Nguyễn Văn V phạm tội gì?

Sau khi Nguyễn Văn V bị mọi người cùng nhau đánh gây thương tích, V rút một con dao nhọn để sẵn trong túi quần đâm liên tiếp 2 – 3 cái về phía L & Đ rồi bỏ chạy về nhà. Hậu quả L chết, L bị thương tích 57%. Nguyễn Văn V phạm tội gì?

Biết Nguyễn Văn V là người yêu H, cháu họ mình, nên L bắt V phải gọi mình bằng chú. Nhưng vì cùng tuổi và chưa cưới H, nên V không gọi nên bị L chọc phá. Ngày 30/6/2019, khi V cùng H đi chơi, thì L cùng mấy người bạn chặn lại chửi và doạ đánh. Tối hôm đó, L lại cùng với bạn của mình chặn và đánh làm V phải bơi qua ao để chạy về được nhà.

Ba hôm sau, vào khoảng 20 giờ ngày 03/7, L rủ Đ cùng hơn chục người khác đến nhà của H để đánh V. Tại đây, L đến chỗ V đang ngồi uống nước, tay trái túm tóc, tay phải đấm thẳng một quả thật mạnh vào mặt V làm V bị ngã xuống sân, rách da và chảy máu ở đuôi lông mày trái. Khi V đứng dậy chống đỡ, thì Đ và số người đi cùng xông vào đánh làm V ngã dúi xuống chân bờ tường. V dùng tay phải rút một con dao nhọn để trong túi quần đâm liên tiếp 2 – 3 cái về phía L & Đ rồi nhảy qua bức tường cao khoảng 60cm chạy về nhà. L và Đ chạy đuổi theo được 40 – 50m thì gục ngã.

Hậu quả L bị chết do vết đâm thủng tim; Đ bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 57%. Còn bản thân V bị thương tích: Lông mày trái bị rách da dài 4cm; gò má trái bị rách da kích thước 0,5cm x 1cm; lòng bàn tay trái có hai vết rách da sắc gọn cách nhau 2cm, dài 1cm; phía trong các ngón tay trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út của tay trái có vét rách da sắc gọn (kiểu đứt tay), dài 1cm; mặt bên trái ngón giữa của bàn tay phải có vết rách da sắc gọn (kiểu đứt tay), dài 1cm. V không đồng ý giám định thương tích.

Quá trình giải quyết vụ án có ba quan điểm định tội đối với V, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: V phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 125 BLHS. Bởi lẽ V đã bị kích động về tinh thần do hành vi dùng vũ lực trái pháp luật của L, Đ và nhóm bạn của L, Đ đối với V. Hành vi của L, Đ và nhóm bạn của L, Đ là hành vi trái pháp luật một thời gian dài, có tính chất đè nén (trước đó L đã nhiều lần uy hiếp, đe dọa đòi đánh V), đến thời điểm bị nhóm của L, Đ đánh thì V bị kích động mạnh về tinh thần, nên mới thực hiện hành vi dùng dao đánh L, Đ.

Quan điểm thứ hai: V phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 126 BLHS. Quan điểm này cho rằng Nguyễn Văn V vì bảo vệ bản thân mình trước sự tấn công của L, Đ và nhóm bạn nên đã dùng dao đâm bừa, đâm trúng ai thì trúng, không quan tâm hậu quả xảy ra là gây thương tích hay chết người, thể hiện sự chống trả lại một cách rõ ràng là quá mức cần thiết làm cho L bị chết, Đ bị thương tích 57%, được xem là trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Quan điểm thứ ba: Nguyễn Văn V phạm tội “Giết người” theo Điều 123 BLHS. Quan điểm này cho rằng khi L, Đ và nhóm bạn tấn công V nhưng không dùng hung khí hoặc phương tiện gì nguy hiểm mà chỉ dùng tay, chân đánh V, thể hiện tính chất hành vi của nhóm L, Đ không quá quyết liệt. Khi V bị đánh ngã dúi xuống chân bờ tường, lúc này V không nhảy qua bờ tường (cao 60cm) để chạy thoát mà dùng tay phải rút một con dao nhọn để trong túi quần đâm liên tiếp 2 – 3 cái về phía L & Đ, sau đó mới nhảy qua bờ tường để chạy về nhà. V có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự để nhận thức được việc dùng dao đánh lại nhóm của L, Đ là nguy hiểm nhưng V vẫn thực hiện; V có đủ thời gian và không gian (bờ tường cao 60cm) để dễ dàng nhảy qua và chạy thoát nhưng V vẫn thực hiện hành vi đâm 2, 3 cái về phía nhóm L, Đ rồi mới chạy thoát. Hành vi của V đã thỏa mãn tội “Giết người” theo Điều 123 BLHS.

