điểm Nguyễn Văn T phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015:

Ban đầu, chị V đưa điện thoại cho T quản lý nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát trực tiếp của chị V nên T chưa chiếm đoạt được tài sản và đây chỉ là phương thức, thủ đoạn tiếp cận tài sản của T. Sau đó, chị V đến hỏi T điện thoại đâu thì T tiếp tục nói dối chị V là mình đã đưa điện thoại cho quầy kỹ thuật. Tuy nhiên, khi này T vẫn chưa chiếm đoạt được tài sản do vẫn đang nằm trong sự quản lý, kiểm soát trực tiếp của chị V. T chỉ thực sự chiếm đoạt được tài sản khi lợi dụng sơ hở chị V đang đi đến quầy kỹ thuật để nhanh chóng chạy ra khỏi cửa hàng nhằm chiếm đoạt cho bằng được tài sản (đây là biểu hiện của hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn trốn). Do đó, tuy T có thủ đoạn gian dối nhưng thủ đoạn này chỉ là phương thức, thủ đoạn tiếp cận tài sản, không phải là phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt nên T không phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015.

- Đối với quan điểm Nguyễn Văn T phạm vào tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS năm 2015:

Về mặt lý luận, tội Trộm cắp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm hữu được tài sản trên thực tế, tức là chiếm đoạt được và khi này, quyền sở hữu về tài sản của người bị hại đã thực sự bị xâm hại trên thực tế. Đồng thời, để xác định một hành vi chiếm đoạt tài sản có phải là chiếm đoạt được hay không thì cần phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất, vị trí để tài sản để đánh giá và thông thường, nếu tài sản bị chiếm đoạt là những vật nhỏ gọn thì được coi là chiếm đoạt được khi người phạm tội đã lấy được tài sản đó. Đây là những chỉ dẫn mang tính chất chung nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng vận dụng một cách máy móc rằng nếu tài sản nhỏ gọn như điện thoại, nhẫn vàng, dây chuyền vàng… thì sẽ coi là chiếm đoạt được khi người phạm tội đã lấy được tài sản đó. Chúng ta cần phải có sự đánh giá một cách khách quan, toàn diện những tình tiết, diễn biến của vụ việc xảy ra và phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất, vị trí để tài sản để từ đó xác định người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa.

Như đã phân tích ở trên, đặc điểm, tính chất của điện thoại mà T chiếm đoạt là tài sản được chị V đưa cho T kiểm tra, quản lý trong sự kiểm soát trực tiếp của chị V. Sự kiểm soát này nằm trong phạm vi cửa hàng điện thoại, tức T có quyền cầm nắm, kiểm tra trong khu vực này và không được mang ra khỏi cửa hàng khi không được sự đồng ý của chị V. Vì vậy, cho dù T có lén lút, bí mật giấu điện thoại (là tài sản nhỏ gọn) vào trong túi quần nhưng T vẫn chưa chiếm đoạt được tài sản vì chưa đưa được tài sản ra khỏi phạm vi cửa hàng, tức ra khỏi tầm kiểm soát của chị V. Chỉ khi nào T mang được điện thoại ra khỏi cửa hàng thì T mới chiếm đoạt được tài sản này và quyền sở hữu về tài sản của chị V mới thực sự bị xâm hại trên thực tế. Bản chất T giấu điện thoại vào trong túi quần chỉ là điều kiện để T nhanh chóng chạy ra khỏi cửa hàng nhằm chiếm đoạt cho bằng được tài sản. Việc chiếm đoạt tài sản ở đây được thực hiện một cách công khai (khi thực hiện hành vi phạm tội, T nhận thức được rằng chị V hoàn toàn có khả năng biết được hành vi chiếm đoạt tài sản của mình ngay khi hành vi này đang được thực hiện nhưng T không có ý định che giấu hành vi phạm tội đó) chứ không phải lén lút, bí mật nên T không phạm vào tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS năm 2015.

Qua những phân tích nêu trên, chúng ta thấy sau khi tạo ra những điều kiện thuận lợi như giấu điện thoại vào trong túi quần, nói dối chị V là đã đưa điện thoại cho quầy kỹ thuật, T đã nhanh chóng chạy ra khỏi cửa hàng để chiếm đoạt cho bằng được tài sản. Hành vi này của T là hành vi lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản (chị V) để chiếm đoạt tài sản của họ một cách công khai và nhanh chóng nên đã phạm vào tội Cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 171 BLHS năm 2015. Tội phạm hoàn thành khi T giật được tài sản ra khỏi sự quản lý của chị V (T chạy được ra khỏi phạm vi của cửa hàng điện thoại).

Nhiều ý kiến cho rằng người phạm tội phải giật tài sản từ trên người của bị hại hoặc phải nhanh chóng tiếp cận tài sản từ xa thì mới gọi là cướp giật tài sản. Đây là ý kiến không chính xác và chưa bao quát. Trong tội Cướp giật tài sản, người phạm tội giật tài sản là giật từ sự quản lý của người quản lý tài sản chứ không chỉ là giật từ trên người. Vì vậy, tội Cướp giật tài sản hoàn thành khi người phạm tội giật được tài sản ra khỏi sự quản lý của người quản lý tài sản và việc người phạm tội sau đó có chiếm đoạt được tài sản hay không không có ý nghĩa đối với việc định tội danh. Đồng thời, đặc trưng của tội Cướp giật tài sản là chiếm đoạt tài sản một cách công khai và nhanh chóng, tức nhanh chóng chiếm đoạt là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc định tội danh, còn việc nhanh chóng tiếp cận tài sản chỉ là yếu tố bổ trợ cho yếu tố nêu trên mà thôi.

Tóm lại, trong tình huống đưa ra, Nguyễn Văn T phạm vào tội Cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 171 BLHS năm 2015.

Cùng quan điểm Nguyễn Văn T phạm tội Cướp giật tài sản, có bạn Trần Trọng Khánh (K42 chuyên ngành Luật Thương mại - Trường Đại học Luật TPHCM); Đinh Minh Lượng (Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5)...

 

Một cửa hàng điện thoại tại Tp Ninh Bình - Ảnh: MH

PHẠM VĂN MINH (Công an Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)