Qua nội dung vụ án nêu trên, chúng tôi có quan điểm như sau:

Trước hết, theo chúng tôi thì không thể truy tố V tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS. Bởi vì, V hành vi của V dùng dao đâm bừa vào những người đang tấn công mình trong tình trạng bị xúc phạm, ức chế, bị tấn công liên tục, ép V vào chân bờ tường. Lúc này V chỉ nhận thức được làm sao để thoát khỏi sự tấn công của nhóm L, Đ. V không có ý thức cố ý gây thương tích hoặc tước đi sinh mạng của L, Đ. Do vậy, chỉ có thể truy tố V về tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Xét hành vi phạm tội của V, thấy: Khi bị đông người cùng xông vào đánh ngã dúi xuống chân bờ tường, V dùng tay phải đưa vào túi quần rút một con dao nhọn đâm liên tiếp 2-3 cái về phía L và Đ, rồi nhảy qua bức tường cao khoảng 60cm chạy về nhà. Đây là hành vi đâm bừa, muốn trúng ai thì trúng và hậu quả chết người cũng được, bị thương cũng được (để mặc cho hậu quả xảy ra). Nghĩa là, khi đâm về phía L và Đ, V không có ý định là tước đi sinh mạng của một người cụ thể nào mà chỉ với mục đích chống trả những người đang tấn công mình bằng một loại hung khí nguy hiểm (con dao nhọn). Cho nên, hậu quả đến đâu, thì V phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó. Với hậu quả là đâm chết L, thì V phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người; còn với hậu quả gây thương tích cho Đ với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 57%, thì V phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích. Nghĩa là hành vi phạm tội của V cấu thành nhiều tội thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng và tội xâm phạm sức khoẻ.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/6/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC  (những nội dung trong Nghị quyết này chưa có văn bản nào thay thế nên vận dụng tinh thần của nghị quyết để áp dụng), quy định phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là phạm tội trong tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là kích động mạnh. Hành vi trái pháp luật của nạn nhân là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh nhưng chưa đến mức cấu thành tội phạm. Trong vụ án này, hành vi của L là cùng bạn (có lúc rất đông bạn) tìm và đánh V khi V đang đi chơi cùng người yêu kéo dài từ ngày 30 tháng 6 đến ngày xảy ra vụ việc (ngày 03 tháng 7). Hành vi đó đã gây cho V kích động rất mạnh về tinh thần.

Hơn nữa, hành vi của L, Đ và đồng bọn thể hiện rất rõ tính chất côn đồ (đánh người một cách vô cớ) nhiều lần. Theo quy định tại Điều 134 BLHS, thì hành vi của L & Đ là hành vi cố ý gây thuơng tích.

Từ các phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng V đã phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 126 BLHS và tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại Điều 136 BLHS.

Trên đây là quan điểm giải quyết vụ việc, rất mong nhận được sự trao đổi cùng bạn đọc và đồng nghiệp./.

 

TAND tỉnh Bình Dương  xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Giết người”  – Ảnh: Báo PLVN.

NGUYỄN XUÂN KỲ (Tòa án quân sự Quân khu 5)